Italy những ngày nắng nóng như Châu Phi
(Thethaovanhoa.vn) - Những người mê tín thường ngồi ở nhà vào thứ Sáu ngày 17, vốn được coi là ngày đen đủi trong năm đối với người Italy. Và khi nhiệt độ của ngày 17/7 lên đến mức cao nhất kể từ năm 1983 cho đến nay, họ càng có lí do để không ra ngoài đường.
Italy đang trải qua những ngày tháng 7 nóng nhất kể từ hơn 3 thập kỉ nay, khi đợt nắng nóng thứ hai tràn vào nước này, chỉ vài ngày sau khi nhiệt độ từ đợt nóng thứ nhất vào đầu tháng này giảm xuống. Thời tiết chứ không phải chính trị, mafia, các bê bối liên quan đến các đảng phái và bóng đá là chủ đề hàng đầu trên báo chí Italy và trong các cuộc nói chuyện của mọi người vào thời điểm này.
Tháng 8, khi Rome và các thành phố lớn trở nên vắng vẻ hơn vì mọi người đổ xô ra biển, vẫn còn chưa tới, nhưng cái nóng kinh khủng của mùa hè đã xua đuổi hầu hết người dân khỏi các con phố trong những ngày này, dồn họ vào nhà hoặc công sở và nhường đường xá cho khách du lịch, những người khốn khổ thực sự dưới cái nóng.
Nước luôn được mọi người mang theo khi nhiệt độ ngoài trời ban ngày ở mức 38 độ C
Bộ y tế Italy đã thiết lập báo động độ 3, mức cao nhất đối với 22 thành phố lớn trên cả nước vào ngày 17 và 18/7, trong khi vào hôm 16/7, chỉ có 14 thành phố được áp đặt mức báo động này. Theo truyền hình nhà nước RAI, nhiệt độ cao nhất đo được hơn 16/7 ngoài trời lên tới 47 độ C ở nhiều nơi tại vùng Tuscany, miền Trung Italy. Đó là nhiệt độ cao nhất ở vùng này kể từ năm 1983 và 2003.
Trong khi đó, nhiệt độ ở Rome là 39 độ C vào giữa trưa. Tại vùng Veneto ở miền Bắc Italy, do nắng và độ ẩm cao, nhiệt độ đã lên tới 42 độ C, nóng nhất kể từ năm 1983 và cao hơn nhiệt độ trung bình vào thời điểm này trong năm tới 10 độ.
Trên tivi, Edoardo Ferrara, một chuyên gia dự báo thời tiết nổi tiếng, ví von cho rằng, người Ý không cần phải đi du lịch ở Bangkok hay Châu Phi nữa, vì thời tiết ở Rome hay Milan vào ban đêm những ngày này không khác gì những nơi đó. Theo lẽ thường, vào mùa nóng, người Italy thường đổ xô ra các bãi biển. Nhưng vấn đề ở chỗ, "ngay cả nước biển cũng đã nóng lên ở nhiều nơi, đạt tới 30 độ hoặc hơn, tương đương với nhiệt độ ở biển Caribe", chuyên gia này nói. "Thời kì này năm ngoái, nhiệt độ ở biển Địa Trung Hải thấp hơn từ 3 đến 4 độ". Ông kết luận, "tháng 7/2015 có lẽ là tháng 7 nóng nhất trong lịch sử".
"Tôi đã trải qua những ngày kinh khủng vào năm 1983 và 2003, nên tôi hiểu cái nóng thực sự là như thế nào", Emilio, một người dân Rome nói với phóng viên. "Những năm ấy, mặt trời là "nhân vật chính" trong ngày. Hoạt động của người dân hoàn toàn bị giảm thiểu. Người già ở trong nhà cả ngày, và rồi một lúc nào đó, bỗng nhiên họ thấy kiệt sức và sáng sau thấy mình trong bệnh viện. Cái nóng kiểu Châu Phi này là một cách giết người dã man nhất". Năm 2003 ấy chứng kiến một sự lạ chưa từng có trong những năm trước đó: các siêu thị "cháy" máy điều hòa và quạt mát. Nhiều vùng của Italy đã mất điện vì xảy ra tình trạng quá tải. Nhưng ngay cả điều hòa cũng không cứu được 18 nghìn người Italy năm ấy đã thiệt mạng do nóng kéo dài trong suốt hai tháng.
Không chịu nổi, một người dùng nước giải tỏa cái nóng
Bất cứ ai đã đứng ở ngoài nắng một lúc lâu trong một ngày tháng 7 ở Rome hay một số thành phố ở miền Bắc sẽ thấy điều ấy. Đầu tiên bạn cảm thấy đầu bỏng rát, da căng lên và môi khô khốc, sau đó bạn cảm thấy nghẹt thở và có thể chóng mặt trong một cơn say nắng ập đến. Nước mát trở thành cứu cánh đặc biệt cho những ai có mặt ở ngoài đường vào lúc nắng nóng nhất. Các đài phun nước và vòi nước ở Rome và các thành phố lớn, may thay rất nhiều, trở thành nơi tập trung của rất nhiều du khách không may có mặt vào lúc này. Họ xếp hàng chờ uống nước hoặc hứng nước, đổ lên đầu và chờ thời gian trôi qua, với hy vọng tối sẽ mát hơn.
Nhưng lần đầu tiên sau nhiều năm, dự báo thời tiết thông báo rằng ngay cả vào ban đêm cũng sẽ không mát và không có gió, trong khi ở khu nghỉ mát nổi tiếng Cortina d'Ampezzo, ở độ cao 1.200 mét so với mực nước biển, nhiệt độ lên tới 27 độ, cao chưa từng có trong nhiều thập kỉ.
Bao giờ thì đợt nóng gây kinh hãi này sẽ kết thúc không chỉ là câu hỏi của hàng triệu người Italy cũng như các du khách đang đội nắng đi thăm các di tích lịch sử của họ, mà còn là điều mà các cửa hàng thời trang của nước này đặt ra, khi các outlet trong mùa giảm giá vắng tanh. Cái nắng đã khiến họ ế khách, còn các trung tâm thương mại có máy lạnh trở thành nơi giải trí và mua sắm của phần đông thiên hạ.
Trong khi đó, trên các trang web, những bản tin về thời tiết đi kèm với các khuyến cáo liên quan đến nắng nóng và cách phòng chống một cách hiệu quả nhất. Cụ thể là những gì? Chẳng hạn người ta khuyên người dân Italy mỗi ngày đến uống ít nhất 2 lít nước (người già thì cần phải uống ngay cả khi không thấy khát), tránh uống đồ có cồn, có gas hoặc nước quá lạnh, nên ăn các đồ ăn nhẹ và nhiều trái cây...
Có một lời khuyên nữa mà người ta hay nhắc đến vào thời điểm này: khi ra khỏi xe hơi, đừng bỏ quên trẻ con hay vật nuôi trong xe, dù chỉ là một vài phút. Lời khuyên quan trọng nhất lại được một biển điện tử trên đường cao tốc gần Genoa đưa ra: hãy tắm ngay khi có thể.
Đài phun nước luôn là sự lựa chọn của nhiều người
Tuy nhiên, có những điều người ta vẫn phải làm trong nắng nóng, và điều ấy có thể khiến họ cảm thấy như đang ở địa ngục. Đấy là câu chuyện xảy ra với hàng vạn hành khách đi vé tháng bằng các chuyến tàu "chợ" cũ kĩ giữa các thành phố của Italy.
Hôm 16/7, Hiệp hội bảo vệ quyền lợi của hành khách đi tàu hỏa Italy (AssoUtenti), với 45 nghìn người đăng kí làm thành viên, đã viết một lá thư ngỏ gửi đến Bộ giao thông Italy và Ngành đường sắt Italy đòi họ phải bồi thường một tháng vé tàu trong tháng 7 vì một lí do mà không hành khách nào chịu nổi: rất nhiều toa tàu chạy trên tuyến Genoa-Milan, trớ trêu thay đang trải qua những ngày nóng nhất trong nhiều thập kỉ, không hề có điều hòa. Đó là những toa cũ rích đã hoạt động nhiều chục năm nay, và dưới cái nóng ban ngày, nhiệt độ trong toa thường xuyên lên tới 45 đến 47 độ C.
Ta có lời khuyên gì đối với những người trên chuyến tàu ấy, nghỉ đi làm, hay mang kem chống nắng và một khăn tắm theo để sàn toa có thể trở thành một bãi biển?
Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)