Kẻ xấu dùng Deepfake giả người thân để chiếm đoạt tài sản
Công nghệ Deepfake đang được giới tội phạm sử dụng thường xuyên.
Nhờ được cảnh báo, người dùng mạng xã hội hiện nay đã cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo bằng tin nhắn nhờ chuyển tiền. Vì vậy, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng chiêu lừa đảo tinh vi để đánh lừa người dùng, đó là giả cuộc gọi video để vay tiền.
Cụ thể, kẻ xấu lấy những video cũ của người dùng, cắt ghép hoặc dùng công nghệ deepfake làm giả video, phát lại video dưới hình thức mờ ảo, chập chờn như đang ở nơi sóng yếu để thực hiện hành vi lừa đảo.
Một người dùng cho biết, chị nhận được tin nhắn mượn tiền từ tài khoản Facebook của một người thân bên nước ngoài. Vì đã được cảnh báo nên chị đã cẩn thận gọi video để kiểm tra thì thấy hình ảnh đúng là bạn mình. Vì vậy, chị đã tin tưởng và cho chuyển khoản cho bạn vay. Nhưng sau đó, người bạn này đã đăng bài thông báo việc bị kẻ gian hack nick facebook để hỏi vay tiền một số bạn bè và người thân. Sau khi xác nhận chị mới biết mình đã bị lừa.
Người dùng này cho biết, khi gọi video cho bạn, tuy âm thanh khó nghe, hình ảnh nhòe như sóng chập chờn nhưng vẫn hiện lên khuôn mặt và giọng nói của người thân, cách xưng hô cũng chính xác.
Theo các chuyên gia về công nghệ, kẻ xấu thường tìm kiếm thu thập thông tin cá nhân của người dùng được đăng tải công khai trên các tài khoản mạng xã hội… và dùng phần mềm chỉnh sửa, cắt ghép hình ảnh để lừa đảo nạn nhân chuyển tiền.
Thủ đoạn lừa đảo rất tinh vi với kịch bản tỉ mỉ, chi tiết có thể xảy ra với bất cứ ai và bất cứ thời điểm nào. Vì vậy, cơ quan chức năng cảnh báo người dân cần đặc biệt cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo tinh vi này, cần xác minh kỹ xem đó có phải là bạn bè, người thân của mình hay không khi được hỏi mượn tiền. Trường hợp nghi vấn đối tượng giả mạo người thân trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dùng cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.