Hơn 230 triệu người dân Ấn Độ rơi vào cảnh nghèo khó vì Covid-19
(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2020, khoảng 230 triệu người Ấn Độ rơi vào cảnh nghèo khó vì tác động của đại dịch COVID-19, trong đó nhóm người trẻ tuổi và phụ nữ chịu tác động mạnh nhất. Đây là kết quả nghiên cứu mới được công bố ngày 5/5, trong đó cảnh báo tình trạng sẽ diễn biến tồi tệ hơn trong năm 2021 khi Ấn Độ trải qua làn sóng dịch bệnh thứ 2 vô cùng nghiêm trọng.
Theo nghiên cứu của Đại học Azim Premji, trụ sở tại Bangalore, lệnh phong tỏa được áp dụng từ tháng 3/2020 và kéo dài nhiều tháng tại Ấn Độ đã khiến hàng triệu người mất việc làm. Tính đến cuối năm 2020, khoảng 15% trong số này không thể tìm được việc làm thay thế. Phụ nữ là nhóm chịu tác động mạnh nhất, với khoảng 47% lao động nữ không thể tìm được việc làm kể cả khi biện pháp hạn chế được dỡ bỏ.
Trong nghiên cứu này, những người Ấn Độ có thu nhập dưới 375 rupee (5 USD)/ngày được coi là người nghèo. Nghiên cứu chỉ ra dù đại dịch COVID-19 đã khiến thu nhập của hầu hết người dân Ấn Độ giảm nhưng các hộ gia đình nghèo hơn là những hộ chịu nhiều thiệt hại hơn.
Ngay cả khi đại dịch chưa xuất hiện, nền kinh tế thứ 3 châu Á đã rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm trong thời gian kéo dài và thêm tác động đại dịch thì kinh tế Ấn Độ thậm chí rơi vào trạng thái suy giảm. Trước khi đại dịch xuất hiện, các dự báo đều kỳ vọng khoảng 50 triệu người Ấn Độ sẽ thoát nghèo trong năm 2020. Tuy nhiên, trên thực tế, giai đoạn tháng 4 và tháng 5/2020, khi mọi hoạt động kinh tế đều tạm dừng, khoảng 20% hộ gia đình nghèo nhất ở Ấn Độ rơi vào cảnh hoàn toàn không có thu nhập.
- Dịch Covid-19 thế giới ngày 4/5: Ấn Độ có hơn 20 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2
- Dịch Covid-19 ở Ấn Độ: Cuộc chiến sinh tử
Một trong những tác giả của nghiên cứu, chuyên gia Amit Basole, nhận định làn sóng thứ 2 sẽ tiếp tục đẩy tình trạng này đi xa hơn. Hầu hết các gia đình mất thu nhập đã phải cắt giảm chi tiêu cho thực phẩm và vay nợ, với khoảng 20% người được hỏi cho biết tình trạng của họ vẫn chưa cải thiện dù đã 6 tháng kể từ sau lệnh phong tỏa.
Lệnh phong tỏa trong làn sóng thứ nhất đã khiến hàng triệu người lao động di tản từ các thành phố lớn về quê nhà và nhiều người đã dự định sẽ trở lại thành phố khi các hoạt động kinh tế được nối lại. Tuy nhiên, nghiên cứu trên chỉ ra khoảng 1/3 số lao động dưới 25 tuổi bị thất nghiệp trong thời gian phong tỏa, đến cuối năm 2020 vẫn không thể tìm được việc làm thay thế.
Khi làn sóng dịch bệnh thứ 2 đẩy các bệnh viện tại Ấn Độ vào tình trạng quá tải, buộc chính phủ phải ban hành các biện pháp hạn chế mới với hầu hết hoạt động kinh tế thì hàng triệu người Ấn Độ vốn đã điêu đứng trong làn sóng thứ nhất có thể sẽ còn rơi vào tình cảnh khó khăn hơn.
Nhóm tác giả nghiên cứu kêu gọi chính phủ bổ sung các gói hỗ trợ khẩn cấp cho người dân, vừa để bù đắp cho những thiệt hại trong năm 2020 và vừa để đón đầu những khó khăn trong thời gian tới do tác động của làn sóng dịch bệnh thứ 2. Nghiên cứu đề xuất những gói kích thích tài khóa để cung cấp thực phẩm miễn phí và tặng tiền mặt cho những hộ gia đình dễ chịu tổn thương nhất cũng như triển khai chương trình hỗ trợ việc làm tại những huyện chịu tác động nặng nề nhất.
Lê Ánh - TTXVN