Israel phát hiện 10 trường hợp đầu tiên nhiễm đột biến AY3 của biến thể Delta
(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h30 ngày 20/8, thế giới có tổng cộng 210.797.658 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.416.228 người không qua khỏi. Số ca hiện đang điều trị là 17.646.382 ca, trong đó có 108.295 ca trong tình trạng nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 720.491 ca mắc và 10.876 ca tử vong. Mỹ là nước có số ca mắc mới trong một ngày cao nhất thế giới, với 154.917 ca, trong khi Indonesia là nước có số ca tử vong cao nhất, với 1.492 ca.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch trên thế giới với 38.231.787 ca nhiễm và 643.112 ca tử vong. Do sự lây lan của biến thể Delta, số ca mắc mới của Mỹ - một trong những nước có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cao, trong những ngày gần đây đã gia tăng trở lại. Trong số các ca mắc mới trong 24 giờ qua, có 3 thượng nghị sĩ của Mỹ. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Mỹ, tổng cộng 71 thượng nghị sĩ Mỹ đã mắc COVID-19.
Đáng lo ngại, Bộ Y tế Israel thông báo đã phát hiện 10 trường hợp đầu tiên nhiễm đột biến AY3 của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2. AY3 là một trong những đột biến mới của biến thể Delta, được cho là nguy hiểm hơn các đột biến khác. Trước tình hình trên, Bộ Y tế Israel đã báo cáo Quốc hội về mức độ nguy hiểm của đột biến mới, đồng thời khuyến nghị phong tỏa toàn quốc lần thứ 4 nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh COVID-19.
Bất chấp việc đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 62% dân số, trong những tuần qua, Israel đã ghi nhận tỷ lệ số ca mắc mới ngày một tăng và có tới hơn 500-600 ca trong tình trạng nguy kịch mỗi ngày. Tính đến hết ngày 18/8, trên toàn quốc ghi nhận tổng số 62.163 ca nhiễm COVID-19, trong đó có đến 6.726 ca tử vong.
Từ đầu tháng này, Bộ Y tế Israel đã cảnh báo nếu số lượng bệnh nhân nặng tăng từ 500-600 ca/ngày thì buộc phải tính đến biện pháp phong tỏa toàn quốc do các bệnh viện bị quá tải. Vừa qua, một số bệnh viện ở Tel Aviv đã phải chuyển bớt bệnh nhân COVID-19 đến Jerusalem để điều trị nhằm giảm tải cho hệ thống y tế của thành phố này. Chính phủ Israel cũng đã cấp thêm kinh phí xây dựng bệnh viện dã chiến ở Tel Aviv để điều trị cho các bệnh nhân nặng.
Bộ Y tế Israel đang quyết liệt thúc đẩy chương trình tiêm mũi vaccine thứ 3 cho người cao tuổi. Đến nay đã có 1.201.254 người được tiêm mũi thứ 3, bao gồm 55% người ở độ tuổi 60-69, 72% ở độ tuổi 70-79, 68% ở độ tuổi 80-89 và 62% người trên 90 tuổi. Từ hôm 13/8, Israel bắt đẩu triển khai tiêm mũi bổ sung cho người dân ở độ tuổi từ 50-59, đến nay đã đạt khoảng 26%. Ngay trong ngày 19/8, nước này cũng đã quyết định hạ độ tuổi tối thiểu tiêm mũi thứ 3 xuống còn 40 tuổi.
Trong khi đó, nhiều nước châu Âu cũng đang lo ngại làn sóng dịch mới. Trong bối cảnh số ca nhập viện vì mắc COVID-19 trong những ngày gần đây tăng, giới chức Bỉ đang quan ngại đợt bùng phát dịch mới vào đầu tháng 9 khi kỳ nghỉ Hè kết thúc, học sinh quay trở lại trường học và người dân trở lại công sở. Theo Viện Y tế công cộng Bỉ, trung bình mỗi ngày nước này ghi nhận gần 2.000 trường hợp mắc COVID-19 và 3,3 trường hợp tử vong, đưa tổng số các ca tử vong lên hơn 25.300 ca kể từ đầu mùa dịch. Riêng thủ đô Brussels, trong thời gian từ 10-16/8, mỗi ngày ghi nhận trung bình 14,9 trường hợp nhập viện, tăng 20% so với 7 ngày trước đó. Trước tình hình trên, Ủy ban Tham vấn về COVID-19 của Bỉ sẽ nhóm họp để quyết định các biện pháp quản lý cuộc khủng hoảng sức khỏe cho giai đoạn 4 trong kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế do dịch bệnh COVID-19.
Chuyên gia Jean-Christophe Renauld, Đại học Công giáo Louvain (UCLouvain), lý giải có ít nhất hai yếu tố giải thích sự gia tăng các trường hợp nhiễm bệnh trong mùa Hè đó là việc dỡ bỏ các hạn chế và giảm sự tuân thủ các biện pháp giãn cách và việc người dân trở lại sau kỳ nghỉ. Cũng như năm ngoái, các ca mắc COVID-19 đã gia tăng khi kết thúc kỳ nghỉ hè, song năm nay tỷ lệ này đã giảm hơn nhờ vaccine.
Cùng ngày, Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức cho biết trong những tuần qua, số trường hợp xét nghiệm COVID-19 cho kết quả dương tính ở nước này đang gia tăng. Viện trên khẳng định đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy làn sóng bùng phát mới của đại dịch COVID-19 đã bắt đầu ở Đức.
- Cập nhật tình hình dịch Covid hôm nay: Ngày 9/8 ghi nhận 9.340 ca nhiễm mới
- Cập nhật tình hình dịch Covid-19 hôm nay 28/7
- Cập nhật tình hình dịch Covid-19 hôm nay 19/7
Theo RKI, Đức đã bắt đầu phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 4 khi tỷ lệ số ca có kết quả xét nghiệm PCR dương tính trong tuần thứ hai của tháng 8 này đã tăng từ 4% lên 6%, trong đó những người trẻ tuổi hơn (từ 10-49 tuổi) là đối tượng nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất. RKI đánh giá nguy cơ rủi ro cao về sức khỏe đối với những người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ các mũi vaccine phòng bệnh. Kể từ đầu tháng 7, tỷ lệ nhiễm bệnh ở những người thuộc nhóm tuổi từ 10-49 bắt đầu gia tăng, trong bối cảnh biến thể Delta dễ lây lan chiếm hầu hết số ca nhiễm mới. Ủy ban Tiêm chủng thường trực (STIKO) của Đức trước đó cũng khuyến nghị tiêm chủng cho nhóm thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi. Tuy nhiên, Chính phủ liên bang Đức nhấn mạnh khuyến nghị này không mang tính ràng buộc mà trên cơ sở tự nguyện và cũng không được coi là điều kiện để các em được tới trường.
Liên quan việc tiêm mũi vaccine tăng cường, theo nhà virus học Christian Drosten thuộc bệnh viện Charite ở Berlin, hầu hết mọi người không cần tiêm nhắc lại vào mùa Thu này, ngoại trừ những người cao tuổi và một số đối tượng có nguy cơ cao. Theo Giáo sư Drosten, tác dụng bảo vệ của vaccine phòng COVID-19 tốt hơn nhiều so với vaccine cúm và cũng khó có thể sớm xuất hiện một loại biến thể virus mới có khả năng kháng các loại vaccine hiện có. Tuy nhiên, đối với những người lớn tuổi và một số bệnh nhân có nguy cơ cao, ông cho rằng nên tiêm nhắc lại vào mùa Thu, bởi sau 6 tháng được chủng ngừa, mức độ kháng thể có được thông qua việc tiêm chủng giảm đáng kể, nhất là ở người cao tuổi.
Ngọc Hà/TTXVN