Hội những người vẽ truyện tranh không 'đục khoét tâm hồn'
(Thethaovanhoa.vn) - Tranh cãi về phát biểu của cậu học sinh Đỗ Nhật Nam “Truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn” năm 2013 là cuộc tranh cãi khá vô nghĩa. Bởi Nam có quyền không đọc truyện tranh nếu em không thích, cũng như trong 10 năm qua, hàng chục họa sĩ truyện tranh gần như đã bỏ nghề, nhưng rồi quay lại chỉ vì một đam mê không thể tắt.
“Thay vì làm ra những tác phẩm truyện tranh hay thì chúng ta lại cãi nhau vì một cậu bé bảo truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn” - Nguyễn Khánh Dương, người sáng lập Công ty Truyện tranh Comicola cùng hai người bạn Hoàng Anh Tuấn và Nguyễn Thành Phong, nói. Và rồi, 2 năm qua, sự trỗi dậy của giới truyện tranh là minh chứng mạnh mẽ nhất cho điều ngược lại.
Từ 30 tuổi đến 13 tuổi
Ngày hội Truyện tranh Việt Nam Comic Day 2015 ở TP.HCM (30/8) và Hà Nội (6/9) là lần đầu tiên tập hợp gần như đông đủ những con người đó.
Mặc dù còn không ít ý kiến coi truyện tranh là trò chơi vớ vẩn của “bọn trẻ con”, tại Comic Day, những lời tâm huyết của những người làm truyện tranh được cất lên, gây xúc động đến ngạc nhiên. Ở TP.HCM, độc giả rơi nước mắt còn ở Hà Nội, độc giả vỗ tay không ngừng.
Có thể lấy mốc hồi sinh truyện tranh Việt Nam là khi bộ Long thần tướngcủa nhóm Phong Dương Comic trở lại đình đám trong hình hài mới (giữ nguyên tên, còn hầu như thay da đổi thịt) vào cuối năm 2013.
Từ đó, chỉ trong chưa đầy 2 năm, một lứa truyện tranh Việt mới ra đời, là sản phẩm của những người đã theo đuổi truyện tranh cùng thế hệ với Phong Dương, nhưng đã bỏ nghề hoặc không sáng tác thường xuyên. Khi Phong Dương kêu gọi trở lại, họ “người thì đang bán bánh, người thì đang hút tẩu, người đang chơi với mèo, người thì đang dạy học...”, nhưng tất cả đều có điểm chung: còn đam mê.
Vì sao họ phải hợp thành cộng đồng? Bùi Đình Thăng, họa sĩ từng công khai tố cáo việc bị vi phạm tác quyền truyện tranh Ba tôi, hiểu thấu lý do. Cả cộng đồng truyện tranh đã lên tiếng ủng hộ anh vì một nỗi đồng cảm: tác quyền và bản quyền truyện tranh lâu nay vẫn bị vi phạm và không được ai bảo vệ.
“Giống như khi bị bắt nạt, việc chống lại điều sai trái sẽ khiến bạn bị đánh đau hơn, nhưng cũng khiến những người làm điều sai trái phải chùn bước ở lần sau” - Thăng nói. Với cộng đồng truyện tranh, chuyện của Thăng là một sự thức tỉnh. Họ không được đơn độc.
Tại Comic Day, niềm đam mê vẽ truyện đã được lan truyền đến nhiều độc giả là học sinh, sinh viên - những tác giả tương lai. Gehenna, tác giả nữ hiếm hoi của thời 10 năm trước, chia sẻ: “Chúng tôi sinh năm 1986, gần 30 tuổi, có quá già để làm họa sĩ truyện tranh hay không? Nhiều bạn ngồi trong khán phòng đều khá trẻ, có những bạn mới 13, 14 tuổi”.
Xa vời không giấc mơ Marvel, DC Comics?
Hoàng Anh Tuấn, trưởng nhóm họa sĩ B.R.O - tác giả bộ truyện tranh lâu năm nhất Học sinh chân kinh, phát biểu trong hội thảo “Nghề vẽ truyện tranh Việt Nam” tại Comic Day: “Vấn đề quan trọng nhất của truyện tranh không phải là vẽ. Trong 10 năm qua, giới truyện tranh Việt Nam đang thiếu tầm nhìn và định hướng”. Định hướng đó, Anh Tuấn và nhóm sáng lập Comicola đã liên tục thảo luận trong 2 năm qua.
Truyện tranh có thể đi xa đến đâu? Xét về tinh thần thì có thể là vô tận, bởi điểm đến xa nhất là khắc sâu trong tâm thức của người đọc, mà ai đo được lòng người? Như Doraemon, bộ truyện Nhật Bản khiến mọi thế hệ thiếu nhi Việt Nam say mê kể từ năm 1992.
Dương Minh Đức, tác giả Nhóm máu O, một bộ truyện được đánh giá cao của Comicola, nuôi dưỡng niềm đam mê truyện tranh của mình từ Doraemon và 7 viên ngọc rồng, một bộ truyện cũng rất nổi tiếng của Nhật.
Xét về vật chất, con đường của truyện tranh cũng rất dài. Nói dễ hiểu hơn là rất nhiều tiền. Tổng doanh thu toàn cầu của 40 bộ phim từng được chuyển thể và “chế biến” dựa trên truyện tranh Marvel là 18,7 tỷ USD. Tiếp, tổng doanh thu toàn cầu của 19 bộ phim từng được chuyển thể và “chế biến” dựa trên truyện tranh của DC Comics, hãng đối thủ của Marvel, là 6,3 tỷ USD.
Đó là con đường ngành công nghiệp truyện tranh đã, đang và sẽ đi mà chuyển thể thành điện ảnh chỉ là một trong những nhánh phát triển.
Tiềm năng của “công nghiệp truyện tranh”
Chẳng phải ngẫu nhiên mà Khánh Dương, Thành Phong, Anh Tuấn gọi các hoạt động sản xuất ăn theo truyện tranh (mua bản quyền làm phim hoạt hình, làm phim người đóng - live action, sản xuất đồ lưu niệm như áo, túi, móc khóa, sổ tay, tranh, áp-phích, tượng, thẻ đánh dấu trang, hình xăm...) là “hệ sinh thái” của truyện tranh.
Đó là một “hệ sinh thái” đúng nghĩa là không gian sinh tồn của truyện tranh. Có một thực tế cơ bản: họa sĩ và nhà sản xuất truyện tranh không bao giờ sống nổi nhờ tiền bán sách.
Hiện, công nghiệp truyện tranh Việt Nam mới thành hình, điển hình là các hoạt động của Comicola, nên chưa thể mang lại lợi nhuận lớn.
Các dự án truyện tranh đều được xây dựng trên cơ sở “nhà đầu tư cộng đồng” thông qua gây quỹ tự do. Nhưng, tích tiểu thành đại, tổng số tiền đầu tư của cộng đồng cho 12 dự án truyện tranh trên Comicola đến nay cũng rất đáng nể: gần 1,8 tỷ đồng (qua cả 2 hệ thống Comicola và Betado).
Và đó là tính cả những dự án chưa gây quỹ xong gồm tiểu thuyết kiêm truyện tranh Thành kỳ ý và giáo trình truyện tranh Tôi vẽ. Nếu 2 dự án này thành công (Thành kỳ ý nhiều khả năng sẽ vượt mức tiền đề ra), tổng số tiền cộng đồng đầu tư cho Comicola sẽ lên đến hơn 1,9 tỷ đồng.
Số tiền đầu tư được sử dụng để sáng tác, in ấn và phát hành truyện, nhưng quan trọng hơn là để sản xuất các mặt hàng tặng kèm, đều được gửi lại cho những người góp quỹ.
Giá trị của các mặt hàng này không nhỏ và có tính sáng tạo cao. Với Long thần tướng, dự án lớn nhất của Comicola gây quỹ được gần 600 triệu đồng, là bộ tượng nhân vật được thiết kế công phu, có giá trị thẩm mỹ và văn hóa.
Với Thành kỳ ý, một dự án sắp ra mắt được đặt nhiều kỳ vọng, món quà có giá trị nhất là một cây trâm liên hoa mạ vàng do nghệ sĩ chế tác Đỗ Vân Trí thiết kế.
Rõ ràng, đó không phải là những món quà “tặng cho có”, mà hé lộ những nhánh phát triển của một nền truyện tranh tiềm năng.
Nha Đam
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần