Indonesia báo động các sân bay nhằm ngăn chặn Covid-19
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, giới chức Indonesia đã đặt các sân bay ở nước này trong tình trạng cảnh báo cao độ nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc căn bệnh này đang tăng cao tại Singapore.
Ngày 9/12, Văn phòng Y tế cảng (KKP) thuộc Sân bay Quốc tế Soekarno-Hatta ở ngoại ô thủ đô Jakarta cho biết đã tăng cường nhiều biện pháp giám sát các du khách trong và ngoài nước như một biện pháp phòng ngừa trước kỳ nghỉ lễ cuối năm.
Theo bà Naning Nugrahini, người đứng đầu KKP của sân bay nói trên, hiện chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm virus SARC-CoV 2 tại đây. Tuy nhiên, do lượng hành khách đi lại đông, cơ quan này đã tăng cường cảnh giác và chuẩn bị các cơ sở y tế như phòng khám cho các hành khách có triệu chứng mắc bệnh.
Bà Nugrahini nói rõ: “Nếu phát hiện, chúng tôi sẽ chuyển họ đến phòng khám của KKP để các bác sĩ kiểm tra và tiến hành xét nghiệm kháng nguyên”. Cơ quan này cũng đang phối hợp với một nhóm bác sĩ tiến hành truy vết tiếp xúc và kiểm tra sức khỏe cho các hành khách.
Lực lượng đặc nhiệm kiểm soát COVID-19 của Sân bay Quốc tế Soekarno-Hatta cũng sẽ tăng cường thực thi các quy trình y tế đối với các hành khách. Bên cạnh đó, các máy quét thân nhiệt và nhân viên y tế đã được triển khai tại tất cả các nhà ga quốc nội và quốc tế.
Bà Nugrahini cho biết thêm rằng hành khách tại sân bay được khuyến cáo tuân thủ các quy định về y tế như đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách và rửa tay sát khuẩn. Các quy trình y tế ngừa COVID-19 này cũng đã được phổ biến tới tất cả các hãng hàng không.
Theo số liệu thống kê ngày 6/12 của Bộ Y tế Indonesia, số ca mắc mới COVID-19 trong ngày tại quốc gia Đông Nam Á này đã tăng thêm 35-40 ca, trong khi số bệnh nhân nhập viện tăng 60-131 ca và số ca tử vong ở mức tối đa 3 ca mỗi ngày.
Các ca mắc mới COVID-19 phần lớn là do biến thể phụ Omicron XBB 1.5 vốn từng hoành hành ở châu Âu và Mỹ. Ngoài ra, biến thể phụ EG2 và EG5 cũng đã được phát hiện ở một số bệnh nhân. Tuy vậy, số ca mắc mới COVID-19 hiện vẫn thấp hơn so với thời kỳ đại dịch (50.000-400.000 ca/tuần).