loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Cuối cùng thì điều mà các milanista mong chờ nhất, Paolo Maldini và Ricky Massara gia hạn hợp đồng với Milan, đã xảy ra dù rất muộn. Bây giờ là lúc họ mong chờ tài phép của hai vị giám đốc sẽ đưa Milan tiếp tục tiến lên trong triều đại mới Redbird.
Hôm 28/6 vừa qua, tiền đạo người Bỉ Divock Origi đã chính thức ký hợp đồng thi đấu 4 năm với Milan theo dạng chuyển nhượng tự do từ Liverpool, nơi mà anh thậm chí được HLV Jurgen Klopp coi là một huyền thoại. Ở trận cuối cùng Liverpool đá trên sân Anfield mùa giải vừa kết thúc, các cầu thủ Liverpool đã xếp hàng hai bên để tôn vinh Origi.
Người yêu mến Milan đã phải nín thờ chờ tới đêm khuya ngày 30/6, tức chỉ vài giờ trước khi hợp đồng của Giám đốc kỹ thuật Maldini và Giám đốc thể thao Massara chính thức hết hạn, để biết rằng cuối cùng các bên đã đạt được thỏa thuận gắn bó thêm 2 năm (tới 2024), kèm điều khoản cho phép gia hạn 1 năm nữa.
Thất vọng Redbird
Theo thông tin từ báo chí, khúc mắc giữa hai vị giám đốc với Milan không phải là tiền. Maldini và cánh tay phải của ông, Massara, đòi hỏi được cấp nhiều quyền hơn nữa trong địa hạt của họ, cụ thể là được tự do lựa chọn và đàm phán với các mục tiêu chuyển nhượng mà không phải thông qua các cấp lãnh đạo như trước. Trong khi Redbird, giới chủ mới của đội, muốn giữ các quy tắc chặt chẽ theo mô hình doanh nghiệp từ thời Elliott. Bản thân CEO Ivan Gazidis, một chuyên gia làm kinh tế thuần túy, cũng đứng về phía các ông chủ Mỹ, dù rất thân cận với Maldini và Massara.
Vào giờ chót, mỗi bên đều chấp nhận lùi một bước để đạt được sự đồng thuận. Theo đó, bộ đôi MM sẽ được toàn quyền quyết định trong lĩnh vực họ phụ trách, nhưng vẫn phải dựa trên các hạn mức tài chính (bao gồm quỹ lương và quỹ chuyển nhượng) do Redbird ấn định. Nhưng với việc quá chậm trễ gia hạn với MM, những vị trí then chốt giúp Milan trở lại đỉnh cao ngoạn mục, Redbird đã khiến giới milanista thất vọng. Trong thông báo chính thức, Milan viết rằng, “sự đồng thuận này khẳng định sự tiếp nối công cuộc tăng cường sức mạnh và phát triển CLB”, vậy thì tại sao họ không làm điều này sớm hơn, để rồi Milan mất nguyên tháng Sáu không thể hoạt động trên thị trường cầu thủ? Hậu quả là họ chậm chân hơn các đối thủ, để tuột khỏi tay những mục tiêu chuyển nhượng quan trọng như Botman và Sanches.
Trong khi Inter đã ra mắt 4 tân binh chất lượng và Juventus sắp giới thiệu Pogba và Di Maria, thì sự bổ sung duy nhất cho đến lúc này của Milan là Divock Origi, chuyển nhượng tự do từ Liverpool theo thỏa thuận được ký từ trước khi Milan đổi chủ.
Tin tưởng vào MM
Ngoài việc o ép các giám đốc của Milan đến phút chót, Redbird còn khiến người hâm mộ Milan chưng hửng khi hầu như không cấp tiền cho chuyển nhượng. Lý do là chính Redbird còn đang phải lo gọi vốn để trả tiền mua Milan cho Elliott. Theo báo giới, Maldini và Massara sẽ buộc phải xoay xở trong ngân quỹ khoảng 50-60 triệu euro tiền đến từ các gói tài trợ, tiền bản quyền truyền hình và vé dự Champions League. Họ sẽ có thêm tiền nếu bán được cầu thủ, nhưng hiện tại, không ai nhòm ngó những người mà Milan muốn thanh lý.
Dù vậy, đây chưa từng là khó khăn đối với cặp đôi MM. Những năm qua, họ đều đã phải “đi chợ” với túi tiền eo hẹp và quỹ lương rất khiêm tốn (so với các đối thủ ngang tầm khác), nhưng đã đạt được những thành công ấn tượng. Hè 2021, Milan chỉ tốn chưa tới 75 triệu euro (số tiền Juve bỏ ra để mua Vlahovic) để đem về 8 cầu thủ gồm Maignan, Tonali, Giroud, Tomori, Florenzi, Ballo-Toure, Bakayoko và Messias, trong đó một nửa là những trụ cột góp đại công vào chức vô địch Serie A. Trước đó, Theo Hernandez, Kjaer, Kalulu, Bennacer cũng đến với mức phí “giật mình”. Rất nhiều cầu thủ họ đưa về Milan đã tăng giá trị vượt bậc thời gian qua, như Leao, Tonali, Theo Hernandez, Maignan, Kalulu, Tomori.
Thị trường mùa Hè còn hai tháng nữa (31/8) mới khép lại, vẫn còn rất nhiều thời gian để Maldini và Massara làm việc. Bộ đôi này, cùng với sự ủng hộ từ thượng tầng, đã cho thấy không ai là không thể thay thế, không ai là không thể không mua. Để tuột Botman vào tay Newcastle, họ sẽ có phương án khác, có thể là Bremer (Torino), Thiaw (Schalke), Acerbi (Lazio) hay cái tên mới nhất lọt vào danh sách là Diallo (PSG). Nếu hụt Sanches, Milan nhắm tới Douglas Luiz (Aston Villa), Schouten (Bologna).
Với việc Kalulu tiến bộ phi thường còn Pobega cũng trưởng thành rõ rệt sau những năm được đem cho mượn, Milan thậm chí không cần phải mua ngôi sao để thay sự ra đi của Romagnoli và Kessie. Họ sẽ tập trung ngân sách vào việc tăng cường chất lượng cho hàng công, với 1 tiền vệ cánh phải đẳng cấp, 1 tiền vệ hộ công, hoặc người có thể đá ở cả 2 vị trí này. Milan đang ở rất gần với Hakim Ziyech, tiền vệ đa năng của Chelsea, người sẽ đến theo dạng mượn có kèm điều khoản mua đứt (hình thức và phí mua đứt chưa được thống nhất). Một mục tiêu quan trọng khác là ngôi sao trẻ Charles De Ketelaere (Brugge), người có thể đá mọi vị trí trên hàng công. Mức giá 35 triệu euro của cầu thủ này đang là cản trở, nhưng bộ đôi MM đã quen với những thử thách như thế.
Calabria là đội trưởng mới
Với việc trung vệ Alessio Romagnoli chính thức rời khỏi Milan sau 7 năm (anh đã đạt thỏa thuận gia nhập Lazio với hợp đồng 5 năm và mức lương 2,8 triệu euro/năm), băng đội trưởng Milan từ nay sẽ thuộc về hậu vệ cánh phải Davide Calabria. Đây là điều tự nhiên, bởi Calabria đã là đội phó từ lâu và nhiều lần đeo băng đội trưởng mỗi khi Romagnoli không thi đấu.
Tiền vệ trẻ Sandro Tonali cũng sẽ được “cơ cấu” trở thành một thủ lĩnh của Milan trong tương lai nhờ những phẩm chất tinh thần nổi bật. Pha “dằn mặt” Denzel Dumfries để bảo vệ Theo Hernandez của Tonali trong trận derby Milan gần nhất gây ấn tượng cực mạnh, tái hiện khí chất dũng mãnh của Gattuso thuở nào.
|
Nguyễn Vinh
loading...