Huyền thoại Joan Baez 80 tuổi: Vẫn dạt dào tình yêu cuộc sống
(Thethaovanhoa.vn) - Ca sĩ kiêm nhạc sĩ Mỹ Joan Baez vừa tròn tuổi 80. Bà là một biểu tượng của dòng nhạc dân gian, người đấu tranh cho dân quyền. Các ca khúc của bà thường được biết tới với nội dung phản chiến và đòi công bằng xã hội.
Joan Chandos Baez sinh ngày 9/1/1941 tại Đảo Staten, New York trong gia đình có cha là Albert Baez, nhà vật lý gốc Mexico, và người mẹ gốc Scotland. Baez là con thứ hai trong 3 cô con gái. Công việc của cha khiến gia đình bà phải di chuyển thường xuyên. Họ từng sống ở bờ Đông của nước Mỹ, sau đó ở Baghdad, Iraq (nơi Joan đọc Nhật ký của Anne Frank khi 10 tuổi) và cuối cùng là California.
Tìm thấy sức mạnh từ dòng nhạc dân gian
Trong suốt thời thơ ấu và thanh niên của mình, Baez đã phải chịu đựng những cơn trầm cảm và cảm thấy khó khăn trong việc kết nối với các bạn đồng trang lứa. Gia đình là nơi nương tựa của bà.
Xem Triển lãm ảo tranh của Joan Baez nhân dịp 80 tuổi
Tất cả đã thay đổi khi Baez được tặng một cây đàn ukulele. Đột nhiên, từ một đứa trẻ bị coi là “người ngoài cuộc” (Baez đã bị những đứa trẻ da trắng và những đứa trẻ Mexico gạt ra khỏi trường vì làn da của quá đen, cũng như không nói được tiếng Tây Ban Nha), bà đã tìm thấy vị trí của mình bằng cách chơi những ca khúc trong sân trường cho mọi người cùng nghe.
Thái độ bất tuân với một số luật lệ xã hội của Baez cũng bắt đầu vào khoảng thời gian đó, khi bà tẩy chay một cuộc tập trận chiến tranh hạt nhân mà mình cảm thấy “thật nực cười”. Kể từ lúc này, Baez cực kỳ tận tâm với âm nhạc và hoạt động xã hội. Để trở thành ca sĩ hàng đầu trong dàn hợp xướng của trường, Baez đã sáng chế ra các bài tập để luyện giọng ở nhà. Giọng hát của Baez sau này đã được tạp chí Time mô tả là “trong trẻo như không khí mùa Thu, một giọng nữ cao đầy khí lực, mạnh mẽ, dù không qua đào tạo nhưng khiến người nghe sởn da gà”.
Năm 13 tuổi, Baez đã có trải nghiệm làm thay đổi đường hướng sự nghiệp âm nhạc của mình. Vào mùa Xuân năm 1954, dì và chú của Baez đã đưa cháu gái họ đến một buổi hòa nhạc của ca sĩ nhạc dân gian Pete Seeger. “Hãy hát cùng tôi. Hát cho bạn nghe. Hãy tạo ra âm nhạc của riêng bạn” - Seeger nói với khán giả. Baez như được “truyền điện” từ màn diễn và thông điệp này. Ngay lúc đó, Baez muốn sáng tác âm nhạc và dòng âm nhạc bà muốn là dân gian. Đó là lý do Baez bắt đầu tập hát dân ca.
- Nhớ Giáng sinh 1972 - Nơi Joan Baez hát át tiếng bom
- Joan Baez, danh ca hát dưới bom Mỹ, được vào Sảnh Danh tiếng Rock & Roll
- 'Con tôi đâu rồi' - Bản cáo trạng chiến tranh của Joan Baez
- Huyền thoại Joan Baez: Vẫn hát về tự do, hòa bình
- Joan Baez trở lại Việt Nam sau "12 ngày đêm" 1972: Hát dưới hầm trú bom
Năm 1958, gia đình Baez chuyển đến Boston, trung tâm của phong trào phục hưng nhạc dân gian. Ở đây, bà học diễn xuất và có buổi hòa nhạc đầu tiên tại Câu lạc bộ 47 ở Cambridge. Với buổi hòa nhạc ấy, Baze được trả 10 USD và chỉ có 12 người xem, chủ yếu là gia đình và bạn bè.
Trình diễn với đôi chân trần và tà áo dài, ở Beaz toát lên một vẻ đẹp kỳ lạ với giọng hát trong trẻo như chuông ngân, dồn dập và tự nhiên trong tiếng đàn guitar tự đệm. Nhanh chóng sau đó, ngày càng nhiều người muốn nghe Baez hát những ca khúc như John Riley, Silver Dagger hay All My Trials.
Album như món quà cho người dân Việt Nam
Tháng 7/1959, Baez biểu diễn tại Liên hoan Nhạc dân gian Newport. Màn trình diễn ngắn của bà được xem như một “quả bom”. Đó là sự khởi đầu của sự nghiệp kéo dài 6 thập kỷ với hơn 30 album đoạt nhiều giải thưởng của Baez. Năm 2017 bà được ghi tên vào Sảnh Danh tiếng Rock & Roll.
Người hâm mộ thực sự yêu giọng ca trong trẻo và lòng can đảm vì những người yếu thế, chống lại sự phân biệt chủng tộc và vì hòa bình của của Baez. Họ ấn tượng với đôi mắt to đen láy của Baez trên hình ảnh đen trắng bìa album Where Are You Now, My Son? (Con trai tôi bây giờ ở đâu? - 1973).
Dài 22 phút, ca khúc chủ đề Where Are You Now, My Son? là bức tranh độc đáo về cuộc chiến tranh ở Việt Nam với sự lồng ghép âm thanh, cuộc trò chuyện và tiếng hát kèm theo lời than thở của một người mẹ mất con. Các âm thanh được ghi lại tại Hà Nội, nơi Baez từng bị mắc kẹt cùng một đoàn của phong trào vận động hòa bình trong đợt dội bom của Mỹ vào dịp Giáng sinh năm 1972. Trong khi bom rơi, Baez hát Silent Night với những người xung quanh.
“Các cuộc ném bom Giáng sinh” tại Việt Nam là những cuộc oanh tạc nặng nề nhất của Không quân Mỹ kể từ sau Thế chiến II.
Baez sau đó đã viết trong cuốn hồi ký của mình, mang tựa đề And a Voice to Sing With, rằng album “là món quà của tôi dành cho người dân Việt Nam và lời cảm ơn của tôi vì vẫn còn sống”.
Khi album này được phát hành hồi năm 1973, Baez lúc đó 31 tuổi và là một ngôi sao thế giới. Màn trình diễn của Baez tại Liên hoan nhạc dân gian Newport hồi năm 1959 đã tạo “cú hích” cho sự nghiệp sáng như sao băng của bà.
Joan Baez hát ca ngợi tất cả những người anh hùng trong đại dịch Covid-19
Nhiều bản thu âm của huyền thoại dòng dân gian này đã đạt danh hiệu vàng. Năm 1969, Baez đã trình diễn tại Liên hoan Woodstock huyền thoại và đã góp phần đưa Bob Dylan và các bài hát của ông trở nên nổi tiếng thế giới (Forever Young là một trong số đó).
Tour diễn từ giã sân khấu âm nhạc
Tháng 7/2019, Baez xuất hiện trên một sân khấu ít ánh sáng và hát Farewell Angelina. Đó là tour diễn chia tay của bà. Khoảng 3.500 người đã đến hòn đảo nhỏ Grafenwerth ở miền Tây nước Đức để thưởng thức màn trình diễn sống của nữ ca sĩ vĩ đại của dòng nhạc dân gian. Giọng nữ cao sáng như chuông đã trở thành một giọng ca trầm bổng. Người ta cho rằng nhờ Joan Baez và Bob Dylan, nhiều người hâm mộ đã thích học tiếng Anh và trở nên quan tâm đến lịch sử thế giới.
Sau chuyến lưu diễn từ giã sân khấu âm nhạc hồi năm 2019, Baez đã chuyển sang vẽ tranh. Triển lãm nghệ thuật cá nhân mới của bà - Mischief Makers 2 - có chân dung “những người đang làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn” như Nelson Mandela, Patti Smith, Bob Dylan, Kamala Harris và Ruth Bader Ginsberg.
Mischief Makers 2 được chiếu trực tuyến vào sinh nhật lần thứ 80 của Baez kèm theo cuộc phỏng vấn trực tiếp với bà. Triển lãm còn có bức chân dung tự họa có tựa đề Black Is the Color.
“Tôi hy vọng bộ sưu tập chân dung mới này sẽ truyền cảm hứng cho các bạn” - Baez nói trong tuyên bố của mình.
Có thể khẳng định, không thể tách rời âm nhạc của Baez với các hoạt động xã hội. Năm 1963, bà sát cánh cùng Martin Luther King chống lại sự phân biệt chủng tộc. Sau đó Baez đã bị bắt trong các cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ. |
Việt Lâm