(Thethaovanhoa.vn) - Andrea Belotti là cái tên đang làm thị trường chuyển nhượng mùa Đông dậy sóng sau khi Torino tiết lộ đã từ chối lời đề nghị 56 triệu bảng từ Arsenal.
Một con số “khủng” cho một tiền đạo mới nổi không khỏi khiến người ta đặt câu hỏi và họ sẽ còn tò mò hơn khi biết rằng
Belotti đã vươn lên mạnh mẽ từ một cầu thủ chơi ở giải hạng 3 để trở thành một chân sút hàng đầu Serie A.
Khởi đầu khó khăn
Thành công với Belotti rất ít màu hồng, anh chiến đấu vì nó bằng nỗ lực và nỗ lực không ngừng. Sau khi bị Atalanta từ chối, hành trình của Belotti thực sự bắt đầu với đội bóng nhỏ bé AlbinoLeffe tại giải hạng 3 Ý. Ở tuổi 18, sự hi sinh đã sớm được hình thành. Anh từng kể rằng đã có những đêm mình ngồi khóc một mình vì bạn bè được đi dự tiệc còn bản thân phải ở nhà trong sự uốn nắn nghiêm khắc của người bố làm công việc xây dựng, người dạy anh mọi thứ cần có trên sân cỏ, đặc biệt là tinh thần chuyện nghiệp và đạo đức trong công việc.
Trước thềm Serie A khởi tranh trở lại sau kỳ nghỉ Đông, trang Goal.com đưa ra đội hình tiêu biểu nửa đầu mùa 2016-17 của giải đấu này, theo sơ đồ 3-4-3.
“Cha tôi bảo rằng nếu con rời sân trong trạng thái không bị kiệt sức, đó có nghĩ là con không cống hiến hết mình”, Belotti chia sẻ trên tờ Gazetta dello Sport. Thái độ không bao giờ nao núng ảnh hưởng từ nền tảng gia đình chính là bước đệm quan trọng cho con đường sự nghiệp sau này.
Alessio Pala, HLV của Belotti tại AlbinoLeffe, chính là người đã nhận ra khao khát mãnh liệt trong chàng trai 18 tuổi. Ông miêu tả anh như một cầu thủ “xù xì và thô kệch” nhưng lại có thể ghi bàn theo nhiều cách khác nhau. Pala từng so sánh Belotti với huyền thoại Gianluca Vialli mặc dù Fabio Cannavaro thấy anh giống “Bò mộng” Christian Vieri hơn.
Chia sẻ về Belotti trên Sky Sports, Anthony Taugourdeau, đồng đội tại AlbinoLeffe cho biết: “Belotti luôn sở hữu khát khao to lớn để vươn cao nhất có thể. Cậu ấy đủ tốt nhưng tôi không nghĩ cậu ấy có thể đạt tới đẳng cấp hàng đầu”. Tuy nhiên, Belotti không hề nghĩ vậy. “Giới hạn, sợ hãi thường là ảo giác”, đó là dòng chữ được xăm trên cánh tay tiền đạo này.
Năm 2013, anh từ chối Sampdoria để ký hợp đồng với một Palermo ở Serie B cùng mức lương khiêm tốn 400 nghìn bảng/mùa vì anh tin rằng đây sẽ là nơi mình được cất cánh. Cuối cùng, Palermo thăng hạng năm đó với ngôi vô địch.
Với Belotti, không có gì là không thể
Đối tác trên hàng công của Belotti bấy giờ Kyle Lafferty nhớ lại: “Mặc dù khi đó cậu ấy còn rất trẻ nhưng cậu ấy đã có bộ não bóng đá của một cầu thủ già rặn. Một người biết lắng nghe, luôn sẵn sàng học hỏi, cậu ấy là một cá tính đặc biệt và sẽ có vị thế rất lớn trong phòng thay đồ”.
“Cậu ấy là một tiền đạo toàn diện, người có thể giữ bóng tốt, rất mạnh trên không và cực kỳ thính nhạy bàn thắng. Không có lý do gì mà cậu ấy không thể thành công tại Premier League khi cậu ấy là người đầy ý chí và sẽ mang lại rất nhiều điều cho tập thể”.
Gần đây, Taugourdeau đã bắt đầu cảm thấy sửng sốt với sự tiến bộ của người đồng đội. “Cậu ấy là một chàng trai đơn giản và rất khiêm tốn”, Taugourdeau chia sẻ. “Cậu ấy luôn làm mọi thứ bằng nỗ lực cao nhất. Cậu ấy xứng đáng với những gì đang nhận được. Tôi sẽ rất vui nếu cậu ấy chuyển tới Arsenal”.
Sự khiêm tốn và kiên định luôn hiện thân trong con người này ngay khi cả khi anh gắn liền với kiểu ăn mừng “gà trống” có phần lố bịch. “Đó là cách để tôi đáp trả những người cho rằng ngày nào đó tôi sẽ trở nên tự cao tự đại”, Belotti giải thích.
Lúc này, có lý do để Belotti ngẩng cao đầu hơn. Sau khi thất bại trong việc ghi bàn ở 10 trận đầu cho Torino từ vụ chuyển nhượng ở mùa Hè 2015 thì bàn thắng vào lưới Bologna hồi tháng 11 năm đó đã mở ra một cuộc “lội ngược dòng” cho Belotti. Đến lúc này, anh đã có 28 bàn cho CLB lẫn ĐTQG sau 42 lần ra sân. Hơn cả là 13 bàn ở Serie A mùa này cùng 33 cơ hội tạo ra cho đồng đội, nhiều hơn bất cứ tiền đạo nào ở Italy.
Tốc độ của Belotti khiến mọi hàng thủ chao đảo trong khi sức mạnh như một võ sĩ và quyết tâm của anh có thể thay đổi hoàn toàn cục diện cho đội nhà. Ở Belotti còn là ý thức phòng ngự mãnh liệt, anh luôn biết đâu là nơi hợp lý để ngăn chặn đường lên bóng của đối thủ. Một tiền đạo khiến nhiều người liên tưởng đến những chân sút cổ điển của bóng đá Anh.
Thần tượng của Belotti là Andriy Shevchenko nhưng anh thừa nhận mình học hỏi rất nhiều tiền đạo, luôn muốn bản thân phải có “sự lạnh lùng của Mario Gomez, kỹ năng loại bỏ hậu vệ của Fernando Torres, lối chơi thể lực của Didier Drogba và khả năng di chuyển tài tình của Sergio Aguero”.
Gian Piero Ventura từng nói với Belotti thế này: “Nếu cậu muốn, cậu có thể làm được” trong khi Belotti tự nhủ: “Tôi là một người luôn luôn nghĩ về việc khiến mình tốt hơn. Tôi không bao giờ đặt ra giới hạn cho mình”.
Rõ ràng, phẩm chất và tinh thần của anh là điều không phải bàn cãi. Một cầu thủ sẵn sàng dấn thân, luôn khao khát chạm tới những tầm cao mới xứng đáng nhận được sự tôn trọng.
Arsenal có dám chi tiền “tấn” vì Belotti?
Việc Giám đốc thể thao của Torino, Gianluca Petrachi, tiết lộ rằng họ đã từ chối lời đề nghị 56 triệu bảng cho tiền đạo Andrea Belotti của Arsenal không có nghĩa rằng “Pháo thủ” thực sự tiếp cận với cầu thủ 23 tuổi này.
Trong thế giới chuyển nhượng, người ta đã quá quen với chuyện một lãnh đạo của một CLB đăng đàn những thông tin kiểu này để gây sự chú ý và đánh lạc hướng dư luận.
Chưa bàn đến thật giả trong tiết lộ của ông Petrachi nhưng nếu phân tích cặn kẽ, việc Arsene Wenger đã hỏi mua Belotti, một tiền đạo mới nổi với giá 56 triệu bảng thực sự là điều không giống với phong cách “Giáo sư”. Vẫn biết mẫu tiền đạo toàn diện như Belotti là điều mà Arsenal thiếu nhưng trong bối cảnh Alexis Sanchez đang chơi hay ở vai trò “số 9” cộng thêm việc Olivier Giroud chuẩn bị gia hạn hợp đồng cùng sự trở lại của Danny Welbeck bên cạnh Lucas Perez ngày càng thể hiện tích cực, thì khả năng Wenger xúc tiến vụ Belotti tốc độ như vậy với cái giá ngất ngưởng là không hợp lý. Có thể, Belotti sẽ là mục tiêu trong tương lai không xa của Arsenal nhưng chắc chắn họ sẽ không bao giờ hỏi mua với mức giá kỷ lục 56 triệu bảng trừ phi Arsene Wenger không còn tại vị. |
Từ Sơn
Thể thao & Văn hóa