IS kiếm tiền từ đâu để đấu với phương Tây?
Ở bên kia biên giới phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ, nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) cực đoan đang tổ chức một cuộc chiến tổng lực, nhằm liên tục chiếm và kiểm soát các vùng lãnh thổ mới ở Syria và Iraq. Hoạt động này nhằm tạo ra một vương quốc Hồi giáo rộng lớn, dựa theo mô hình vương quốc Hồi giáo đầu tiên đã thống trị Trung Đông trong nhiều thế kỷ, theo sau cái chết của Nhà Tiên tri Muhammad vào năm 640.
Nhóm cực đoan có nguồn tài chính tốt nhất
Khi IS mở rộng hoạt động, các khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ như làng Besaslan, là nơi chúng kiếm được tiền phục vụ chiến tranh, thông qua hoạt động buôn lậu dầu lửa. Dầu lậu được lấy từ các giếng dầu và nhà máy tinh lọc dầu mà IS chiếm được tại miền Bắc Iraq và Syria. Cho tới gần đây, IS vẫn dễ dàng buôn lậu dầu tới phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Một trong những lý do để IS bán được dầu lửa là vì giá rẻ. Đây là mặt hàng luôn bán chạy ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi giá dầu lửa quá đắt nên người mua hầu như chẳng quan tâm tới việc dầu đã được chở tới từ đâu. Họ chỉ cần biết rằng chúng có giá rất dễ chịu. Tại Hatay ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi cách Besaslan có nửa giờ chạy xe, dầu lậu được rao bán ở mức 7,50 USD cho mỗi gallon (một gallon bằng 3,7 lít).
Sự báo động của cộng đồng quốc tế, trước việc IS liên tục mở rộng vùng lãnh thổ và trước các hành động tàn bạo của chúng, gồm việc cắt đầu các phóng viên phương Tây, đã khiến chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ phải tăng áp lực kiểm soát các tuyến đường buôn lậu dầu lửa. Hồi đầu tháng 10 này, liên quân do Mỹ lãnh đạo đã không kích và phá hủy nhiều cơ sở khai thác, lọc dầu của IS, hiển nhiên là để cắt đứt nguồn tiền của nhóm. Vấn đề nằm ở chỗ buôn lậu dầu không phải phương thức kiếm tiền duy nhất của IS.
Bộ Tài chính Mỹ không có con số chính xác về khả năng kiếm tiền của IS. Tuy nhiên họ tin rằng nhóm phải thu về hàng triệu đô la mỗi tháng. Nguồn tin riêng của hãng CNN đánh giá IS phải kiếm tiền rất tốt bởi tốc độ "đốt" tiền của nhóm là vô cùng lớn. Tiền được dùng để trả lương cho các chiến binh, mua vũ khí và thực hiện các chi tiêu khác. Nguồn tin nói rằng nhờ buôn dầu lậu, IS kiếm được từ 1-2 triệu USD mỗi ngày.
Matthew Levitt, giám đốc Chương trình chống khủng bố và tình báo tại Viện nghiên cứu chính sách Cận Đông ở Washington, đánh giá IS là nhóm cực đoan "có nguồn tài chính tốt nhất mà chúng ta từng chứng kiến".
Kiếm tiền từ tống tiền người dân
Levitt là một chuyên gia về khủng bố và tài chính của khủng bố. Ông từng hợp tác với Bộ Tài chính và Cục điều tra liên bang Mỹ.
Theo ông, IS đang thu tiền về theo nhiều cách thức khác hẳn các lực lượng khủng bố trước đây. Ngoài dầu lậu, nhóm còn nhận tiền quyên góp từ những kẻ ủng hộ giàu có tới từ các nước như Qatar và Kuwait.
Bên cạnh đó, nhóm còn kiếm tiền thông qua hoạt động phạm tội có tổ chức. Theo Levitt, IS có trong hàng ngũ của nó nhiều tên trộm cướp, tới từ một đất nước Iraq vỡ vụn vì chiến tranh và xung đột sắc tộc. Về cốt lõi, IS cũng giống như một tập đoàn tội phạm. "Chúng ta không nên kinh ngạc" - Levitt nói - "Hãy nhớ rằng IS luôn kiếm được tiền thông qua các hoạt động phạm tội trong biên giới Iraq".
Theo ông, hoạt động phạm tội của IS không bị một lực lượng bảo vệ pháp luật nào kiềm chế. Điều này có nghĩa IS hoàn toàn có thể đòi người dân ở các vùng đất chúng chiếm được phải đóng tiền "bảo kê" và các loại thuế, phí khác. Muốn làm ăn trong vùng đất mà IS kiểm soát? Hãy trả một khoản thuế. Muốn chạy xe trên một cung đường mà IS đã giành được? Phải trả tiền mãi lộ.
CNN cho biết cư dân sống trong các ngôi làng bị IS phải đóng đủ loại thuế và phí. Họ còn phải bỏ tiền ra để được cung cấp các dịch vụ sinh hoạt cơ bản như điện, nước. "Thậm chí có tin người dân ở Mosul (Iraq) muốn rút tiền ra khỏi tài khoản ngân hàng sẽ phải thực hiện một khoản quyên góp "tự nguyện", dù ai cũng biết là chẳng tự nguyện lắm, cho IS" - Levitt nói - "Có thể nói, kiểm soát lãnh thổ đã mang tới cho IS nhiều cơ hội mà các nhóm khác như Al Qaeda không có được".
Không thể thắng IS chỉ nhờ không kích
Theo chuyên gia Mouaz Moustafa, giám đốc điều hành Đơn vị hỗ trợ khẩn cấp Syria, IS hình thành trong khoảng trống để lại từ sự rút lui của lính chiến Mỹ và sự bạc nhược của quân đội Iraq.Trong tình trạng vô luật pháp ngự trị, IS thoải mái cướp ngân hàng, đánh thuế và bóp nặn người dân. Ông cho biết riêng tại Mosul, IS đã cướp phá ngân hàng trung ương và nhiều ngân hàng cấp tỉnh, dẫn tới việc chúng thu lấy hàng triệu, thậm chí là hàng trăm triệu đô la.
Moustafa đã tích cực vận động các nghị sĩ Mỹ để họ ủng hộ mạnh hơn các tay súng chống đối Syria, những người vừa chiến đấu với IS, vừa chống chính quyền Syria. Theo ông, chỉ tiến hành không kích sẽ không đủ để triệt hạ một lực lượng có khả năng tự túc về tài chính như IS. Người ta cần phải chiếm lại các vùng đất IS đã kiểm soát và vãn hồi trật tự, trước khi có thể đánh bại lực lượng này.
Tường Linh (Theo CNN)
Thể thao & Văn hóa