Hojlund lười ghi bàn là vì MU?
Đan Mạch đang sở hữu một hàng tiền đạo rất lười biếng ở UEFA Nations League. Trong tổng số 6 bàn thắng mà họ ghi được tại bảng 4 League A, chỉ duy nhất tiền đạo đang chơi cho Lazio Gustav Isaksen ghi được 2 bàn.
4 bàn còn lại của đội bóng đến từ bán đảo Scandinavia thuộc về các tiền vệ. Chân sút kì cựu Poulsen vẫn chưa lập công lần nào, và phần lớn thời gian của anh là trên ghế dự bị. Gronbaek, Kasper Dolberg và Rasmus Hojlund cũng im tiếng mỗi khi được trao cơ hội.
Tại EURO 2024, các chân sút của Đan Mạch cũng không hoạt động. Cả giải đấu, đất nước của truyện cổ Andersen cũng chỉ ghi được 2 bàn thắng. Những người lập công là Eriksen và Hjulmand. Lý do cho sự khô hạn bàn thắng có lẽ không thuộc hệ thống chơi bóng của Đan Mạch, mà nằm ở các tiền đạo như Rasmus Hojlund. Người đã mang theo những vấn đề tại Man United trở về đội tuyển quốc gia suốt thời gian qua.
Cùng với các đồng đội khác ở Quỷ đỏ, Rasmus Hojlund khiến cho đội bóng chỉ đứng thứ 16 tại Premier League về số bàn thắng (12 pha lập công) là điều gì đó rất đáng xấu hổ. Và đây là một trong những phần việc cần được cải thiện nhất đối với MU nói chung và Hojlund nói riêng.
Cho đến hiện tại, sau 639 phút chơi cho Manchester United từ đầu mùa trên mọi đấu trường, Rasmus Hojlund ghi được 2 bàn, với hiệu suất 0,22 bàn một trận và không có pha kiến tạo nào từ đầu giải. Chỉ số bàn thắng kì vọng của tiền đạo 21 tuổi này cũng thấp, chỉ là 0,27 bàn.
Nhưng tại Old Trafford, vấn đề không nằm hoàn toàn ở Rasmus Hojlund và các đồng đội trên hàng công. Hiệu suất chơi bóng kém cỏi của anh nằm ở vấn đề tổng thể, từ ý tưởng bóng đá, chất lượng cầu thủ, đẳng cấp câu lạc bộ và năng lực của HLV.
"Họ khó có thể ghi được bàn thắng", cựu hậu vệ Gary Neville bình luận sau trận hòa 1-1 của MU với Chelsea. "Họ không giỏi phản công, không phải là một đội kiểm soát bóng nhưng họ lại là một tập hợp cầu thủ thực sự đắt giá. Đó là một công việc khó đối với bất kì HLV nào".
Xét trên khía cạnh cá nhân, có vẻ như Hojlund không phải là một trung phong giỏi ghi bàn. Trước khi tới xứ sở sương mù, tiền đạo 21 tuổi chỉ ghi được 9 bàn cho Atalanta và có 2 lần kiến tạo sau 32 trận cho đội bóng xứ Bergamo. Hiệu suất của anh là 0,44 bàn mỗi 90 phút, và chỉ số bàn thắng kì vọng là 0,37 bàn một trận.
Tất nhiên, lý do mà Hojlund được đưa về Old Trafford hoặc nhanh chóng góp mặt ở đội tuyển Đan Mạch phụ thuộc vào những yếu tố kĩ thuật anh sở hữu. Chẳng hạn, anh được xét đến trên những bàn thắng dự kiến không phải phạt đền, tỉ lệ sút trúng đích là 51,9% so với 50,3% của Erling Haaland, sút ngoài vòng cấm là 1,28 lần mỗi trận, trong vòng cấm là 1,52 lần.
Con số này được tính toán trong khoảng thời gian Hojlund đã chơi bóng ở Atalanta, từ đó, các chuyên gia phân tích số liệu tin rằng, tiền đạo 21 tuổi này sẽ ghi được từ 18 đến 20 bàn thắng, thậm chí có thể nhiều hơn mỗi mùa giải và khiến cho những hoài nghi về việc anh chỉ ghi được 9 bàn trở nên lỗi thời.
Và đây cũng là những đặc điểm cực kỳ đáng mơ ước, đặc biệt đối với các tập thể như Manchester United hoặc Đan Mạch, những đội bóng luôn ưu tiên phát triển bóng nhanh nhờ khả năng chuyển đổi trạng thái thi đấu từ phòng ngự sang phản công.
Cần lưu ý rằng, tại vòng loại EURO 2024, Rasmus Hojlund là cầu thủ ghi nhiều bàn nhất cho Đan Mạch với 7 pha lập công, sau 23 cú sút (13 trúng đích), với vai trò của một trung phong cổ điển. Nhưng anh hoàn toàn mất điện ở nước Đức với vị trí này.
Điều đó càng nhấn mạnh rằng những chấn thương liên tiếp tại MU, cùng sự hỗn loạn trong phòng thay đồ và sự thiếu ổn định của Quỷ đỏ dưới thời HLV Erik ten Hag, đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của tiền đạo này.
Đan Mạch cũng đang trong quá trình chuyển đổi tương tự, sau khi HLV Kasper Hjulmand từ chức sau EURO 2024, Lars Knudsen dẫn dắt đội bóng 4 trận và Hojlund không ghi được bàn nào. Và bây giờ đến lượt Brian Riemer phải giải phóng được tiềm năng của tiền đạo 21 tuổi trong thời gian tới.