Hội nghị Văn hóa 2021: Phát triển công nghiệp văn hóa từ vốn quý của dân tộc
(Thethaovanhoa.vn) - Các chuyên gia đã khẳng định, văn hóa dân gian chính là nguồn tài nguyên quý báu để phát triển công nghiệp văn hóa nếu khéo léo khai thác, sáng tạo.
Thực tế cho thấy là đã có rất nhiều sản phẩm điện ảnh, văn học, mỹ thuật, thời trang, du lịch… lấy hồn cốt từ văn hóa dân gian mang lại giá trị cao về vật chất. Những giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam cũng được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn.
Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, trong đó có hướng tới ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế…Điều này sẽ góp phần tiếp tục khích lệ những người đang khai thác vốn quý văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống để phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần đưa hình ảnh đẹp, giá trị đặc sắc của văn hóa dân gian ra thế giới.
Gìn giữ và lan tỏa vẻ đẹp văn hóa dân tộc
Dự án tour du lịch “Về làng” do anh Ngô Quý Ðức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa dân gian làng nghề Việt (thuộc Hiệp hội Làng nghề Việt Nam) thực hiện từ năm 2020 đến nay đã thu hút nhiều người tham gia. Rất nhiều người trẻ thích thú với dự án này bởi họ được trải nghiệm, khám phá và đắm mình trong các giá trị văn hóa dân gian nghề thủ công truyền thống ở các làng nghề. Đó là tour "Về làng - Sợi tơ vàng dệt xuyên thế kỷ" đưa du khách đến với làng nghề dệt lụa Nha Xá (Hà Nam) và làng may áo dài truyền thống Trạch Xá (Hà Nội). Còn tour "Về làng - Tết xưa vùng Kinh Bắc" lại đưa du khách đến với làng Ðông Hồ với tranh dân gian, những con phỗng đất - món đồ chơi thô mộc nhưng mang nặng hồn cốt dân gian Việt Nam. Đặc biệt, tour "Về làng - Rước đèn Trung thu và đón ông tiến sĩ giấy" lại giúp các em nhỏ biết về quá trình làm ra những món đồ chơi truyền thống, lưu giữ dấu ấn văn hóa dân tộc...
Anh Ngô Quý Đức chia sẻ: Hiện dự án “Về làng” đang ở giai đoạn bước đầu nhưng anh mong muốn khi có sản phẩm du lịch hoàn thiện sẽ kết nối với các đơn vị lữ hành để phát triển hoạt động du lịch tại làng nghề, tạo ra các giá trị cho chính làng nghề đó. Đây cũng là hoạt động để làng nghề quảng bá văn hóa nghề truyền thống, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thủ công làng nghề. Anh nói: Muốn gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa làng nghề bền vững, người dân phải tham gia và được chia sẻ lợi ích từ hoạt động quảng bá các giá trị văn hóa nơi họ sống.
Đoạn trường vinh hoa là một bộ phim tài liệu phi tài liệu của đạo diễn Lê Mỹ Cường khai thác đề tài văn hoá truyền thống và đã thực sự gây ấn tượng với người xem. Phim được xây dựng theo tinh thần hướng tới phong cách tài liệu điện ảnh trực tiếp, là hành trình theo chân một gánh cải lương tuồng cổ hiếm hoi còn sót lại rong ruổi qua những đình làng, cổ miếu ở các tỉnh miền Tây. Những "ông hoàng bà chúa" trên sân khấu nhưng họ vẫn là người lao động chân lấm tay bùn, chật vật với đời sống mưu sinh khi bức màn sân khấu hạ xuống. Bộ phim nằm trong khuôn khổ dự án VTV Đặc biệt – một trong những dự án trọng điểm của Đài Truyền hình Việt Nam được sắp xếp vào khung giờ “vàng” trên VTV1. Bộ phim này được thực hiện trong thời gian hơn 1 năm từ lần khảo sát bối cảnh đầu tiên cho đến khi hoàn thiện sản phẩm phim cuối cùng (tháng 3/2019 – tháng 7/2020). Thông qua đó, đạo diễn Lê Mỹ Cường đã tái hiện trên màn ảnh một lát cắt bình dị, cảm xúc trong cuộc sống của những người nghệ sĩ cải lương tuồng cổ Nam Bộ.
Đạo diễn Lê Mỹ Cường chia sẻ, Đoạn trường vinh hoa không chỉ là một câu chuyện phim về văn hóa mà còn là câu chuyện về đam mê, tình yêu, cách mà con người sống, đối mặt với những biến cố và đi trọn vẹn với hành trình đam mê ấy. Bộ phim về đề tài văn hóa truyền thống này đã thực sự chạm được đến cảm xúc của nhiều người xem và khán giả có thể đâu đó thấy mình trong hành trình đam mê ấy…
Đây chỉ là hai trong số những sản phẩm văn hóa, du lịch khai thác các giá trị của văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống để mang lại cho công chúng, khán giả những cảm xúc sâu lắng. Theo nghiên cứu của nhóm Tiến sỹ Trần Thanh Việt (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) và Tiến sỹ Lư Thị Thanh Lê (Trường Đại học Việt Nhật) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy: Văn hóa dân gian đã, đang hiện hữu trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống văn hóa đương đại và đóng góp đáng kể vào phát triển công nghiệp văn hóa, mang lại giá trị thương mại cho người sản xuất, sáng tạo. Có thể nói rằng, đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa cũng chính là đáp ứng nhu cầu tồn tại, phát triển của các lĩnh vực văn hóa dân gian trong đời sống đương đại.
Công nghiệp văn hóa thúc đẩy phát huy bản sắc dân tộc
Tại Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), công nghiệp văn hóa đã được đề cập chính thức trong Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Trong đó, phát triển công nghiệp văn hóa được xác định là một trong những nhiệm vụ cụ thể.
Năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đánh giá của giới chuyên gia văn hóa, đây thực sự là một bước tiến rất lớn kể từ khi chúng ta xác định rõ ràng về tầm quan trọng của các ngành kinh tế sáng tạo trong tổng thể phát triển kinh tế tri thức. Chiến lược cũng là văn bản pháp lý tạo động lực cho sự phát triển, sự sáng tạo trên cơ sở kho tàng văn hóa dân tộc. Theo đó, phát triển công nghiệp văn hóa gồm 12 lĩnh vực bao gồm: Quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển của các quốc gia ngày càng ảnh hưởng lẫn nhau, công nghiệp văn hóa chính là một tài sản chiến lược trong chính sách ngoại giao, hợp tác quốc tế và củng cố tính độc đáo của quốc gia. Công nghiệp văn hóa đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy bản sắc văn hóa và hiện đại hơn cho đất nước.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh: Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa chắc chắn là một lựa chọn hợp lý cho phát triển văn hóa đất nước trong bối cảnh hiện nay, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, thể hiện chức năng kinh tế của văn hóa. Quan trọng là thông qua các sản phẩm và dịch vụ văn hóa này, chúng ta tạo ra sức sống mới cho các di sản văn hóa, khai thác tốt hơn vốn văn hoá của dân tộc, tài năng của các văn nghệ sỹ, hình thành nên sức mạnh mềm cho đất nước, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra khắp thế giới…
Theo đánh giá của nhóm Tiến sỹ Trần Thanh Việt (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) và Tiến sỹ Lư Thị Thanh Lê (Trường Đại học Việt Nhật) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, hầu hết các lĩnh vực trong phát triển công nghiệp văn hóa đều đã khai thác tốt những nội dung từ văn hóa dân gian để tạo thành sản phẩm có giá trị.
Ví dụ trong lĩnh vực điện ảnh, truyền hình và phát thanh, những năm gần đây có xu hướng khai thác nội dung các truyền thuyết, sử thi, cổ tích, truyện cười hoặc là tạo kịch bản xâu chuỗi các tác phẩm truyện cười. Bên cạnh đó là việc làm mới các truyện cổ dân gian như là chương trình Gặp nhau cuối năm trên truyền hình. Điện ảnh có những bộ phim như Trạng Tí phiêu lưu kí, Trạng Quỳnh, Tấm cám chuyện chưa kể đã gây tiếng vang, thu hút công chúng.
Về doanh thu, Trạng Tí phiêu lưu kí đạt doanh thu 15 tỷ đồng; Tấm cám chuyện chưa kể doanh thu lên đến 46 tỷ đồng; Trạng Quỳnh công bố doanh thu lên đến 100 tỷ... Đây có thể coi là những sản phẩm kết hợp phát triển từ vốn văn hóa dân gian thành sản phẩm văn hóa đương đại khá thành công. Những phim như “Song lang”, chương trình “Gặp nhau cuối năm”, phim tài liệu “Đoạn trường vinh hoa” đã thành công, tạo dấu ấn trong lòng khán giả.
Với lĩnh vực sân khấu, việc tái hiện nghi lễ hầu đồng cũng trở thành vở diễn nổi tiếng. Điển hình là Tứ phủ tại Nhà hát Kịch Hà Nội, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách nước ngoài, thúc đẩy các tour du lịch văn hóa, quan sát, thực hành nghi lễ này thông qua hình thức sân khấu hóa. Điều này góp phần quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống qua hình thức sân khấu hóa và biến những nghi lễ văn hóa tâm linh độc đáo thành sản phẩm văn hóa và tạo ra doanh thu…
Về thời trang, câu chuyện Lạc Long Quân – Âu Cơ đã trở thành cảm hứng sáng tạo cho nhiều bộ sưu tập thời trang của nhiều nhà thiết kế. Các chất liệu nhuộm chàm, chuộm vải, dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc thiểu số đều được khai thác để tạo ra sưu tập thờ trang của nhà thiết kế nổi tiếng như Đỗ Trịnh Hoài Nam, Minh Hạnh…
- Phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030
- Hội nghị văn hóa 2021: Từ rất sớm văn hóa được coi là một trong những trụ cột quan trọng
Thế nhưng vẫn phải thẳng thắng thừa nhận rằng, công nghiệp văn hóa vẫn còn là lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam và vẫn đang bộc lộ những hạn chế nhất định. Có thể kể đến việc năng lực thiết kế sản phẩm chưa cao, chưa có sự hỗ trợ thường xuyên giữa khối thiết kế chuyên nghiệp với các nghệ nhân văn hóa dân gian.
Bởi lẽ, các nghệ nhân thường là làm theo cách thức truyền thống, họ chưa được tiếp xúc nhiều với giới thiết kế để đổi mới mẫu mã một cách mạng mẽ. Do đó, nhiều sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống đương đại. Họ tinh về nghề nhưng chưa giỏi về marketing, họ cần được tiếp sức để có thể đổi mới mẫu mã, quảng bá, sản xuất hàng loạt để bắt kịp nhu cầu thị trường.
Chuyển từ văn hóa truyền thống sang sản xuất hàng loạt, đáp ứng nhu cầu thị trường rộng lớn thì cần đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Hơn nữa, các ngành chức năng và cộng đồng sở hữu văn hóa cần tạo ra sự cân bằng giữa khai thác tạo giá trị kinh tế và văn hóa, phát triển để cộng đồng có được lợi nhuận từ vốn tài nguyên đang có nhưng cũng phải bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa di sản đúng trong không gian vốn có…
Thanh Giang/TTXVN