Hội thảo quốc tế Haruki Murakami: Nhà văn hạng nhẹ hay siêu sao toàn cầu
(Thethaovanhoa.vn) – Trên khắp thế giới đang diễn ra những hội thảo quốc tế kéo dài hàng tuần để phân tích các tác phẩm của Murakami, thu hút đông đảo học giả, các nhà phê bình và dịch giả tới từ nhiều nước. Mà Murakami đơn giản là không thấy cần phải tham gia.
- BTS làm sống lại KPop nhờ cảm hứng lấy từ Haruki Murakami và đại văn hào Hermann Hesse
- Phát hành tiểu thuyết mới 'đầy thâm thúy' của Haruki Murakami ở Nhật Bản
Hội thảo quốc tế vừa tổ chức vào đầu tháng Ba năm nay tại thành phố Newcastle (Anh) chỉ là một trong số nhiều cuộc tụ họp để bàn về Murakami trong… nửa đầu năm nay. Những cuộc hội thảo tương tự vậy đã được lên kế hoạch ở Pháp (Strasbourg), Philippines (Manila) và Úc (Sydney).
Aurelie van ‘t Slot, một học giả Hà Lan về hiện tượng nổi tiếng toàn cầu của Murakami, chỉ ra rằng, sách của Murakami xuất bản ở Hà Lan nay luôn được “hộ tống” bởi lượng người hâm mộ trung thành lên tới 2.000 người. Trong khi đó ở Đài Loan (Trung Quốc), có hẳn “Trung tâm nghiên cứu Haruki Murakami”, với những bài giảng và giáo trình về Murakami được nâng lên thành kiến thức về Nhật Bản, đất nước mà những khách sạn và khu căn hộ mang phong cách “Đỉnh cao Murakami” hay “Rừng Nauy”.
Đây là kỷ nguyên đắm đuối Murakami. Giáo sư Barbara Thornbury từ Đại học Temple nhận định, tình yêu Murakami giờ trở thành động lực chính cho tuyển sinh các khóa nghiên cứu Nhật Bản khắp thế giới, giống như võ thuật và truyện tranh thập kỷ trước.
Vậy mà, một số nhà phê bình vẫn coi Murakami chỉ là một nhà văn hạng nhẹ, một nhà cung cấp văn chương tồi toàn cầu, thiếu hẳn sức nặng như các nhà văn vĩ đại thời hậu chiến Nhật Bản như Yasunari Kawabata (1899 – 1972), Junichiro Tanizaki (1886 – 1965) và Yuko Mishima (1925 – 1970). Năm 2002, nhà phê bình văn chương nổi tiếng Nhật Bản Shigehiko Hasumi đánh giá tiểu thuyết của Murakami như một trò “gian lận”. Murakami gần đây được dẫn ra như một ví dụ điển hình cho cái mà tiểu thuyết gia Tim Parks đề cập tới hồi năm 2010 là “tiểu thuyết ngu đần mới toàn cầu”.
Tác phẩm của Murakami chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tiểu thuyết Mỹ - Murakami là dịch giả “mắn đẻ” của F. Scott Fitzgerald (1896 – 1940), Raymond Chandler (1888 – 1959), J. D. Salinger (1919 – 2010), Raymond Carver (1938 – 1988) cùng nhiều người khác – nên văn xuôi của ông thường bị chỉ trích là đọc giống như tiểu thuyết Mỹ dịch sang tiếng Nhật Bản, chối bỏ di sản văn học Nhật Bản đồ sộ. Một số người cho đây là trò hề nhại, một số lại nghĩ là giải phóng.
Motoyuki Shibata, giáo sư danh dự Đại học Tokyo và là dịch giả văn học Mỹ hàng đầu Nhật Bản, từng cộng tác với Murakami trong việc dịch thuật, thấy Murakami mở ra cánh cửa cho cả một thế hệ nhà văn mới nổi, những người được truyền cảm hứng để thoát khỏi văn chương truyền thống Nhật Bản vốn hoa mỹ, nặng nề, “nghiêm túc kinh khủng”.
Shibata dẫn tên một số tác giả đương đại như Yoko Ogawa hay Mieko Kawakami đang rất thành công nhờ phong cách hậu Murakami.
Tuy nhiên, Shibata cũng muốn nhấn mạnh rằng Muramaki vẫn gắn kết với văn học truyền thống Nhật Bản. Quyết định năm 1978 của Murakami là viết một số trang trong cuốn tiểu thuyết đầu tay Lắng nghe gió hát bằng tiếng Anh trước khi dịch trở lại tiếng Nhật Bản gợi Shibata nhớ tới nhà văn tiên phong Futabatei Shimei (1864 – 1909), một học giả về văn học Nga, người đã nỗ lực sáng tác cuốn tiểu thuyết hiện đại Nhật Bản đầu tiên. Futabatei đã tìm ra tiếng nói riêng của mình, đưa văn học Nhật Bản tiến vào thời hiện đại, bằng cách sáng tác một số trang bằng tiếng Nga rồi dịch ngược lại tiếng Nhật Bản.
Matthew Strecher, giáo sư Đại học Sophia và là một chuyên gia có uy tín về Murakami, nhăn nhó nhớ lại khi ông xuất bản cuốn sách đầu tiên Dances with Sheep (tạm dịch: Nhảy với cừu) (ám chỉ tới cuốn Cuộc săn cừu hoang và Nhảy, nhảy, nhảy của Murakami), vào năm 2002, nhiều người đã hoài nghi rằng liệu Murakami có đáng được chú tâm phê bình đến thế không.
Nhưng vào thời điểm cuốn sách The Forbidden Worlds of Haruki Murakami (tạm dịch: Những thế giới cấm kỵ của Haruki Murakami) (2014) của Strecher xuất bản, nghiên cứu Murakami đã tăng theo cấp số nhân, với các học giả tại hội thảo Newcastle phân tích mối quan hệ giữa Rừng Nauy của Murakami với Núi thần của Thomas Mann (1875 – 1955) và mổ xẻ mối quan hệ giữa Murakami với Franz Kafka (1883 – 1924).
Gitte Hansen, nhà tổ chức hội thảo Đan Mạch hồi tháng trước đặc biệt quan tâm tới vấn đề điều trị theo giới trong tiểu thuyết của Murakami, một địa hạt đang được đào sâu nghiên cứu, và chỉ ra rằng sự khó khăn trong giao tiếp giữa đàn ông và phụ nữ được miêu tả trong nhiều tác phẩm của Murakami.
Ngày nay, chủ đề nghiên cứu Murakami đa dạng đến đáng ngạc nhiên – bạn có thể đọc nghiên cứu về vai trò của thực phẩm trong các câu chuyện của Murakami (có hàng loạt thực đơn ở Nhật Bản lấy cảm hứng từ Murakami) hay đi sâu nghiên cứu các loạt tôn giáo trong 1Q84. “Bạn có thể, như Barbara Thornbury, thấy tiểu thuyết của Murakami như một chỉ dẫn để xem xét các các khu đô thị hiện đại ở Tokyo, hoặc như học giả người Ireland Alicia Keane, đi vào sách và so sánh không gian riêng tư vô danh của ông với thế giới nội quan của Samuel Beckett (1906 – 1989)".
Tiểu thuyết mới nhất của Murakami, Killing Commendatore (tạm dịch: Giết tên chỉ huy), đưa vũ trụ hư cấu của Murakami đi một hướng khác, lấy bối cảnh mùa xuân nóng bức ở quận Kanagawa, Odawara, chiêm bái bản chất của nghệ thuật, và hoàn thành cái mà Strecher miêu tả là chuyến du hành vào “thế giới ngầm”, trong khi kết nối với lịch sử thời Thế chiến I, cụ thể là âm mưu sáp nhập Áo năm 1938 của Đức Quốc xã, và vụ quân đội Nhật thảm sát, hãm hiếp hàng loạt người dân Nam Kinh.
Nhưng Strecher, người cực lực bênh vực tầm quan trọng của Murakami, cũng cảnh báo người hâm mộ rằng đừng để mất nhãn quan phê bình của mình. Strecher, ví dụ, kêu gọi nhà văn nhận thức rõ ràng hơn về vai trò bình luận lịch sử Đông Á cho độc giả thế giới. Strecher cũng phê bình Murakami khi sáng tạo quá ít nhân vật nữ. “Có quá nhiều nhân vật nam giới trong truyện của Murakami, và rất ít nữ giới”, ông cười.
Dù tin rằng Murakami là cứu tinh của nền văn học hiện đại Nhật Bản (“Chúng ta phải quen dần với suy nghĩ rằng có ngày ông sẽ qua đời”, Strecher lưu ý) hay tin Murakami khiến nền văn học Nhật Bản mắc kẹt trong ảm đạm, thì rõ ràng rằng, làn sóng văn chương Nhật Bản trong tương lai chắc chắn sẽ là một cái gì đó đáp lại sự thành công phi thường của Murakami.
Thư Vĩ (lược dịch)