Huyền thoại Akira Kurosawa, người Steven Spielberg 'học được nhiều hơn từ bất kỳ đạo diễn nào'
(Thethaovanhoa.vn) - 200 ngựa, 1.000 diễn viên quần chúng, 12.000.000 USD: Với Ran (Loạn), bộ phim lịch sử hoành tráng về lãnh chúa Hidetora Ichimonji thời Chiến Quốc giả tưởng ở Nhật Bản thế kỷ 16, đạo diễn huyền thoại Akira Kurosawa năm 1985 sản xuất cuốn phim đắt nhất ở đất nước Mặt trời mọc. Thậm chí ông còn cho xây một lâu đài như thật rồi châm lửa thiêu trụi.
Máu chảy thành sông
… dưới chân núi Fuji và trước cổng thành Himeji, ở Shizuoka và Shonai, khi trời nắng và lúc đổ mưa. Hàng ngàn binh lính trong giáp sắt, đao kiếm sáng lòa, ngựa hí cờ bay. Cho đến khi mặt đất phủ kín xác người.
Nhưng hôm nay chiến trường im ắng, vì một cụ già - luôn với nụ cười lịch lãm và ra lệnh qua loa megaphone trong tay - không tới nơi quay phim như mỗi sáng sớm, trong chiếc xe Mercedes trắng quen thuộc.
Hôm nay là ngày 1/1/1985 và Yoko Yaguchi, vợ ông trút hơi thở cuối cùng. Akira Kurosawa, đạo diễn cựu trào và tấm gương của nhiều thế hệ đạo diễn Nhật, vĩnh biệt vợ bên giường bệnh. Nhưng ngay sáng hôm sau ông lại ra phim trường. Và tất cả lại hò hét, lại vung kiếm và phất cờ - cho Kurosawa và công trình để đời của ông.
“Tôi học từ ông ấy nhiều hơn từ bất kỳ đạo diễn nào trên thế giới”, người nói câu ấy là một huyền thoại của nghệ thuật thứ bảy: Steven Spielberg. Francis Ford Coppola xếp Kurosawa cùng Fellini, Bergman và Kubrick lên đỉnh cao nhất của nghề làm phim. “Kurosawa là sư phụ của tôi”, Martin Scorsese kính cẩn tiết lộ. John Woo nói đơn giản: “Hoàng đế Kurosawa!”.
Akira Kurosawa, người đi vào sách giáo khoa điện ảnh với những tác phẩm như 7 Samurai hay Rashomon, từ trẻ đã là một cái tên sáng láng, nhưng đến năm 73 tuổi, tháng 12/1983, ông mới quay những thước phim từng ấp ủ cả chục năm trời.
Câu chuyện về một lãnh chúa về già đem giang sơn chia cho ba con trai, rồi chúng gây cuộc chiến tang thương để giành giật phần hơn. Ông không chỉ sửa đi sửa lại câu chữ, cũng không chỉ có cuốn vở phác thảo các góc quay, mà tự tay vẽ những bức tranh khổ lớn để miêu tả ý tưởng của mình và thuyết phục. Thuyết phục ai?
Dù đã ở đỉnh cao nơi quê nhà và phương Tây
… Kurosawa không tìm ra nhà đầu tư cho Ran. Thập niên 1970 là lúc ánh sao Kurosawa bắt đầu mờ, khán giả khó theo kịp các ý tưởng liên tục mới của ông và thấy phim của ông nặng tính thử nghiệm. Họa vô đơn chí, phim Dodes’ka-den của ông ra năm 1970 chìm nghỉm, khiến Kurosawa sa vào trầm cảm. Một ngày xấu trời, hàng xóm phải đưa ông vào viện với nhiều vết cắt ở động mạch tay và cổ. Kurosawa sống sót.
1980, hai tiểu đồ của ông, George Lucas và Francis Ford Coppola, kiếm đủ tiền để ông làm phim Kagemusha, song đó cũng chỉ là một bước quá độ để ông tiến tới dự án “khủng long” Ran. Ngay từ khi quay Kagemusha ông đã ngó nghiêng tìm các địa điểm thích hợp cho tác phẩm tương lai, một sự đan chéo kỳ lạ giữa phim dã sử Nhật và Vua Lear của Shakespeare, một kết hợp hy hữu trong tư duy làm phim châu Á, một ánh nhìn vào địa ngục trần gian do con người tự gây cho mình.
Chưa có phim nào ở Nhật Bản tiêu tốn đến 12 triệu USD, và có vẻ như Kurosawa cũng ý thức phải tìm cách hạn chế chi tiêu. Trong hơn 10 năm, tự tay ông vẽ mẫu cho 1.400 bộ phục trang, và ngay trong quá trình quay phim ông còn vẽ thêm tranh hậu trường cho những cảnh mà ông muốn bổ sung.
Và dưới chân núi Fuji mọc lên một lâu đài giá 1,6 triệu USD - cho một cảnh quay duy nhất. Không có kế hoạch dự phòng. Không dựng mô hình hay dùng kỹ xảo điện tử. Vì không thể xây lại lâu đài lần thứ hai, mỗi động tác được thử hàng trăm lần trước khi ba máy quay khởi động - vẫn ba camera mà ông vẫn cho chạy song song từ phim 7 Samurai, và diễn viên không được ông cho biết sẽ chọn góc quay nào nên không bao giờ tập trung vào một điểm.
Trong cuốn phim tài liệu A.K
… đạo diễn Pháp Chris Marker ghi lại công việc dựng Ran và thuật lại một cảnh ấn tượng, miêu tả một kỵ sĩ phi ngựa qua đồng cỏ dại cao đến bụng ngựa. Cả một ngày trời, công nhân phải phun sơn nhũ bạc kín cả đồng cỏ để ban tối thấy ánh phản chiếu đèn pha lấp lánh. Hay cảnh đạo diễn tập hàng tiếng đồng hồ với diễn viên chính Tatsuya Nakadai từng động tác, và khi máy quay, ông làm theo từng động tác phía sau máy quay. Một khi đã hài lòng, ông cho xóa tại chỗ các lần quay trước và chỉ lấy bản cuối cùng.
Xem Ran người ta có thể chiêm nghiệm sự hoàn hảo đến tận cùng giới hạn vật lý của diễn viên. Các cảnh đông người và máu lửa cực kỳ ấn tượng, được ví như Chiến tranh và Hòa bình do Sergei Bondarchuk dựng, và cùng mang một triết lý đau đớn: Con người bị biến thành quân tốt đen trong cuộc chơi của kẻ có quyền lực. Những con tốt đen lao vào nhau, sát hại nhau như những con thú cho dù chẳng biết nhau là ai, cho đến khi chỉ còn đống xác chết ngổn ngang sót lại.
Chính Kurosawa phải chịu đựng cảnh ấy hồi nhỏ. Ở tuổi 13 Kurosawa bị anh trai bắt nhìn đống xác người sau trận động đất Kanto hủy hoại quá nửa Tokyo. Thảm họa này và cuộc tàn sát người Triều Tiên nhập cư ngay sau đó có giá 150.000 sinh mạng. Chỉ tay vào núi xác chết ngoài phố, người anh nói: “Nếu em nhắm mắt, em sẽ sợ mãi. Nếu em nhìn thì sẽ hết sợ”. Hơn 60 năm sau Kurosawa dựng lên những núi xác tương tự trên trường quay.
Sau Ran, Kurosawa quay ba phim nữa
… nhưng không bao giờ đạt nổi phong độ cũ. Ông đã kiệt sức sau khi tái tạo “nỗi đau lúc thấy con người tàn sát nhau mà bất lực, không thể tác động vào cách hành xử đó”.
Được hỏi bao giờ nghỉ tay, ông nói: “Tôi sẽ là người hạnh phúc nhất, nếu chết đúng lúc ra lệnh khởi động camera”. Nhưng số phận không ban cho ông hạnh phúc ấy. Năm 1995 ông bị chấn thương cột sống do ngã và phải ngồi xe lăn. Sự bất lực của nhân vật chính khi về già mà ông muốn thể hiện cho khán giả nay đã đè bẹp vị đạo diễn tâm huyết.
Ba năm sau ông bị đột quỵ. Cái chết dĩ nhiên vẫn mạnh hơn người đàn ông từng dầm chân trong tuyết chảy để quay 7 Samurai cho đến khi các ngón chân chết lạnh, phải cắt đi để tránh hoại tử.
Trong quan tài, chân ông để trần, hở ra các ngón chân đen đủi bị cắt cụt. Yoshio Tsuchiya, một trong những diễn viên đóng 7 Samurai, lấy hoa đắp kín chúng lại.
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần