Hội CĐV Nam Định giải tán và lời cảnh tỉnh cho bóng đá chuyên nghiệp
Hội CĐV Nam Định vừa ra tuyên bố giải thể. Từ trước đến nay, những việc như thế này có lẽ cũng không được quan tâm nhiều bởi mối quan hệ giữa các CLB chuyên nghiệp và CĐV vẫn chỉ nằm ở tình trạng "cười nhạt và bắt tay lỏng". Nhưng hành động của CĐV Nam Định có thể tạo ra tác động mạnh bởi nó là lời cảnh tỉnh cho những người làm bóng đá ở Việt Nam.
1. Hội CĐV Nam Định giải thể ngay ở thời điểm tưởng là hưng thịnh nhất của bóng đá thành Nam sau bao nhiêu năm vật vã tìm đường tồn tại ở V-League. Kể từ khi trở lại V-League năm 2018 đến nay, chưa bao giờ đội bóng này sống trong cảm giác an toàn.
Thế nhưng, họ cũng chưa bao giờ bị khán giả quay lưng. Theo thống kê của BTC, từ năm 2018 đến 2022, tốp 5 trận đấu có lượng khán giả đến sân đông nhất mùa cũng có ít nhất 2 trận diễn ra trên sân Thiên Trường. Năm nào, sân bóng này cũng đứng đầu về tổng lượng khán giả đến sân, mặc dù hết 3 trong 5 mùa đá V-League họ đều trụ hạng giờ chót.
Theo thông báo của Hội CĐV Nam Định thì họ đã 10 năm "chung lưng đấu cật" với đội bóng. Nghĩa là Hội đã ra đời từ những ngày mà Nam Định đang tranh đua tìm đường lên hạng Nhất.
Đó là giai đoạn đau buồn, thê thảm nhất của làng cầu danh tiếng từng vô địch Việt Nam dưới cái tên đầy tự hào Công nghiệp Hà Nam Ninh. Nam Định mất đến 7 năm ở giải hạng Nhì, thêm 4 năm ở giải hạng Nhất.
Nghĩa là bất kỳ ai đứng bên cạnh đội bóng trong khoảng thời gian đó đều phải rất yêu đội bóng của mình. Và đó là lý do mặc dù không hề có cơ hội vô địch, nhưng sân Thiên Trường luôn đông khán giả. Trong lịch sử V-League, chưa bao giờ có sân bóng thứ 2 làm được điều này trong hoàn cảnh tương tự, xa hơn nữa thì chỉ có sân Huế hay sân Cột Cờ của Thể Công mà thôi.
Nên một khi đã đưa đến quyết định giải thể Hội CĐV, tức là những người hâm mộ chân chính đã nhận ra một sự thật phũ phàng: Mình chẳng có giá trị gì với đội bóng cả. Sự có mặt của họ là vô nghĩa, thậm chí còn có thể bị đánh đồng bởi các nhóm cổ động được thuê đến sân nhảy múa theo kịch bản.
Họ buộc phải tự kết thúc sứ mạng truyền lửa của mình. Với trái tim tan nát. Ít nhất, họ cũng thể hiện được cái quyền của mình.
2. "Cái chết" của Hội CĐV Nam Định ít nhiều cũng gây được tiếng vang, vì thời gian cũng chứng minh được tầm ảnh hưởng và những đóng góp của Hội này với đội bóng. Nhưng đa số các Hội CĐV khác tại bóng đá Việt Nam lại không được như vậy. Dù có được cơ quan quản lý Nhà nước cấp phép hay không, thì các Hội CĐV có khá ít "quyền lực" với đội bóng của họ.
Ở chiều ngược lại, cũng không nhiều CLB thực sự thấy được những tác động của các CĐV đối với sự tồn tại của đội bóng. Cả 2 bên, biết là cần có nhau nhưng lại không biết làm thế nào để chứng minh được điều đó.
Có một điều cần phải phân biệt rõ: Hội CĐV không nhất thiết là đại diện cho tất cả các CĐV. Về lý thuyết thì các CLB cũng không thể công nhận bất kỳ Hội CĐV nào trừ trường hợp đó là những người có sở hữu cổ phiếu/cổ phần tại CLB nếu có phát hành.
CĐV cũng có nhiều trường phái khác nhau, việc họ cổ vũ trên khán đài cũng khác tùy vào những gì mà họ chờ đợi ở đội bóng mình. Có không ít cuộc "đụng độ" giữa các Hội/nhóm CĐV của CLB với nhau, dẫn đến các trào lưu thành lập những nhóm Ultras, Contras phát triển độc lập với các Hội CĐV có đăng ký cấp phép và nhận nhiều ưu đãi từ CLB.
Hiện ở V-League tồn tại nhiều nhóm CĐV theo kiểu này, trong khi khác cơ quan quản lý thì ngại ngần khi cấp phép cho các Hội CĐV vì sự phức tạp của các tổ chức thiên về đam mê này.
Muốn được cấp phép, Hội CĐV phải có xác nhận từ chính CLB. Nhưng như đã nói, các CLB không mặn mà lắm với điều này dù họ rất muốn khán đài luôn có CĐV. Theo quan điểm của các CLB, thà bỏ tiền ra thuê đội cổ vũ còn đỡ rắc rối, chi phí thấp hơn việc vận hành một Hội CĐV.
3. Với thực trạng của các Hội CĐV như vậy nên việc giải thể của Hội CĐV Nam Định càng để lại nhiều suy nghĩ. Là một tổ chức được xem là chính qui, nhưng sau trận đấu có nhiều vấn đề của đội nhà với CAHN tại vòng 4 giai đoạn 2 Night Wolf V-League 2023, các CĐV này cũng đã có những hành động rất mạnh như ném trống, đốt cờ. Được quản lý, có tính chính danh mà còn mất kiểm soát thì hãy hình dung các phản ứng từ những nhóm Untras, Contras sẽ còn như thế nào …
Liệu khi xảy ra các sự việc đáng tiếc, CLB có liên đới trách nhiệm nào không bởi vì nói cho cùng, những phản ứng của CĐV đến từ thái độ thi đấu của đội bóng?
Những người làm chuyên môn có thể đưa ra nhiều cách giải thích, nhưng với Hội CĐV Nam Định thì họ chẳng biết giải thích thế nào khi những CĐV ở CLB khác nói rằng đội của họ thi đấu tiêu cực. Họ là một phần của CLB, nhưng những tổn hại của họ lại không mấy ai quan tâm.
Hội CĐV Nam Định quyết định giải thể vì họ nhận ra một sự thật đau lòng: CLB không quan tâm đến suy nghĩ của họ. Chúng ta có thể ra rả nói "Bóng đá không khán giả sẽ chết", nhưng khi Hội CĐV Nam Định tẩy chay các trận đấu đội nhà thì CLB nhanh chóng tìm thuê một nhóm cổ vũ tạo hình ảnh trên khán đài.
Những gì mà Hội CĐV Nam Định đã có suốt 10 năm qua đã tiệm cận đến hình thức mà ở đó các CĐV tham gia vào hoạt động CLB như quyền biểu quyết, quyền cổ phần cũng như quyền được tạo ra sự thay đổi ở đội bóng mà mình yêu.
Sự "ra đi" của Hội CĐV Nam Định là lời cảnh tỉnh cho bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, vì nó khẳng định: Con đường chuyên nghiệp còn rất xa. Thêm một lời cảnh tỉnh khác: Các CLB không thể nói suông mãi, không thể đầu tư vào bóng đá chỉ vì thành tích mà không quan tâm đến người hâm mộ, hay nói đúng hơn là lý do để đội bóng tồn tại.
CĐV có thể đến sân hoặc không, đó là quyền của họ, nên không thể đòi hỏi là đội đá bóng thì phải đến sân xem mới đúng là CĐV đích thực. Vì thế mới cần CLB đá trung thực, đá đẹp, đá hết sức vì màu cờ sắc áo. Vì thế mới cần đầu tư để nâng cao thành tích và thu hút CĐV đến sân.
Một khi chúng ta vẫn đang làm bóng đá theo kiểu "xuất hiện bất chợt, vô địch rồi tính tiếp", độ dài ngắn của đội bóng tùy vào số tiền dự kiến bỏ ra "một cục" thì chắc chắn là có hay không có CĐV cũng vậy thôi.
CĐV Nam Định "không còn niềm tin" với CLB
Tối ngày 9/8, Hội CĐV Nam Định quyết định giải thể, dừng mọi hoạt động cổ vũ bóng đá đối với CLB Nam Định. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Quân, đại diện Hội CĐV Nam Định, mặc dù Hội CĐV muốn đối thoại nhưng phía CLB vẫn luôn giữ im lặng. Sau thời gian dài cân nhắc, Hội CĐV Nam Định mới đưa ra quyết định giải thể.
"Khi niềm tin không còn, chúng tôi không thể tiếp tục. Chúng tôi có thể trở lại nhưng không biết bao giờ, có lẽ phải đến khi CLB đá thật sự cống hiến, thật đẹp, thật sạch.
Tôi nghĩ khán đài B sẽ vắng đi, nhưng vẫn còn nhiều người khác đến sân. Chúng tôi chỉ là một nhóm, không đại diện cho cả tỉnh được. Nhưng tôi nghĩ Thiên Trường sẽ buồn nhiều", ông Nguyễn Văn Quân chia sẻ.
Trước đó, theo thông báo từ Hội CĐV Nam Định, các thành viên Ban chấp hành CĐV Nam Định đã biểu quyết thông qua việc dừng mọi hoạt động cổ vũ trên sân. Hội sẽ bàn giao lại văn phòng cho Ban quản lý SVĐ Thiên Trường. Kể từ khi có thông báo này, Ban chấp hành Hội CĐV bóng đá Nam Định không liên quan đến các hoạt động cổ vũ bóng đá của các thành viên.
Ban chấp hành Hội cũng đề nghị các thành viên trong lúc tiến hành giải thể, tuyệt đối thực hiện nghiêm chỉnh mọi quy định của Ban tổ chức sân, Chính quyền địa phương cũng như quy định của Pháp luật. Ngoài ra, trang Facebook của Hội sẽ đổi tên thành "Bóng đá Nam Định xưa và nay" nhằm mục đích lưu giữ, phát huy hình ảnh truyền thống, phong trào bóng đá Nam Định…