“Hồi trước nghĩ kiếm chục triệu là dễ, giờ mới biết lương cứng 10 triệu/tháng là mơ ước của nhiều người"
Câu chuyện mức lương 10 triệu/tháng vẫn luôn là chủ đề có nhiều ý kiến trái chiều.
Vừa mới đây, TikToker đình đám Long Chun đã có phát ngôn gây tranh cãi xoay quanh chủ đề “Kiếm được bao nhiêu tiền/1tháng mới đủ sống?”. Trong đó, Long Chun cho rằng: "Ngày xưa em thầm mong một tháng kiếm được 10 triệu. Còn giờ lương được 10 triệu thì em 'khóc thét', không thể sống được".
Câu chuyện tiền lương vẫn luôn là chủ đề được thảo luận rầm rộ trên các nền tảng MXH. Không khó để bắt gặp những cuộc tranh cãi chẳng hạn mới ra trường mong muốn lương 10 - 15 triệu/tháng hay quan điểm đi làm 5-6 năm, lương 6-7 triệu/tháng vẫn đủ sống.
Trên thực tế, với nền kinh tế phát triển nhanh chóng, cùng với “bão giá", một số người trẻ mong muốn có mức lương nghìn đô la. Song, cũng có một bộ phận, đối với họ lương cứng 10 triệu/tháng là ước mơ.
10 triệu/tháng là mức lương tốt đối với nhiều người trẻ
Theo Minh Đức (22 tuổi), càng ngày “mức lương mong ước” lại thay đổi và con số đó chỉ có tăng lên chứ khó có thể giảm đi. Cũng tùy thuộc vào đặc thù ngành nghề, khả năng và mức độ chi tiêu của bản thân mà lương 10 triệu/tháng của sinh viên mới ra trường có được xem là cao hay không. Nhìn chung, cậu bạn cho rằng 10 triệu/tháng vẫn là mức lương tốt với sinh viên mới tốt nghiệp. Trong khi mức khá sẽ ở khoảng 7-8 triệu/tháng.
Nếu có đủ năng lực, sinh viên mới ra trường hoàn toàn có thể đòi hỏi một mức đãi ngộ cao. “Tuy nhiên, mình nghĩ các bạn không nên đặt nặng quá việc lương phải tầm 10, 15 hay 20 triệu sau khi tốt nghiệp. Thực tế, khi mới bắt đầu đi làm, hầu hết mọi người vẫn còn có quá nhiều thiếu sót. Chi bằng gạt áp lực về mức lương hậu hĩnh sang một bên, thay vào đó các bạn nên hướng tới việc chọn một chỗ làm mà ở đó giúp mình học hỏi được những kinh nghiệm bổ ích, hơn là đòi hỏi một mức lương quá cao ngay từ đầu”.
Bên cạnh đó, Lan Anh (24 tuổi, Nhân viên tài chính, TP HCM) trước đây khi còn đi học ngỡ rằng sau tốt nghiệp sẽ theo đuổi đam mê làm hướng dẫn viên du lịch, lương tháng 8 con số là đơn giản. Song, từ khi đi phỏng vấn, mọi thứ dần trở nên thực tế hơn.
“Hóa ra, mức lương cứng 8 con số mà mình vẫn nghĩ là dễ kiếm, chỉ đúng với những người đã làm nghề được vài năm. Còn đối với sinh viên mới ra trường như mình, mức lương cứng mà nhà tuyển dụng đưa ra chỉ là 6-7 triệu đồng/tháng, có thêm hoa hồng nếu đạt doanh số. Khi nghe về mức lương đó, quả thực mình cũng hơi sốc, nó thấp hơn mình nghĩ rất nhiều. Sau đó, mình cũng có phỏng vấn thêm vài nơi, nhưng cùng một vị trí công việc thì dù ở công ty lớn hay nhỏ, mức lương cứng cũng ngang nhau, chỉ khác ở chế độ lương thưởng và hoa hồng".
Bên cạnh đó, Thảo Nhi (24 tuổi, làm truyền thông) cũng từng nghĩ rằng chỉ cần ra trường là có được mức lương 10-15 triệu/tháng. Tuy nhiên, sau khi đi thử việc phỏng vấn cô bạn mới nhận ra rằng mọi thứ rất khó khăn và cùng sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường lao động. Những ngày mới đi làm, cô bạn chỉ nhận lương 6-7 triệu/tháng. “Hồi trước nghĩ kiếm chục triệu là dễ, giờ mới biết lương cứng 10 triệu/tháng là mơ ước của nhiều người. Không thể nhìn những người nổi tiếng với mức lương trăm triệu rồi nghĩ ai cũng có thể đạt được thu nhập đó".
Cùng quan điểm với Lan Anh, Trần Nhi (25 tuổi, Nhân viên bán hàng) cho biết mức lương cứng của công việc đầu tiên chỉ 6 triệu, có kèm doanh số bán hàng. Thời điểm đó là cuối năm 2020, so với mức lương cùng ngành đã là mức trung bình. Với 1 sinh viên mới ra trường khi đó, lương 1 tháng cộng cả hoa hồng mới hơn 10 triệu một chút. “Nhưng sau tháng lương 10 triệu đó, là những cuộc gọi lúc 2-3h sáng của khách, những hợp đồng phải xử lý hàng ngày, tháng nào cũng phải đi khảo sát, tặng quà đối tác... Thực sự khác rất nhiều so với suy nghĩ hồi đại học của mình. Đến thời điểm 2 năm sau đi làm, mình cũng đã nhận được mức lương cứng hơn 10 triệu, đó là cả một chặng đường dài cố gắng".
Quan trọng không phải là mức lương bao nhiêu mà tiết kiệm như thế nào
Một số quan điểm cho rằng dù với mức lương nào cũng có thể sống ổn miễn là biết cách chi tiêu. Cho dù bạn kiếm được được nhiều nhưng không biết cách tích luỹ, tiền cũng sẽ “không cánh mà bay".
Khánh Ly (24 tuổi, ở Hà Nội) cho rằng không quan trọng là kiếm được bao nhiêu tiền, mà quan trọng là bạn quản lý tiền của mình như thế nào. Dù ở một mức lương nào, nếu học quản lý tài chính cá nhân từ sớm, thì vẫn có thể chi tiêu trong tầm kiểm soát. Người nhận lương cứng 7-8 triệu tiêu cũng vừa đủ, mà lương cứng 10 triệu cũng có cách tính riêng.
Bên cạnh đó, cô bạn cũng sống cùng bố mẹ nên việc tiết kiệm tiền dù lương cứng là 10 triệu, trở nên dễ dàng hơn. “Không có áp lực về tiền nhà hay tiền ăn, nên mức chi tiêu của mình vẫn luôn được đảm bảo. Hơn nữa, mình có nhận dạy đàn piano 1 kèm 1, đó cũng là khoản tay trái giúp mình kiếm thêm kha khá. Thu nhập trung bình hàng tháng cũng gọi là tạm ổn so với một người mới đi làm”.
Cô bạn chia thu nhập thành 3 khoản: Chi tiêu - Khẩn cấp - Tiết kiệm theo tỷ lệ 40:20:40. Với khoản chi tiêu (40% thu nhập) để phục vụ những nhu cầu cơ bản nhất: ăn uống, xăng xe, tụ tập cùng bạn bè, mua sắm... Khẩn cấp (20% thu nhập): Dành cho những tháng có việc đột xuất như bạn bè cưới xin, dịp lễ, đi du lịch cùng bạn bè, và đôi khi là sinh nhật. Còn 40% thu nhập sẽ dành cho tiết kiệm.
Mặt khác, Trần Nhi cho rằng quản thực mức lương 10 triệu/tháng để có thể sống thoải mái là 1 bài toán khó. “Nhu cầu của mình đều khá cơ bản, mức sống cũng không cao. Nhưng tính ra, nếu chỉ nhận lương cứng 10 triệu làm sao có dư nếu bạn sống ở những thành phố lớn ở Hà Nội, TP HCM”.
Do đó, cô bạn đã kiếm những công việc làm thêm ở ngoài để thu nhập tốt hơn. Có đôi khi, mình nhận những dự án như thiết kế các mẫu để bán trên các sàn thương mại điện tử, nhận quản lý các trang mạng xã hội, nhận viết kịch bản,... Ngoài ra, cứ mỗi cuối tuần Trần Nhi có nhận dạy gia sư cho các em nhỏ.