Họp lớp sau nhiều năm: 3 học sinh kém kiếm hơn chục tỷ đồng/năm, 2 học sinh giỏi ngồi im ngượng ngùng: Bí quyết thành công là gì?
Liệu có phải học sinh kém ra đời sẽ dễ thành công hơn?
Một cư dân mạng lớn tuổi ở Trung Quốc từng kể lại câu chuyện họp lớp của mình. Theo đó, lớp THCS của anh này có 36 thành viên. Sau nhiều năm không gặp nhau thì mùa xuân năm nay, họ đã tụ tập họp lớp tại một khách sạn trong thị trấn.
Qua buổi họp lớp, anh này biết được một điều bất ngờ. Đó là nhiều học sinh điểm kém ngày xưa giờ trở thành sếp lớn. Ngược lại, một số học sinh đứng đầu lớp lại cuộc sống bình thường.
Học sinh kém, cá biệt và sự "lột xác" sau nhiều năm
Đặng Bình - người có thành tích học tập tốt nhất lớp ngày ấy sau khi tốt nghiệp THCS thì thi đỗ vào một trường THPT bình thường và hiện đang là hiệu trưởng một trường Tiểu học trong thị trấn.
Trương Lệ, học sinh đứng thứ 2 lớp, sau này là sinh viên chuyên ngành hộ sinh tại trường y tế thành phố và hiện là trưởng khoa sản phụ khoa tại một bệnh viện tư nhân trong quận. Bên cạnh đó, một số bạn học cũ không học đại học, hiện đều làm việc trong nhà máy, lương cao nhất là 12.000 NDT/tháng (khoảng 40 triệu đồng).
Ngược lại, Tô Tứ, người học kém nhất lớp, luôn ngủ gật trong giờ học và điểm kiểm tra trong bao giờ vượt quá 70 điểm lại khác. Sau khi tốt nghiệp, Tô ở nhà chơi 2 năm, sau đó học bằng lái xe tải và lấy bằng lái phụ, sau đó làm tài xế một công ty hậu cần.
Bất ngờ là năm 2009, Tô Tứ đã thành lập một công ty hậu cần, hiện quản lý hơn 200 phương tiện và có các tuyến xe lưu thông khắp cả nước và các thành phố lớn. Mỗi năm, Tô Tư kiếm được khoảng 3 triệu NDT (khoảng 10 tỷ). Trong buổi họp lớp, Tô Tứ liên tục nhận điện thoại công việc, vô cùng bận rộn.
Đáng nói nhất là Vương Vũ - một người từng thi ngoại ngữ được 26 điểm, từng trốn học một thời gian và là điển hình về học sinh cá biệt trong trường.
Sau khi tốt nghiệp, Vương Vũ cùng bố nuôi cá ở nhà một thời gian. Năm 18 tuổi, Vương cùng họ hàng đến Chiết Giang kinh doanh. Đầu óc nhanh nhẹn, linh hoạt, Vương Vũ quyết định ra nước ngoài mở rộng thị trường trong 3 năm. Từ một học sinh thi ngoại ngữ được 26 điểm, khi trở về Trung Quốc, Vương đã có thể nói thông thạo Tiếng Anh.
Sau đó, Vương học thêm và thi được chứng chỉ dịch thuật. Năm 2012, Vương thành lập công ty, tài sản lên đến hàng chục triệu NDT.
Người thứ 3 là Ngô A Kiệt, thời đi học cũng rất nghịch ngợm, thường xuyên bị giáo viên phạt. Sau khi tốt nghiệp, A Kiệt cùng bố nuôi cua. Hiện A Kiệt có hơn 800 mẫu ao, thu nhập hàng năm trên một triệu NDT (khoảng 3,3 tỷ đồng) và cũng được đánh giá là đại gia ở địa phương.
Trong buổi họp lớp, có thể thấy rõ sự ngưỡng mộ của các bạn học khác dành cho Tô Tứ, Vương Vũ và Ngô A Kiệt. Đồng thời 2 học sinh giỏi năm xưa Đặng Bình và Trương Lệ tuy cuộc sống vẫn thành công nhưng điều kiện kinh tế tất nhiên không bằng tỏ ra ngại ngùng, bối rối ra mặt.
Câu chuyện này sau đó khiến nhiều người phải suy nghĩ. Tại sao nhiều học sinh có điểm sổ rất cao thời đi học sau khi ra trường lại có cuộc sống tương đối bình thường. Trong khi đó, nhiều học sinh ngày trước điểm kém, hay nghịch ngợm lại trở nên giàu có?
Sự thật của việc học sinh kém, thành công hơn học sinh giỏi là gì?
Nói về điều này, Tôn Giảng - một thầy giáo ở Trung Quốc cho rằng, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, học trò cá biệt thường hay vi phạm kỷ luật, mắc lỗi. Nhưng em này có một điểm chung, đó là làm việc mà không xem xét hậu quả. Miễn là muốn trốn học, các em cứ trốn trước, mặc kệ về sau bị phạt như nào.
Sau nhiều lần như vậy, trong lòng các em này hình thành một kiểu suy nghĩ cố định: Chỉ cần muốn làm gì thì nên làm trước, không phải lo lắng, sợ hãi, hay nghĩ tới thất bại sau này. Khi những em này tốt nghiệp và bước ra xã hội, tất nhiên sẽ nghĩ cách kiếm tiền. Nhiều em bắt đầu kinh doanh. Các em ít nghĩ đến chuyện "nếu trượt, nếu thất bại thì sao". Vì nhiều người làm kinh doanh nên chắc chắn sẽ có những trường hợp thành công. Điều này khiến nhiều người mặc định rằng, học sinh cá biệt ra trường sẽ thành công hơn học sinh giỏi.
Du Minh Hồng, người sáng lập tập đoàn New Oriental Education & Technology, được mệnh danh là "vua luyện thi", gương mặt đại diện cho lĩnh vực dạy thêm phát triển mạnh của Trung Quốc cũng có những chia sẻ về vấn đề này.
Ông cho rằng, trên thực tế, tỷ lệ học sinh giỏi trở nên thành đạt tương đối lớn hơn. Bởi vì những học sinh có thành tích tốt thường vào các trường đại học top đầu. Mức lương trung bình của các trường đại học tốt cao hơn nhiều so với các trường đại học bình thường. Vì vậy, câu hỏi thực sự nên là "Tại sao một số người bị điểm kém đột nhiên trở nên rất thành công?", thay vì "Tại sao học sinh kém thành công hơn học sinh giỏi".
Ông Du chỉ ra 3 nguyên nhân chính;
Đầu tiên, một số học sinh bị điểm kém không phải vì ngốc ngếch, mà vì các em dành ít thời gian hơn cho việc học. Các em thường sao nhãng việc học do bị thu hút bởi những thứ khác chẳng hạn như yêu đương, chơi game,... Những người như vậy thường trải qua cuộc sống ở trường một cách tự tin hơn. Bởi vì họ biết rằng điểm số của mình không được cải thiện, không phải vì mình ngốc nghếch.
Thứ hai, mặc dù một số em thực sự không thích học, nhưng lại rất hướng ngoại và năng động. Các em thích giao thiệp với mọi loại người trong xã hội, một số thậm chí còn trở thành đại ca trong trường học. Những em như này thường có tích cách không sợ hãi, táo bạo và hào phóng. Kiểu người này miễn là nắm bắt được cơ hội thì có thể thành công.
Thứ ba, nhiều em học kém nhưng lại là con nhà giàu. Mặc dù điểm số không tốt nhưng sau khi tốt nghiệp vẫn có tài nguyên tốt, mạnh hơn hẳn người bình thường. Vậy nên sau khi tốt nghiệp, các em này vẫn có thể thành công nhờ những nguồn lực mà gia đình trao cho.
Cuối cùng, sau tất cả, nói đi vẫn phải nói lại, đó là điểm số là một yếu tố quan trọng, góp phần vào thành công của một người. Nhưng nó không phải tất cả, không thể quyết định hết sự thành công của một người sau này sẽ ra sao. Vì vậy, khi con được điểm kém, cha mẹ đừng vội đánh giá không tốt mà cần đồng hành, tìm ra lối đi đúng cho con.
Nguồn: Baidu