Hướng dẫn đăng ký nhận gói hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19
(Thethaovanhoa.vn) - Người lao động trong trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp cần thực hiện các bước sau đây để nhận được gói trợ cấp Covid-19.
Điều kiện người lao động nhận được hỗ trợ bao gồm:
Làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non,... phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
- 'Trạm hạnh phúc' giúp người dân khó khăn do dịch Covid-19 tại TP.HCM
- Hà Nội: Siêu thị mini 0 đồng hỗ trợ người khó khăn, sinh viên nghèo ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
- TP HCM triển khai cổng thông tin hỗ trợ người dân khó khăn do dịch Covid-19
Chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Mức hỗ trợ và phương thức hỗ trợ theo Điều 22 của Quyết định 23 như sau:
Mức hỗ trợ: 3.710.000 đồng/người.
Riêng người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; người đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha.
Cách đăng ký nhận tiền hỗ trợ Covid-19 online
Nếu là người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp, bạn cần làm thủ tục online trên Cổng dịch vụ công quốc gia để được nhận 3,7 triệu đồng tiền hỗ trợ Covid-19.
Cách làm thủ tục như sau:
Bước 1: Truy cập đường link: https://ncovi.dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-ncovid-chi-tiet-ho-tro-nguoi-lao-dong-cham-dut-hop-dong-lao-dong-nhung-khong-du-dieu-kien-huong-that-nghiep.html và bấm vào “Nộp trực tuyến”.
Bước 2: Đăng nhập tài khoản
Nếu chưa có tài khoản, bạn cần Đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Bước 3: Điền thông tin người lao động
Hệ thống đã tự động cập nhật thông tin về Họ tên, Ngày tháng năm sinh, Số CMND/CCCD, Số điện thoại. Tuy nhiên, bạn phải điền thêm thông tin về Mã số Bảo hiểm xã hội.
Bước 4: Điền thông tin hồ sơ
- Tải file mẫu Đơn đề nghị hỗ trợ về máy tính, điền thông tin cần thiết và chọn file đính kèm.
- Đính kèm bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính của: Hợp đồng lao động hết hạn/Quyết định thôi việc/Thông báo, thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
- Đính kèm bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính của: Giấy chứng minh đang mang thai; Giấy khai sinh/Giấy chứng sinh của con dưới 6 tuổi.
Bước 5: Điền cơ quan tiếp nhận
- Chọn tỉnh/thành phố là nơi làm việc trước khi chấm dứt hợp đồng lao động
VD: Trước đây làm việc tại Hà Nội, thì chọn UBND Thành phố Hà Nội.
- Chọn Trung tâm Dịch việc làm tương ứng với tỉnh/thành phố.
VD: Nếu đã chọn UBND Thành phố Hà Nội thì là Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.
Cuối cùng: Bấm Nộp hồ sơ.
Sau bao lâu người lao động nhận được tiền hỗ trợ?
Theo Quy trình giải quyết hồ trợ được công bố trên Cổng dịch vụ công quốc gia, trong tối đa 10 ngày làm việc, kể từ nộp đủ hồ sơ hợp lệ, người lao động sẽ nhận được tiền hỗ trợ.
* Hà Nội: Lao động tự do được gói hỗ trợ khó khăn do Covid-19
Theo Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021của UBND TP. Hà Nội về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội, lao động tự do được hỗ trợ là người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật Việc làm (người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc), làm việc trong các ngành nghề bị mất việc làm do phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu tại các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố.
Nhóm lao động tự do khác được hỗ trợ là người lao động bị cách ly, cư trú trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền, trừ trường hợp người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Người lao động tự do được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:
- Cư trú hợp pháp
- Bị mất việc làm do phải dừng hoạt động trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến ngày 31/12/2021.
Đối với các trường hợp người lao động bị mất việc làm thuộc các ngành nghề bị tạm dừng hoạt động sau ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành (21/7/2021) áp dụng theo văn bản chỉ đạo của UBND Thành phố hoặc chính quyền địa phương theo từng thời điểm và diễn biến của dịch.
Mức hỗ trợ và phương thức chi trả
Mức hỗ trợ: 1.500.000 đồng/người/lần.
Phương thức chi trả: chi trả trực tiếp cho người lao động trên cơ sở danh sách được phê duyệt.
Hồ sơ đề nghị: Người lao động lập hồ sơ theo mẫu gửi đến UBND cấp xã, phường nơi cư trú hợp pháp sau ngày 15 hàng tháng.
Hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị hỗ trợ (mẫu số 01);
- Bản photo sổ hộ khẩu hoặc giấy xác nhận tình trạng cư trú do công an xã, phường cấp.
Nếu nơi thường trú và tạm trú khác nhau, người lao động muốn hưởng trợ cấp tại nơi tạm trú phải xin giấy xác nhận không hưởng tại nơi thường trú và ngược lại (mẫu số 02)
Thời gian xét duyệt hồ sơ chậm nhất ngày 31/1/2022.
10 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đặc thù của TP Hà Nội, bao gồm:
1. Hỗ trợ hộ nghèo.
2. Hỗ trợ hộ cận nghèo.
3. Hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng.
4. Hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội đã được tiếp nhận vào trung tâm bảo trợ xã hội nhưng đang sống tại gia đình, chưa vào lại trung tâm do ảnh hưởng của Covid-19.
5. Hỗ trợ người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; thương binh hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
6. Người lao động làm việc tại hộ kinh doanh phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do hộ kinh doanh tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19.
7. Người lao động làm việc tại hộ kinh doanh (có ký hợp đồng lao động với người lao động và có đóng bảo hiểm xã hội) chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
8. Người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp có ký hợp đồng lao động nhưng phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và không thuộc đối tượng được quy định tại chương IV Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
9. Người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp có ký hợp đồng lao động nhưng phải chấm dứt hợp đồng lao động và không thuộc đối tượng được quy định tại chương VI Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu cơ quan nhà nước về phòng chống dịch Covid-19.
10. Hỗ trợ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục (có trụ sở chính tại Hà Nội và do cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập theo quy định) phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu cơ quan nhà nước về phòng chống dịch Covid-19.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |
Hoa Chanh