Indonesia vs Thái Lan (16h30, 29/12): Thắng để tránh Việt Nam?
Indonesia vs Thái Lan sẽ bước vào Gelora Bung Karno với quyết tâm chiến thắng nhằm tránh Việt Nam ở vòng bán kết. Tâm thế ấy rất khác với gần 1/4 thế kỷ trước khi họ rời sân Thống Nhất với một vết nhơ khó gột rửa.
Cho đến tận hôm nay, màn hài kịch giữa Indonesia và Thái Lan ở vòng bảng Tiger Cup 1998 vẫn được xem như trận cầu xấu xí và đáng thất vọng nhất trong lịch sử giải đấu. Thậm chí, nó còn là một trong những vết nhơ lớn nhất trong lịch sử bóng đá thế giới.
Indonesia vs Thái Lan và màn hài kịch ở sân Thống Nhất
Đó là trận đấu cuối cùng ở bảng B Tiger Cup. Indonesia (6 điểm) và Thái Lan (4 điểm) đã ra sân với tinh thần quyết tâm… bại trận để tránh xếp ngôi đầu, không phải gặp Việt Nam ở vòng bán kết. Và vở kịch lộ liễu ấy đã bị la ó từ đầu đến cuối khi không đội nào muốn đưa bóng vào lưới đối phương cả.
Để ra vẻ kịch tính, Indonesia hai lần vươn lên dẫn trước, còn Thái Lan hai lần gỡ hòa. Song những diễn biến trên sân thì dĩ nhiên không thể đánh lừa được khán giả. Việc thủ thành Indonesia nhiều lần phi thẳng sang phần sân Thái Lan, mở toang khung thành là một minh chứng. Nhưng các cầu thủ Thái – khi ấy đang là ĐKVĐ – cũng chẳng thèm ghi bàn. Cực chẳng đã, khi trận đấu bước sang phút 90 và trọng tài bắt đầu nhìn đồng hồ, Mursyid Effendi đã xoay người sút thẳng vào cầu môn nhà một cách trắng trợn. Sau pha "lập công" ấy, trung vệ 26 tuổi của Indonesia còn vỗ tay ăn mừng.
Cả hai đội tuyển góp mặt trong trận cầu phi thể thao ấy đều phải trả giá. Thái Lan phải bay ra Hà Nội gặp Việt Nam và thua trắng 0-3, với "Bàn thắng đẹp nhất châu Á tháng 8/1998, của Trương Việt Hoàng. Indonesia cũng chẳng khá hơn khi thua Singapore 1-2 ở trận bán kết thứ hai. Sau giải đấu, tác giả của bàn phản lưới Mursyid Effendi đã bị FIFA treo giày vĩnh viễn ở các giải đấu quốc tế.
Tất nhiên, việc Indonesia và Thái Lan toan tính là có nguyên nhân. Và nó xuất phát từ điều lệ tréo ngoe của ban tổ chức: Nếu đội chủ nhà (Việt Nam) vào bán kết thì họ sẽ không phải di chuyển. Ngược lại, đối thủ của họ sẽ phải bay từ TP.HCM ra Hà Nội để đá trận bán kết 2 ngày sau đó. Trong lịch sử AFF Cup chưa bao giờ có điều lệ kỳ quái như thế cả. Thái Lan và Indonesia, vì thế đều muốn ở lại TP.HCM, chỉ có điều không ai ngờ họ lại chọn giải pháp sút tung lưới nhà như vậy cả.
Có hay không, nỗi ám ảnh Mỹ Đình?
Các cầu thủ Thái Lan và Indonesia đều hiểu rằng Việt Nam chính là đội tuyển mạnh nhất ở bảng B, sau những gì thầy trò ông Park Hang Seo đã thể hiện. Chiến thắng 3-0 trước Malaysia ở Mỹ Đình tối thứ Ba là một minh chứng. Các học trò của ông Park vượt trội về tỷ số, thế trận, và cả bản lĩnh chiến đấu. Ở bảng A, Việt Nam cũng là đội bóng có lực lượng đầy đủ nhất, gắn bó với nhau nhiều năm nhất. Trong khi đó, cả Malaysia và Singapore đều thiếu hụt khá nhiều về lực lượng.
Muốn vô địch thì phải vượt qua tất cả. Nhưng muốn đi đường dài thì cũng phải có những tính toán khôn ngoan. Việc Thái Lan và Indonesia có toan tính tránh Việt Nam – đội bóng nhiều khả năng đứng đầu bảng B – là hoàn toàn có cơ sở. Nhưng khác với 24 năm trước, sẽ không có chuyện họ chủ bại, mà phải là chủ thắng ở Gelora Bung Karno. Và quyết thắng thì luôn hợp tình hợp lý, chứ không phi thể thao như… quyết bại năm xưa.
Mà thực ra, thế hệ này của cả bóng đá Thái Lan và Indonesia có lẽ cũng chẳng bận tâm bởi vết nhơ năm xưa của thế hệ cha chú. Cả hai đều "khởi động" ấn tượng cho trận đại chiến này. Thái Lan quyết tâm chứng tỏ bản lĩnh ĐKVĐ bằng một chiến thắng mà không cần Chanathip Songkrasin, Supachok Sarachat, Suphanat Mueanta,… Với Indonesia, đó là những món nợ mà họ phải nhận suốt 6 năm không thắng người Thái. Và cay đắng hơn nữa là những cú ngã trước cửa thiên đường. Trong 6 trận chung kết toàn thua của Indonesia, có đến 4 trận là trước Thái Lan (2000, 2002, 2016, 2020). Trận đấu này chưa bao giờ hết nóng cả. Từ quá khứ, cho tới hiện tại.
Mursyid Effendi giờ ra sao?
Sau sự cố ở Thống Nhất, Mursyid tiếp tục đá cho CLB Persebaya đến năm 2007 (298 trận/38 bàn). Ông khoác áo Persiku Kudus một thời gian trước khi treo giày. Sau đó, Effendi làm trợ lí HLV ở một số CLB, và từng là thầy của Evan Dimas ở Mitra Surabaya. Dimas thậm chí còn coi Effendi như người cha thứ hai. Effendi khá thành công trong lĩnh vực kinh doanh. Với số tiền kiếm được khi còn thi đấu, ông đã phát triển tổ hợp thể thao với sân futsal, cầu lông, bể bơi, và gym và ngày càng phát triển đế chế của mình.