Hotgirl cầu lông Thuỳ Linh và gánh nặng của sự đơn độc!
Những chia sẻ cùng các thất bại khó tin gần đây của tay vợt cầu lông Nguyễn Thùy Linh đang làm xôn xao làng thể thao. Trạng thái mệt mỏi về thể chất lẫn tinh thần của nữ VĐV này phần nào cho thấy các tài năng của thể thao Việt Nam (TTVN) đang cần một lộ trình khác để họ có thể duy trì phong độ.
1. Đừng vội so sánh các áp lực của Thùy Linh đối diện với các tay vợt chuyên nghiệp khác trên thế giới. Cầu lông Việt Nam chưa ở chế độ nhà nghề. Ngay ở trong nước, chuyện tự vác ba-lô cầm vợt đi đánh giải này, giải kia một mình cũng ít, nên việc thường xuyên ra nước ngoài đơn độc dự giải để tìm điểm số là một việc không đơn giản với một nữ VĐV như Thùy Linh.
Hãy nhân sự đơn độc đó với áp lực trong việc duy trì thành tích của ngôi sao nữ duy nhất của cầu lông Việt Nam, thì sẽ biết gánh nặng ấy lớn đến mức nào. Những tay vợt hàng đầu giữ vị trí khá dễ, nhưng với những VĐV ở cấp thấp hơn, "cuộc chiến điểm số" liên quan đến thứ hạng thế giới, đến sự phân bố hạt giống kèm cơ hội tiến sâu tại các giải quốc tế Pro, đến lời mời của các giải danh giá, đến tiền thưởng…
Đấy là chưa kể Thùy Linh còn phải nỗ lực cho danh tiếng cá nhân của mình ở tư cách là niềm hy vọng lớn của TTVN, điều mà cô gần như không có ai chia sẻ trong bối cảnh cầu lông Việt Nam có quá ít ngôi sao lớn, đặc biệt ở nội dung nữ.
Chuyện cơ thể của Thùy Linh "không chịu nổi nữa" thực ra cũng có một phần nguyên nhân đến từ áp lực tinh thần, hay đúng hơn, là gánh nặng của sự đơn độc mà đa số các ngôi sao thể thao của Việt Nam, nhất là tại các môn chơi cá nhân, đang chịu đựng.
2. Hãy đến với bóng đá, một môn chơi tập thể, và câu chuyện Nguyễn Hoàng Đức xuống đá hạng Nhất.
Nhìn chung, cả đồng cảm lẫn chê trách, mọi người đánh giá đây là sự thay đổi có nguyên nhân lớn đến từ các đãi ngộ tài chính mà Phù Đổng dành cho Quả bóng vàng Việt Nam 2023. Nhưng có một thắc mắc: Không lẽ tại V-League mức thu nhập dành cho một ngôi sao như Hoàng Đức lại thấp hơn hạng Nhất, trong khi từ trước đến nay, người ta vẫn nói là nhiều thương vụ của V-League làm hỏng mặt bằng giá chuyển nhượng? Phải chăng có nguyên nhân gì khác? Từ đội chủ quản Thể Công Viettel hay từ chính cá nhân Hoàng Đức?
Nhưng tựu trung, là lý do gì, thì việc một trong những cầu thủ được kỳ vọng sẽ ra nước ngoài chơi bóng thành công, giờ phải "hạ cấp" xuống đá hạng Nhất rõ ràng là một bước lùi không hay. Nói thẳng ra, dù không thiếu các trường hợp tương tự trên thế giới, nhưng việc này không có lợi ích gì cho nền bóng đá nói chung lẫn cá nhân của Hoàng Đức.
Tài chính là một nguyên nhân, nhưng không đủ thuyết phục. Nó giống như việc một cầu thủ tìm cách vận động hành lang để chuyển ra nước ngoài, thi đấu thì ít mà làm thương mại thì nhiều. Chấp nhận ngồi dự bị, hưởng mức thu nhập cao một thời gian rồi về nước.
Thành ra, nhìn việc chuyển xuống chơi ở hạng Nhất của Hoàng Đức lại thấy đáng lo ở góc độ khác. Nó giống như một sự "giải thoát" của chính cầu thủ này. Xuống hạng Nhất thì đá ít hơn, nghỉ ngơi nhiều hơn, không chịu áp lực phải duy trì thành công liên tục, mà lại có thu nhập ngang hay hơn V-League.
Ngược lại, nếu vì gánh nặng của danh tiếng mà phải cố gắng ra nước ngoài thi đấu, thì chuyên môn chưa chắc đã tốt hơn mà áp lực thậm chí còn nhiều hơn. Hoàng Đức đã chọn con đường ngược hẳn so với các tài năng cùng thời, như trường hợp của Quang Hải, có vẻ là vì anh không đủ tự tin vượt qua những khó khăn mà người đồng đội trên đội tuyển từng phải gánh chịu.
Chuyện này thì Quang Hải không tiết lộ gì nhiều, nhưng trước anh, có Lê Công Vinh đã từng thừa nhận trong tự truyện của mình. Đó là gánh nặng của sự đơn độc gần như không thể chia sẻ với ai để có động lực đi tiếp, đành chọn cách bỏ cuộc.
Khi Quang Hải qua Pháp, anh cũng chỉ có một mình. Cuộc phiêu lưu ấy thất bại, thế là các đánh giá tiêu cực ập đến cho dù việc không thể ra sân chơi bóng thường xuyên ở Pháp là yếu tố khách quan chứ không phải vì Quang Hải thiếu tài năng hay nỗ lực. Nhưng kết quả sau cùng, thì cầu thủ là người "nhận đủ".
Tất nhiên là chuyện của Hoàng Đức khác hẳn so với Quang Hải, nhưng xét cho cùng, bản chất của vấn đề gần giống nhau, đó là các cầu thủ tài năng này đều phải đơn độc đối diện với áp lực do chính sự tỏa sáng của họ tạo ra.
3. Cho đến nay, người duy nhất vượt qua được gánh nặng của sự đơn độc là Nguyễn Công Phượng. Anh 3 lần xuất ngoại, giờ về đá hạng Nhất, vẫn im lặng vượt qua.
Có một điều đặc biệt: Công Phượng là một cầu thủ nổi tiếng nhưng lại có ít danh hiệu cá nhân. Nói cách khác, ngoài vấn đề của bản thân, anh không phải gánh vác nhiều áp lực như của Thùy Linh, Tiến Minh, Hoàng Xuân Vinh, Ánh Viên hay Quang Hải, Hoàng Đức… đó là phải tạo ra sự khác biệt nào đó đúng theo kỳ vọng của người hâm mộ.
Công Phượng chưa từng vào Top 3 Quả bóng vàng Việt Nam, nên không chịu áp lực phải duy trì danh vị. Anh cũng chưa từng là tiền đạo không thể thay thế trên đội tuyển quốc gia.
Ngay điểm xuất phát của anh là HAGL, cũng có thời "có rớt hạng cũng không sao". Thế nên Công Phượng quen được với việc ngồi dự bị ở phần lớn các đội nước ngoài, điều đó cũng dễ cho Công Phượng tiếp cận với giải hạng Nhất hơn những người đã quen chơi với cường độ cao tại V-League như Hoàng Đức, Quang Hải.
Tất nhiên không phải ai cũng như Công Phượng, người mà có lẽ chủ đích cho các chuyến xuất ngoại đơn thuần không chỉ là phát triển tài năng chuyên môn. Trong khi đó, với các tài năng xuất sắc khác, có lẽ phải cần một lộ trình phù hợp cho họ, đặc biệt là ở khía cạnh tâm lý, tinh thần.
Một nữ VĐV như Thùy Linh, đi thi đấu xa nhà nhiều thì đương nhiên sẽ kiệt sức về thể chất. Điều quan trọng là đừng để phần tâm lý, tinh thần cũng ở trong trạng thái áp lực lớn thì mới kéo dài được sự nghiệp, hay trước mắt mà những chuyến xa nhà.
Điều này từng được nhiều chuyên gia nước ngoài đề cập khi làm việc ở Việt Nam. Hai nhà cầm quân có danh hiệu cao nhất của bóng đá Việt Nam là HLV Henrique Calisto và Park Hang Seo cũng nhờ cách nắm bắt, cải thiện tâm lý cầu thủ mà tạo ra được các chiến tích quốc tế.
Các trường hợp thất bại, thì cũng đến từ việc nghĩ rằng tự cầu thủ Việt Nam phải chuẩn bị tâm lý tốt chứ không phải việc của HLV.
Nói đúng hơn: Đừng để họ đơn độc. Thể thao ở Việt Nam nói chung vẫn nằm trong trạng thái bán chuyên, số lượng người thực sự ở trong môi trường chuyên nghiệp – nhà nghề không nhiều.
Trong khi đó, ai cũng muốn được thấy họ tỏa sáng, phát triển thành tích quốc tế. Vấn đề là họ không thể chia sẻ gánh nặng ấy cho nhiều người. Điều đó chỉ xuất hiện khi TTVN thực sự chuyên nghiệp. Khi có môi trường đó, chắc chắn là sẽ không có chuyện Hoàng Đức "lùi" về hạng Nhất như một kiểu đi "ở ẩn" với lý do kiếm được nhiều tiền hơn.
Thuỳ Linh thú nhận sự mệt mỏi
Ngày 3/11, Thuỳ Linh chia sẻ trên trang cá nhân của mình rằng: "Năm nay là 1 năm bận rộn, mình bắt đầu đi thi đấu để tiếp tục tích điểm đến vòng loại Olympic Paris 2024 từ tháng 2, và đến bây giờ là tháng 11, thể trạng của mình bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu quá tải và trí óc cũng mệt nhoài.
Mình luôn cảm thấy biết ơn và hạnh phúc vì mình được sự hỗ trợ từ quốc gia, địa phương và các nhà tài trợ và người hâm mộ để mình có thể đi du đấu và tập huấn tại nước ngoài, nhưng có lẽ mọi người biết, hành trình chưa bao giờ là dễ dàng. Và cho dù mình có cố gắng mạnh mẽ đến đâu, thì sẽ có lúc, tâm trí và cơ thể cũng phát ra những tín hiệu cầu cứu.
Mình biết việc rất nhiều người chờ đợi mình ra sân, rất nhiều người yêu mến mình.
Và chính mình cũng vậy, đi đường xa xôi mười mấy tiếng trên máy bay, di chuyển và múi giờ thay đổi liên tục, mình cũng không bao giờ muốn xuất hiện trên sân với hình ảnh mệt mỏi hay không cố gắng trước khi mọi thứ kết thúc. Vì đối với mình "mình chấp nhận việc thua bất kì ai nếu mình kém hơn, chứ mình không bao giờ thua chính mình".