A+ A A- Kiểu đọc sách

Juventus cần 'đối xử' với Dybala như Barcelona đã làm với Messi

18:29 18/04/2017
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Nỗi đau từ cái chết của người cha lại là động lực lớn để Paulo Dybala trưởng thành. Bây giờ, sau khi đã khẳng định được tài năng, Dybala cần phải được Juventus đối xử như cái cách Barcelona đang làm với Lionel Messi.

 

Đi theo tâm nguyện của người cha

Paulo Dybala là một người Nam Mỹ, nhưng gốc gác của anh lại thuộc về châu Âu. Sau thế chiến II, ông nội của Dybala di cư từ Ba Lan sang Argentina. Họ sống ở một ngôi làng nhỏ, nơi ông Boleslaw gặp khó khăn trong công việc và không thể tìm được cách trở lại quê nhà.

Lịch sử thời ấy ghi lại cuộc sống của những người nhập cư, họ tới Argentina với hai bàn tay trắng, gặp khó khăn trong cuộc sống. Nhưng bằng cách này hay cách khác, họ tự nỗ lực xây dựng cuộc sống. Ông Boleslaw yêu một cô gái người Argentina, họ kết hôn và gây dựng cuộc sống mới ở đó.

Dybala trong màu áo Atletico Central Cordoba

Thị trấn Laguna Larga của gia đình Paulo có rất nhiều trang trại. Ở đó, họ trồng lúa mì, ngũ cốc và nuôi bò sữa. Paulo đã lớn lên cùng tuổi thơ bên những nông trại nuôi bò và trồng lúa mạch. Bố anh, ông Adolfo, là một người yêu bóng đá.

Khi Paulo 9 tuổi, ông đưa anh gia nhập học viện bóng đá Atletico Central Cordoba. Học viện cách nhà của Paulo khoảng 40 dặm và ngày nào, ông Adolfo cũng lái xe chừng ấy chặng đường chỉ để đưa cậu con trai của mình đi tập.

 

Paulo Dybala: Người hùng của Juventus đã 'cướp show' của Lionel Messi

Paulo Dybala: Người hùng của Juventus đã 'cướp show' của Lionel Messi

Hai bàn thắng đẳng cấp vào lưới Barcelona ở trận lượt đi vòng Tứ kết Champions League 2016-17 cho thấy giá trị của Paulo Dybala. Trong trận đấu mà người đàn anh Lionel Messi im lặng, Dybala đã tỏa sáng rực rỡ theo cách của riêng anh.

Điều khủng khiếp ập đến với Paulo lúc  anh 15 tuổi khi ông Adolfo qua đời vì căn bệnh ung thư. Đó là một cú sốc lớn với Paulo Dybala. Từ việc luôn nói chuyện với bố khoảng 2 tiếng mỗi ngày (quãng thời gian họ cùng nhau đến sân tập), Paulo không còn ai để tâm sự. Anh bị sốc và rời học viện bóng đá mất 6 tháng.

Nhưng rồi, Paulo quyết định trở lại. Đó là một quyết định mang tính bước ngoặt.
 

Màn trình diễn của Dybala trong năm 2017

Trở lại Atletico Central Cordoba cũng có nghĩa anh phải sống xa nhà. Trong một bài phỏng vấn vào năm 2014, Paulo nói rằng anh đã bị khủng hoảng sau cái chết của người cha. Nhiều lần, Paulo đã nhốt mình trong phòng tắm và khóc nhiều giờ trong đó. Nhưng vì tâm nguyện của bố, anh lấy lại quyết tâm.

Ở tuổi 17, Paulo chơi trận ra mắt cho đội học viện Atletico Central Cordoba ở giải hạng ha Argentina. Sau đó, anh được biết đến với biệt danh "La Joya" (Viên ngọc) mỗi khi bước vào các trận đấu. Năm ấy, Paulo kết thúc mùa giải với 17 bàn thắng.

Xây dựng sự nghiệp ở Palermo

Mùa Hè năm 2012, Paulo Dybala chuyển tới Palermo với mức phí 12 triệu euro. Đó là một khoản phí cao đối với một cầu thủ chưa chơi một phút nào ở giải đấu cao nhất của Argentina. Paulo cũng chưa từng khoác áo các đội trẻ của Argentina.

Ở Palermo, Dybala phải mất 2 mùa bóng mới chứng tỏ được giá trị

Mùa giải đầu tiên của Paulo ở Palermo không suôn sẻ. Anh chỉ chơi 11 trận và Palermo xuống hạng. Mùa giải thứ hai của Paulo vẫn không bằng phẳng. Palermo giành vé thăng hạng nhưng anh bỏ lỡ phần lớn cả mùa giải vì chấn thương. Paulo rơi vào tình trạng cô đơn và nhớ nhà. Paulo vẫn cố chống chọi với nỗi nhớ ấy.

Có nhiều lúc, Paulo thừa nhận anh rơi vào hoàn cảnh như của ông nội Boleslaw thời hậu thế chiến II. Nghĩa là phải một mình vượt đại dương để đi tìm mảnh đất xa lạ. Nếu ông nội Boleslaw ra đi để tìm một cuộc sống mới thì Paulo vượt đại dương để xây dựng sự nghiệp cho chính mình.

Anh muốn làm thỏa ước nguyện của bố Adolfo, người luôn muốn con trai trở thành ngôi sao xuất sắc của bóng đá thế giới.

 

Paulo Dybala sẽ là Lionel Messi tiếp theo?

Paulo Dybala sẽ là Lionel Messi tiếp theo?

Paulo Dybala, từ chỗ là cậu bé cần được đàn anh Lionel Messi an ủi mới hơn nửa năm trước, giờ đã đánh bại chính người đàn anh đó.

Paulo Dybala hiểu anh cần phải thích nghi. Anh là "La Joya" nhưng vị trí số 10 thật khó để khẳng định ở môi trường bóng đá hiện đại. Vì thế, Paulo buộc phải thay đổi, anh sẵn sàng thích nghi với những vai trò khác nhau.

Bước ngoặt sự nghiệp của anh đến ở mùa 2014-15. Palermo trở lại với Serie A và Paulo cùng với một tiền đạo Argentina khác là Franco Vazquez, trở thành một cặp đôi cực ăn ý. Paulo chơi ở vị trí trung phong, với Varquez chơi ngay phía sau, đã ghi 22 bàn và 20 đường kiến tạo.

Con số đó không tệ đối với một hàng công đến từ một đội bóng vừa giành vé thăng hạng.

Paulo Dybala cho biết động tác ăn mừng của anh - ngón trỏ và ngón cái để dưới mắt, phần còn lại của bàn tay che miệng và mũi - lấy cảm hứng từ các võ sỹ giác đấu!

"dybalamask - mặt nạ Dybala - rất đơn giản: Đó là mặt nạ của đấu sỹ!", Dybala viết trên Twitter! "Khi chúng ta gặp khó khăn, đôi khi chúng ta phải mang mặt nạ để trở nên mạnh mẽ hơn, trong khi không đánh mất nụ cười và lòng tốt của mình"!

 

Sẽ là trung tâm của Juventus

Juventus ý thức được tài năng của Paulo Dybala. Họ đến, đưa ra lời đề nghị 32 triệu euro, rồi tăng lên 40 triệu euro, để đưa anh về với Turin. Thời điểm ấy, Juve chia tay Tevez, Vidal và Pirlo nên họ cần những nhân tố mới để tái thiết đội bóng. Nhưng Paulo mới 21 tuổi và kế hoạch sử dụng anh được thực hiện một cách dần dần.

Mùa đầu tiên, Paulo ghi 19 bàn và có 9 đường kiến tạo. Con số ấy là bước đệm cho Paulo trong mùa giải thứ 2, khi các sếp của Juventus hiểu rằng họ đang sở hữu một viên ngọc thực sự và đã đến lúc, họ cần xây dựng đội bóng quanh cầu thủ mang áo số 21 này.

Trong màu áo Juventus, Dybala đang là ngôi sao sáng nhất

Có một điều khá ngạc nhiên là mùa Hè năm ngoái, Juve đã chiêu mộ Gonzalo Higuain với giá 90 triệu euro ngay trước thời điểm họ bán Paul Pogba cho Juventus. Tuổi tác, mức phí chuyển nhượng và mức lương của Higuain làm dấy lên những lo ngại rằng sự có mặt của cựu tiền đạo Napoli có làm ảnh hưởng tới Paulo hay không.

Paulo là tương lai của Juve và khẳng định được giá trị trên hàng công. Juve liệu sẽ xây dựng lối chơi xung quanh Paulo hay là buộc anh phải thích nghi với vai trò mới?

Cho đến thời điểm này, Juve đã chứng minh họ đúng. Higuain đã ghi 27 bàn trên mọi mặt trận. Đó là điều không quá ngạc nhiên với chân sút trị giá 90 triệu euro. Nhưng cái cách Paulo Dybala thích nghi mới thực sự đáng nói.

Anh đá ở cánh, lúc chơi phía sau, lúc đá song song với Higuain. Họ không bao giờ để mất sợi dây liên lạc. Mỗi người một điểm mạnh, một sở trường, bổ trợ cho nhau để mang đến sự đa dạng cho hàng công của Juventus.

Các bàn thắng của Dybala vào lưới Barcelona:





 

Paulo đã thích nghi, đã khẳng định anh vẫn chơi hay ngay cả khi không được chơi với vị trí số 10 sở trường. Đó là giá trị của một ngôi sao lớn, đúng với những gì Juventus kì vọng.

Với hai bàn thắng vào lưới Barcelona ở trận Tứ kết lượt đi Champions League, Paulo được so sánh với Messi, thần tượng của anh. Và khi Paulo đạt tới đẳng cấp của Messi thì cũng là lúc Juventus phải xây dựng một lối chơi xuay quanh anh, như cái cách Barcelona đã làm với Messi.

Tại sao ư? Vì Paulo đã cho thấy sự thích nghi và nỗ lực phấn đấu trong suốt những năm qua. Anh đã đạt đến đẳng cấp mà các đồng đội cần thích nghi với tài năng của mình. Trên tất cả, Paulo chứng minh anh xứng đáng nếu được là trung tâm trong lối chơi của Juventus.

Giống như Messi, Dybala khi còn nhỏ cũng bé loắt choắt. CLB đầu tiên của anh ở thị trấn quê nhà Laguna Larga chỉ có một cỡ áo cho mọi cầu thủ ở đội trẻ, và những bức ảnh còn lưu lại cho thấy Dybala như thể trẻ con mặc quần áo người lớn. Cũng giống Messi, thể hình của Dybala không thể ngăn cản anh tỏa sáng. “Chúng tôi được mời tới xem đội trẻ tập, vì chúng tôi nghĩ có thể có vài cầu thủ chúng tôi có thể dùng tạm”, Dario Franco, HLV của Instituto trong mùa duy nhất của anh ở đó, nhớ lại. “Ngay khi tôi thấy cậu ta, tôi biết không cần tìm đâu nữa”. Anh ra mắt đội 1 một tuần sau, ở tuổi 17.

17 tuổi, Messi đã chơi cho Barcelona; Dybala thì vẫn ở Instituto, hạng Nhì Argentina. Ngay cả khi tới châu Âu, Dybala cũng không được một đại gia chờ sẵn. “Palermo có hệ thống tuyển mộ cầu thủ rất tốt ở Nam Mỹ”, Giuseppe Sannino, HLV đầu tiên của Dybala ở Italy, nói. “Có rất nhiều đội chú ý tới Paulo, tôi nhớ nhất là Inter Milan, nhưng Palermo có lịch sử lâu đời đưa về các cầu thủ Nam Mỹ trẻ như Javier Pastore và Edinson Cavani. Chúng tôi cũng đã có sẵn một số cầu thủ Nam Mỹ khi Paulotới: Abel Hernandez, Arevalo Rios, giúp cậu ấy hòa nhập dễ hơn”.

 

 

T.Giáp
Tổng hợp

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...