J.S. Bach - Những góc khuất của một thiên tài
(Thethaovanhoa.vn) - Johann Sebastian Bach là một thiên tài âm nhạc thế kỷ 18 (1865-1750), một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất thế giới. Các sáng tác của ông vẫn tạo ảnh hưởng lâu dài tới thế giới âm nhạc, song con người thật của ông lại chưa được biết nhiều.
Còn bây giờ, người hâm mộ Bach có thể biết thêm được những khía cạnh khác trong cuộc đời của nhà soạn nhạc qua cuốn sách song ngữ Anh-Đức có minh họa mang tựa đề Bach: A Pictorial Biography của Michael Maul - Giám đốc nghệ thuật Liên hoan Bach.
Cuốn tiểu sử với nhiều “mảnh ghép”
Trong cuốn tiểu sử mới - được Maul tung ra sau 20 năm nghiên cứu - tác giả mô tả Bach là người đàn ông đã nhiều lần xúc phạm những ông chủ của mình và trong những năm sau này ngày càng rút dần ra khỏi việc sáng tác nhạc nhà thờ. “Qua qua nghiên cứu tôi nhận thấy Bach chịu ảnh hưởng từ nhiều xung đột văn hóa - chính trị mạnh mẽ thời kì đó” - Maul viết.
Tuy đã nghiên cứu về Johann Sebastian Bach trong hơn 20 năm, nhưng Maul tự nhận mình còn lâu mới nắm rõ mọi khía cạnh con người của Bach. Quá nhiều câu hỏi về ông vẫn chưa được trả lời trong khi các ghi chú mới của ông hoặc các mảnh bản thảo vẫn tiếp tục được khám phá. Trong cuốn tiểu sử, Maul cố gắng ghép các tư liệu mới này với nhau theo thứ tự thời gian.
Cuốn sách kể cho độc giả về những khía cạnh ít được biết đến của nhà soạn nhạc, người vốn thường trốn học ở trường, ngược đãi những người chơi kèn nghiệp dư và luôn đòi trả lương cao hơn. Như lời Maul, có nhiều sai lệch trong nghiên cứu về Bach trước đây.
Maul lớn lên trong âm nhạc của Bach. Cha anh là một người đam mê piano và anh có hai thần tượng âm nhạc là Beethoven và Bach.Tuy nhiên, không giống như Ludwig van Beethoven, Bach để lại rất ít bài viết hoặc tuyên ngôn cá nhân, trừ một bức thư gửi cho người bạn Georg Erdmann của ông.
Bach sinh năm 1685 ở Eisenach (Đức) trong gia đình có truyền thống âm nhạc. Mất cả cha lẫn mẹ khi mới 10 tuổi, Bach đến sống ở Ohrdruf với anh trai tuổi và được dạy kèm âm nhạc. Tuổi thơ của Bach được nhắc tới trong lời cáo phó mà con trai ông là Carl Philipp Emanuel Bach đã viết, trong đó có việc ông đã bí mật mượn cuốn sách âm nhạc của anh trai mình để sao chép các bản nhạc của “các bậc thầy nổi tiếng”. Người ta biết rất ít về thời trẻ của Bach ngoài việc ông luôn hiểu được tường tận từng mẩu nhạc mà mình cầm lên tay. Tương truyền, Bach từng nhắc đến một nhạc sĩ đồng nghiệp đang chơi đàn bằng những từ ngữ không mấy hay ho. Cuộc cãi vã leo thang, nhưng cuộc đấu tay đôi giữa họ đã được ngăn chặn vào giây phút cuối.
Ở thời đó để nghe được thứ âm nhạc mình muốn, chàng trai Bach đã phải đi bộ hơn 321 km để đến Lübeck, trên bờ biển phía Bắc của Đức. Tại đây, nghệ sĩ organ vĩ đại Dieterich Buxtehude đã tổ chức “Abendmusiken” (hòa nhạc buổi tối) huyền thoại của mình tại Nhà thờ St. Buxtehude. Sự kiện âm nhạc này đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong quá trình chơi và sáng tác đàn organ của Bach.
Năm 1708, ở tuổi 23, Bach giành được một hợp đồng biểu diễn danh giá ở Weimar. Ở đây, Bach đã viết những kiệt tác đầu tiên của mình và phần lớn các tác phẩm organ của ông trong 9 năm sau đó. Trong giai đoạn sau đó, khi làm giám đốc dàn nhạc tại triều đình ở Köthen, Bach đã có một dàn nhạc được trang bị tuyệt vời theo ý của mình từ Hoàng tử Leopold, một người bạn và người bảo trợ yêu âm nhạc. Nhiều tác phẩm của ông đã được viết ở đó. Nhưng khi Leopold lấy một người vợ ít quan tâm đến âm nhạc, điều kiện làm việc của Bach bị ảnh hưởng, vì vậy ông bắt đầu tìm kiếm một công việc khác.
Trong tiểu sử của Bach rõ ràng có những khoảng trống về thời gian chưa được làm rõ. Nhưng Maul cho rằng, ngay cả những bản nhạc trên giấy ố vàng cũng có thể cung cấp những thông tin hấp dẫn về phương pháp làm việc của Bach. Những ghi chú ngoài lề trên một trong những tờ nhạc cho thấy Bach luôn có ý tưởng tiếp theo trong đầu khi ông vẫn đang viết một tác phẩm.
“Bach dành phần lớn thời gian để tìm một chủ đề” - Maul nói và cho rằng phần còn lại là sự khéo léo, khi “bộ não chuyển sang chế độ tự động” và nhà soạn nhạc viết ra những gì ông nghĩ trong đầu.
Những năm tháng chật vật ở Leipzig
Ngày nay thành phố Leipzig (Đức) tự hào về Bach. Nhưng sinh thời thì khác, Bach chỉ là sự lựa chọn thứ 3 để trở thành giám đốc âm nhạc của Nhà thờ và Trường học St Thomas danh tiếng tại đây. Theo Maul, nhà soạn nhạc hẳn đã phải chịu áp lực rất lớn.
Từ năm 1723, trong những ngày đầu là giám đốc âm nhạc tại nhà thờ St. Thomas ở Leipzig, tuần nào Bach cũng sáng tác những bản nhạc mới, kèm thêm đó là tập dượt biểu diễn cho dàn nhạc. Với tư cách là nhạc trưởng, Bach viết nhạc cho các buổi lễ nhà thờ nhưng nhạc phẩm của ông đưa ra các đòi hỏi khắt khe đến mức các nhạc sĩ và ca sĩ thường bị choáng ngợp, đặc biệt là Dàn hợp xướng St. Thomas Boys nổi tiếng mà ông đào tạo. Khi hội đồng thành phố quyết định mở trường St. Thomas cho nhiều trẻ em thuộc các tầng lớp nghèo hơn, Bach được bổ nhiệm phụ trách âm nhạc của trường. Tuy nhiên, Bach và hội đồng thành phố đã có tranh cãi gay gắt khi ông cho rằng tài năng âm nhạc không còn đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn của học sinh.
Biên bản của hội đồng cho thấy một cái nhìn thoáng qua về tính cách của Bach. Họ cho rằng nhà soạn nhạc là người ngỗ ngược và cố chấp, là một giám đốc âm nhạc dường như không thích làm việc.
Đối diện với những đứa trẻ bướng bỉnh trong trường, cãi lộn với chính quyền, phải đảm đương những nhiệm vụ nặng nề và ít được tôn trọng, cuộc sống của giám đốc âm nhạc tại St. Thomas không hề dễ dàng. Để thay đổi, Bach đến quán cà phê địa phương, Cafe Zimmermann, chơi nhạc với bạn bè và sinh viên trong hội âm nhạc Collegium Musicum của Leipzig. Cuối cùng Bach thấy mình có mâu thuẫn với chính quyền nhà thờ và thành phố, khiến ông phải xin việc ở nơi khác nhưng không thành công.
Với đàn con đói khát phải cáng đáng, Bách luôn phàn nàn về chi phí sinh hoạt cao ở Leipzig. Ông thậm chí còn than thở rằng việc thành phố có ít người chết hơn sẽ làm các đám tang ít đi, thu nhập của nhạc sĩ giảm do mất đi các khoản tiền dịch vụ của mình.
Thiên tài “ẩn mặt” với hậu thế
Trong những năm cuối đời, Bach dành nhiều tâm huyết hơn cho âm nhạc và tạo ra những tác phẩm đòi hỏi sự khắt khe hơn, bao gồm Clavier-Übungen soạn cho đàn phím, Goldberg Variations (Biến tấu Goldberg) và The Art of Fugue (Nghệ thuật Fugue).
Ngày 28/7/1750, Bach từ trần ở tuổi 65. Theo một tờ báo, “hậu quả tai hại của một cuộc phẫu thuật mắt không thành công” đã gây ra cái chết.
Các sử gia đương đại suy đoán rằng nguyên nhân cái chết là một cơn đột quỵ do biến chứng từ bệnh lao. Bach được an táng tại Nghĩa trang Old St John ở Leipzig. Phần mộ của ông bị lãng quên trong gần 150 năm. Đến năm 1894, cuối cùng người ta cũng tìm thấy quan tài của Bach và nó được dời đến Nhà thờ St John. Trong thời kỳ Thế chiến II, giáo đường này bị Đồng minh đánh bom, năm 1950, di hài Bach được chôn cất tại Nhà thờ St Thomas ở Leipzig.
- Ban nhạc Đức Der Ringer trình diễn tại Việt Nam
- Nhà soạn nhạc Đức được gắn sao trên Đại lộ Hollywood
- Hòa nhạc Đức - Việt Nam
Khá thú vị, những tác phẩm âm nhạc của Bach nổi tiếng, thế nhưng, diện mạo chính xác của ông ra sao thì người ta lại chưa biết tường tận. Trên trang bìa cuốn tiểu sử của Maul là bức tranh nổi tiếng của Gottlob Haussmann vẽ từ năm 1748 - một trong những bức chân dung hiếm hoi của nhà soạn nhạc.Trong hơn 60 năm, nó được treo trong phòng khách của nhà âm nhạc học, nhà sử học và người bảo trợ nghệ thuật William Scheide ở Princeton, New Jersey (Mỹ). Scheide để lại vật quý giá này cho Kho lưu trữ Bach ở Leipzig.
Tuy nhiên, Maul đề cập đến một bức chân dung khác, có khả năng là vẽ nhà soạn nhạc khi còn trẻ, với tác giả là một họa sĩ vô danh trong thế kỷ 18. Được biết, một ghi chú viết tay ở mặt sau khiến nhiều người cho thấy đó là chân dung của Bach. “Bức tranh hiện đang được kiểm tra bằng tất cả các loại thiết bị hỗ trợ kỹ thuật” - Maul nói.
Nghiên cứu về cuộc đời của Bach dường như là một câu chuyện không bao giờ kết thúc. Maul hy vọng cuốn tiểu sử của mình sẽ khiến độc giả hài lòng về khía cạnh rất con người của nhà soạn nhạc này, một con người là “sự pha trộn giữa thiên tài âm nhạc và một người đàn ông đầy cá tính”.
Bach - vẻ đẹp của trí tuệ Nhiều sáng tác của Bach vẫn còn được yêu thích cho đến ngày nay như Brandeburg Concertos, Mass cung Si thứ, The Well-Tempered Calvier, những bản cantata, những bài hợp xướng, những tổ khúc và những bản nhạc dành cho organ. Âm nhạc của Bach được xem là có chiều sâu trí tuệ, đáp ứng những yêu cầu chuyên môn và thấm đẫm nét đẹp nghệ thuật. |
Việt Lâm (tổng hợp)