Hôn nhân Meghan Markle và Hoàng tử Harry: 'Bóng ma' chủng tộc đáng sợ ở Anh
(Thethaovanhoa.vn) – Những phản ứng tiêu cực trước mối quan hệ của Hoàng tử Harry và nữ diễn viên người Mỹ Meghan Markle đã phơi bày nạn phân biệt chủng tộc và tầng lớp trưởng giả vẫn tồn tại ở xã hội Anh.
- Bố mẹ cô dâu Meghan Markle có được mời đến dự đám cưới hoàng gia của con?
- Meghan Markle ‘đoạt’ giải ứng xử kém nhất năm 2017 khi đi cùng hoàng tử Harry
- Cha Meghan Markles bị tổn thương nặng nề trước phát ngôn của hoàng tử Harry về gia đình
Meghan Markle sẽ là nhân vật đa chủng tộc đầu tiên bước vào gia đình danh gia vọng tộc nhất nước Anh khi cô kết hôn với Hoàng tử Harry vào thứ Bảy này. Một số phụ nữ da đen ở quê hương cô, Los Angeles, đã bày tỏ sự đồng cảm trước nạn phân biệt chủng tộc mà Meghan đang bị truyền thông Anh ám chỉ.
“Tôi thấy nạn phân biệt chủng tộc ở Anh khá xảo quyệt”, Paula Akpan, người đồng sáng lập tổ chức vì phụ nữ da đen Anh nhận xét. Cô nói thêm rằng phân biệt chủng tộc có xu hướng “không được công khai thừa nhận” như ở Mỹ.
Sau thông tin Markle đính hôn với Hoàng tử Harry hồi tháng 11, tờ The Daily Mail của Anh đã công khai viết “từ nô lệ tới hoàng tộc, sự ngoi lên của gia đình Meghan Markle”.
Nhà báo Rachel Johnson, em gái Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, từng có lần viết trên The Mail rằng Markle có thể giúp mang tới “DNA phong phú và ngoại lai” cho hoàng gia Anh. Cô cũng miêu tả mẹ Markle là “một quý bà người Mỹ gốc Phi tết tóc tới từ khu ổ chuột”.
Ngay sau khi kế hoạch đám cưới của cặp đôi được tiết lộ, tờ The Spectator đặt ra câu hỏi rằng liệu ngôi sao Suits có phù hợp với Hoàng tử Anh không khi cô từng ly dị và theo học trường Công giáo. “Rõ ràng, 70 trước, Meghan Markle là kiểu phụ nữ mà hoàng tử sẽ để làm tình nhân, chứ không phải cưới làm vợ”, một độc giả bình luận.
Vào năm 2016, Hoàng tử Harry cũng có hành động bất thường khi yêu cầu truyền thông ngừng “làn sóng lạm dụng và quấy rối” Markle. Hoàng tử trích dẫn đoạn “bôi nhọ” trên một tờ báo quốc gia, gồm giọng điệu phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa phân biệt giới tính.
Theo Akpan, làn sóng phản đối Markle đến từ nguồn gốc đa chủng tộc của cô. Còn nữ diễn viên hài Gina Yashere khẳng định luôn có sự phân biệt chủng tộc ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng không rõ ràng như ở Mỹ, người Anh thích nói ấn ý.
Markle, có mẹ là người Mỹ gốc Phi còn bố là người da trắng, tự miêu tả bản thân mình là một “phụ nữ đa chủng tộc mạnh mẽ, tự tin”.
Charlie Brinkhurst-Cuff, biên tập một tạp chí viết bởi phụ nữ da màu, nhận xét: “Anh không phải là một quốc gia đa văn hóa như Mỹ. Chúng tôi là thiểu số ở đây và có rất nhiều thành kiến chống lại người da đen”.
Số lượng người da đen ở Anh tương đối nhỏ. Chỉ 3% dân số Anh và xứ Wales được xác định là người Anh da đen, người Mỹ da đen hoặc Caribbean, theo điều tra dân số năm 2011. Chỉ 2% dân số được xác định là đa chủng tộc.
Nhà bình luận người Anh Afua Hirsch tin rằng khi Hoàng tử Harry kết hôn với Markle, nó sẽ “thay đổi mối quan hệ của người Anh với vấn đề chủng tộc” mãi mãi. Tuy nhiên, cô Akpan lại không tin nó mang lại nhiều lợi ích cho người da đen sống ở Anh.
Giả Bình (Theo Euro News)