Hyundai, KIA ngập trong kiện tụng vì một video TikTok
Hyundai và KIA đã gặp nhiều rắc rối vì vấn nạn trộm xe sau khi một video bẻ khóa xuất hiện trên TikTok.
Từ khoảng tháng 7/2022, Hyundai và KIA đã gặp phải một rắc rối rất lớn, khi một người dùng TikTok đã chia sẻ một video lên mạng xã hội TikTok; video ghi lại cảnh thanh niên này sử dụng một cây tuốc-nơ-vít và một đầu cắm USB để khởi động một chiếc KIA, không cần đến khóa hay bất cứ phương tiện điện tử nào hỗ trợ.
Không lâu sau đó, video đã trở thành một trào lưu độc hại, nhiều thanh niên đã bắt chước và gây ra nhiều vụ trộm cắp, phá hoại, mà mục tiêu chính là những chiếc xe thuộc thương hiệu KIA và Hyundai. Khởi nguồn của vụ phá hoại được cho là xuất phát từ năm 2021, chỉ là tới năm 2022 mới trở nên phổ biến.
Từ lúc sự việc diễn ra đến nay, tập đoàn Hyundai đã nỗ lực để khắc phục sự cố, nhưng sự việc chưa lắng xuống ngay.
Kẻ trộm có thể sử dụng khởi động nhiều mẫu Hyundai/KIA chỉ với tuốc-nơ-vít và đầu cáp USB.
Biện pháp khắc phục mới nhất của Hyundai là đưa ra bản cập nhật phần mềm miễn phí, sẽ kích hoạt thiết bị Engine Immobilizer (tạm dịch: Khóa động cơ) khi chiếc xe bị phá hoại. Phương án cập nhật phần mềm được kỳ vọng sẽ đặt dấu chấm cho vấn nạn này; song, phương án này lại chỉ có thể áp dụng với những xe được trang bị khóa động cơ, những xe không có thiết bị này thì sẽ được nhận bộ khóa vô lăng miễn phí.
Một ngày sau khi Hyundai công bố phương án cập nhật phần mềm miễn phí, thành phố Columbus, bang Ohio, Mỹ đã nộp đơn khiếu kiện Hyundai và KIA. Chính quyền thành phố cáo buộc Hyundai và KIA biết rằng xe sẽ dễ bị phá hoại khi không có thiết bị khóa động cơ, nhưng hãng vẫn tiếp tục sản xuất xe mà không có trang bị này. Được biết, trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2022, số vụ trộm xe mang thương hiệu Hyundai và KIA tại thành phố Columbus, bang Ohio, Mỹ đã tăng 500%.
Một vụ tai nạn dẫn đến 4 thanh niên tử vong được cho là có liên quan đến "trào lưu" phá hoại xe Hyundai/KIA.
Trên thực tế, thành phố Columbus, bang Ohio, Mỹ là thành phố thứ 2 khiếu kiện thương hiệu xe Hàn Quốc. Trước đó, bang Seattle, Mỹ cũng đã đâm đơn kiện tương tự, khi số vụ trộm xe thương hiệu Hyundai/KIA tại đây đã tăng 620% trong giai đoạn từ tháng 7/2021 đến tháng 7/2022.
Hồ sơ của bang Seattle, Mỹ có đoạn rằng quyết định không trang bị thiết bị khóa động cơ đi ngược lại với tiêu chuẩn công nghiệp ngày nay, và nó đã "gây rối xã hội" - việc hoàn toàn có thể tránh nếu khóa động cơ là một trang bị tiêu chuẩn.
Đáp lại, Hyundai tuần trước cho rằng những vụ kiện tụng trên là không phù hợp và không cần thiết.