Iraq vs Việt Nam: Còn cơ hội, còn chiến đấu (1h00 ngày 12/6)
Gặp lại Iraq ở trận lượt về khiến chúng ta nghĩ đến trải nghiệm không mấy vui vẻ ở trận lượt đi trên sân Mỹ Đình với bàn thua ngay những giây cuối trận. Đó cũng là khởi đầu cho chuỗi 8 trận liên tiếp bị thủng lưới trong các trận đấu chính thức, một "căn bệnh" thực sự suốt hơn một năm qua.
Gọi đó là "bệnh" chắc cũng không sai. Vốn dĩ nền tảng thành công dưới thời HLV Park Hang Seo là ở khả năng chơi chắc chắn, hạn chế tối đa bàn thua. Kể cả khi bị thủng lưới, thì thường đó là các tình huống bất khả kháng, hoặc những sai sót không thể tránh khỏi trước sức ép quá lớn từ đối thủ hàng đầu châu Á như các trận thua Saudi Arabia hay Nhật Bản, UAE.
Trong khi đó, những bàn thua theo kiểu "không biết phòng ngự" chỉ xuất hiện đâu đó một lần ở trận thua Trung Quốc 2-3 hồi lượt đi vòng loại thứ 3 World Cup 2022, khi trung vệ trẻ Thanh Bình lần đầu ra sân ở một trận cầu chính thức của đội tuyển. Ông Park cũng sửa sai rất nhanh ở những trận kế tiếp.
Nhưng 12 trận gần nhất, đội tuyển chỉ duy nhất một lần không để thủng lưới khi thắng Philippines 2-0 và vấn đề này còn "lây lan" sang cả đội U23 khi ở SEA Games 32, đội bóng trẻ này cũng chỉ giữ sạch lưới duy nhất 1 trận. Thế nên, từ chỗ chỉ có một mối bận tâm là làm sao để ghi bàn vào lưới các đối thủ mạnh, thì bây giờ các đội tuyển Việt Nam còn phải nghĩ cách hạn chế việc thua bàn trước… mọi đối thủ.
Để đến mức "không biết phòng ngự" thì thật ra … có lỗi với V-League. Giải vô địch quốc gia Việt Nam chưa từng được xem là giải đấu có nhiều bàn thắng, nhưng nổi tiếng nhờ khả năng sản sinh các trung vệ và thủ môn. Tỷ lệ tiền vệ phòng ngự của bóng đá Việt Nam cũng tương đối dư thừa. Đơn cử như mùa giải hiện tại, sau 22 vòng đấu chỉ có 5 đội để thủng lưới trên 30 bàn, nghĩa là đa số các đội đều ở ngưỡng thủng lưới dưới 1,3 bàn/trận.
Đội bóng đang đứng thứ 5 là Thể Công Viettel chỉ ghi có 23 bàn nhưng sở hữu hàng thủ tốt thứ nhì giải đấu (25 bàn), vì thế mà họ có đến 3 cầu thủ đá ở phòng ngự được gọi lên đội tuyển. Tương tự là B.Bình Dương, đội xếp thứ 4, chỉ ghi 28 bàn và thủng lưới 26 bàn. Đội có hàng thủ tốt nhất giải là Bình Định, nơi thủ môn Đặng Văn Lâm đang chơi, hiện đứng nhì bảng.
Chiến thắng 3-2 trước Philippines chỉ đem đến một chút niềm vui nhưng phía sau đó là một khoảng mệt. Hy vọng lọt vào vòng loại 3 đã được thắp lên. Ai cũng thấy là khả năng Indonesia để thua hoặc bị Phlippines cầm hòa rất dễ xảy ra, nhưng vấn đề là liệu Việt Nam có thể tìm đủ 3 điểm trước Iraq hay không.
Thời gian quá ngắn chỉ cho phép HLV Kim Sang Sik cải thiện yếu tố tinh thần, đó là chi tiết quan trọng giúp chúng ta đánh bại Philippines. Nhưng rõ ràng ai cũng thấy, mọi vấn đề khác của đội tuyển hầu như còn nguyên.
Hệ thống phòng ngự của đội tuyển mong manh đến mức có thể bị xuyên thủng chỉ bằng một pha bóng phản công phất dài của Philippines. Chắc chắn là ông Kim cũng không thể nào làm cho mọi thứ tốt hơn chỉ với mấy ngày trước khi ra sân đá với Iraq.
Hãy thử tưởng tượng đến việc Philippines "giúp" chúng ta khi đối đầu với Indonesia, rồi chúng ta cũng đã chơi tốt trước Iraq, nhưng rốt cục lại không thắng được họ chỉ vì… không thể bảo vệ mành lưới. Nghe thật phũ phàng, nhưng nếu điều đó xảy ra, thì âu cũng là hậu quả của một giai đoạn chúng ta tự gạch bỏ điểm mạnh của mình để phiêu lưu với các ý tưởng xa rời thực tế.
Tất nhiên, kịch bản này rất đáng tiếc nhưng không nên xem là bi kịch. Nói cho cùng, việc không vào được vòng loại thứ 3 cũng đã được chuẩn bị tâm lý từ trước và HLV Kim Sang Sik cũng không phải là thầy phù thủy.
Nên điều thú vị nhất ở trận đấu với Iraq là hãy xem thử ông Kim ứng phó thế nào trong một hoàn cảnh mà ông vừa có cơ hội tốt để đánh bại Iraq, nhưng cũng phải bảo đảm chơi phòng ngự đủ tốt, để có tối thiểu 1 điểm nhằm hy vọng Philippines sẽ đánh bại Indonesia.
Tức là chỉ mới cầm quân đến trận thứ 2, ông Kim Sang Sik đã phải dốc toàn bộ sở học của mình để đưa một đội bóng lạc lối trở lại với quỹ đạo thành công. Khắc nghiệt nhưng cũng rất phấn khích. Như người ta hay nói: Thời thế tạo anh hùng, từ zero đến hero, có khi chỉ cần một nỗ lực đúng thời điểm.