Hôn lễ buồn chưa từng có của hoàng gia Nhật
(Thethaovanhoa.vn) - Hôn lễ của Mako được xem là "nhiều điều đầu tiên" nhất của hoàng gia Nhật Bản: không tiền hồi môn, nghi lễ truyền thông hay tiệc đám cưới.
Sau nhiều năm chờ đợi, sáng ngày 26/10, công chúa Mako - con gái lớn của thái tử Akishino và công nương Kiko đã chính thức kết hôn với hôn phu thường dân Kei Komuro.
Thông tin được cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản công bố trên các phương tiện truyền thông, báo chí. Đồng thời, đơn vị này cũng đã đệ trình các thủ tục pháp lý, thay mặt vợ chồng công chúa đăng ký kết hôn.
Thông tin từ Zing News, khoảng 10 giờ sáng ngày 26/10 (theo giờ Nhật Bản), công chúa đã rời khỏi dinh thự hoàng gia Akasaka - nơi cô sinh sống hơn 30 năm qua. Trong một số hình ảnh được truyền thông Nhật Bản ghi lại, Mako không mặc áo cưới mà diện trang phục đơn giản, nhã nhặn. Trên tay cô cầm một bó hoa nhỏ, khá giản dị. Do kết hôn với thường dân nên Mako phải lược bỏ gần như tất cả các lễ nghi trong văn hóa tổ chức đám cưới thường có của hoàng gia. Thời điểm tiễn cô về nhà chồng chỉ có bố mẹ, em gái, em trai và khoảng 10 quan chức.
Cũng như bao cô gái khác khi đi lấy chồng, nàng công chúa nước Nhật cũng rất lưu luyến gia đình và căn nhà quen thuộc của mình. Điều đó được thể hiện qua cái ôm thật chặt, đôi mắt đỏ hoe của Mako trong giây phút chia tay. Khi chuẩn bị bước lên xe đến điểm họp báo, nàng công chúa xinh đẹp còn lễ phép cúi đầu, chào dân chúng một lần nữa.
Có lẽ, đây chính là hôn lễ trầm lắng nhất trong lịch sử hoàng gia Nhật Bản từ trước đến nay: không của hồi môn, không nghi lễ truyền thống và thậm chí không có tiệc đám cưới. Buổi lễ tạm biệt kết thúc, Mako một mình rời khỏi cung điện hoàng gia, từ đầu đến cuối không có sự xuất hiện của người chồng tương lai. Khoảnh khắc lặng lẽ đó khiến cho không ít người cảm thấy xúc động, thương cho nàng công chúa sắp từ bỏ chức vị.
Báo VnExpress đăng tải, khoảng 14 giờ chiều ngày 26/10, vợ chồng Mako sẽ tổ chức họp báo tại khách sạn ở Tokyo với hình thức mở đầu phát biểu và trả lời 5 câu hỏi có sẵn bằng giấy in. Nhiều người cho rằng đây là quyết định giúp công chúa giảm tải căng thẳng, do trước đó cô có dấu hiệu mắc chứng rối loạn hậu chấn thương.
Doanh nghiệp và Tiếp thị cũng cho biết, ngay từ sáng cùng ngày, hàng trăm người đã tập trung tại khu vực công viên Hibiya, đối diện khách sạn tổ chức họp báo để phản đối lễ cưới. Họ cho rằng cuộc hôn nhân này làm hỏng sự danh giá của hoàng tộc, lãng phí tiền thuế của người dân,... Thậm chí một người trong số đó còn chia sẻ: "Tôi hy vọng rằng mọi người sẽ quan tâm đến các vấn đề của gia đình hoàng gia và họ sẽ thay đổi, tránh tạo ra các cuộc khủng hoảng trong tương lai".
- Công chúa Nhật Bản cưới thường dân, từ bỏ hoàng tộc
- Cổ tích hiện đại, công chúa Nhật Bản mất tước vị vì lấy thường dân
Vào ngày 27/10, cơ quan nội chính Nhật Bản sẽ chính thức gỡ tên cô ra khỏi gia phả hoàng gia. Hoạt động này được thực hiện dựa trên quy định khi thành viên nữ hoàng gia phải từ bỏ tước vị của mình nếu cô ấy kết hôn với thường dân. Mako cũng từ chối khoản tiền hồi môn khoảng 150 triệu yên (khoảng 29 tỉ đồng).
Sau khi kết hôn, Mako sẽ theo chồng sang Mỹ và chuyển sang họ chồng. Vì thành viên hoàng gia không có hộ chiếu nên công chúa cần nộp đơn xin nhập cư như một công dân bình thường và dự kiến lên đường vào tháng sau.
Việc công chúa Nhật Bản kết hôn với thường dân hiện vẫn là đề tài được nhiều người quan tâm. Một số dân mạng tỏ ra tiếc nuối khi Mako phải từ bỏ tước vị, vài người khác lại ngưỡng mộ, cho rằng cô gái này rất dũng cảm khi làm mọi thứ để yêu và cưới một thường dân.
THÁI TỬ LO LẮNG CHO CUỘC SỐNG SAU KẾT HÔN CỦA CON GÁI Mako là nàng công chúa nổi tiếng của hoàng gia Nhật Bản. Cô từng tốt nghiệp Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế Tokyo, chuyên ngành Nghệ thuật và Di sản văn hóa, sở hữu bằng thạc sĩ về Nghiên cứu bảo tàng ở Đại học Leicester (Anh). Cô và hôn phu - Kei Komuro là bạn đại học và yêu nhau từ sau năm 2012. Chia sẻ về đám cưới của con gái, thái tử Fumihito - người thừa kế ngai vàng Nhật Bản tâm sự: "Tôi chấp thuận đám cưới này. Theo Hiến pháp, hôn nhân phải dựa trên sự đồng ý của cả hai bên. Nếu đó thực sự là nguyện vọng của chúng, điều tôi cần làm, với tư cách cha mẹ, là phải tôn trọng". Tuy nhiên, ông vẫn lo lắng vì có thể con gái sẽ gặp khó khăn về tài chính. |
Phúc Hưng