Học sinh Hà Nội tiếp tục uống sữa học đường cho năm học 2019 - 2020
(Thethaovanhoa.vn) - Tại Hội nghị Tổng kết Chương trình Sữa học đường năm học 2018 - 2019 và đưa ra kế hoạch triển khai Chương trình Sữa học đường năm học 2019 - 2020 do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức chiều 6/8, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, bắt đầu từ ngày 6/9 tới, học sinh khối Mầm non và Tiểu học của Hà Nội sẽ tiếp tục uống sữa học đường cho năm học mới 2019 - 2020.
Theo đó, thời gian thực hiện chương trình sữa học đường năm học 2019 - 2020 sẽ bắt đầu từ ngày 6/9/2019 và kết thúc vào ngày 29/5/2020 - ngày kết thúc năm học. Theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương phải chỉ đạo các cơ sở giáo dục thống kê đầy đủ, chính xác số lượng trẻ theo học và trẻ tham gia Đề án theo diện thụ hưởng, tổng hợp, báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trước ngày 15/8/2019.
Ngoài ra, các Phòng Giáo dục tiếp tục triển khai các văn bản chỉ đạo tăng cường thực hiện Đề án, tổ chức tập huấn cho các trường, chú trọng việc thu gom vỏ hộp theo đúng quy trình, quy định.
- Bộ Y tế hướng dẫn về loại sữa tham gia Chương trình sữa học đường
- Hà Nội: Chương trình 'Sữa học đường' là không bắt buộc
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Xuân Tiến nêu rõ: "Chúng tôi yêu cầu các Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, thị xã chủ động kiểm tra các trường về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện đúng và đủ quy trình của Chương trình Sữa học đường theo quy định của Sở Y tế, cũng như tham mưu với UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND các phường, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân tại địa phương,... cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về Chương trình Sữa học đường đến phụ huynh để họ tự nguyện đăng ký tham gia".
Về phía nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu thực hiện tốt việc kiểm tra, rà soát bổ sung điều kiện bảo quản sữa, lưu mẫu sữa đảm bảo an toàn thực phẩm; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ phận, cá nhân tham gia triển khai Đề án đảm bảo đúng người, rõ việc; bố trí thời gian cho học sinh uống sữa học đường phù hợp, không trùng thực đơn sữa, đảm bảo lượng sữa một ngày theo quy định của Viện Dinh dưỡng quốc gia. Đặc biệt, thực hiện cho trẻ uống sữa ngay tại trường, không phát sữa để trẻ mang về.
Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ngay trong ngày 2/1/2019, ngày bắt đầu triển khai cho trẻ uống sữa theo Chương trình Sữa học đường, toàn thành phố đã có 64% trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa. Sau một tuần triển khai, 100% các trường Mầm non, Tiểu học công lập và 61,8% các cơ sở giáo dục ngoài công lập tham gia với tỷ lệ uống sữa đạt 73%.
Hằng ngày, song song với việc tiếp nhận bảo quản, tổ chức cấp phát và cho học sinh uống sữa tại trường đảm bảo các quy định an toàn thực phẩm, xử lý chất thải đúng quy định, các trường còn tuyên truyền, vận động để phụ huynh tiếp tục đăng ký cho trẻ tham gia Đề án, đảm bảo 100% gia đình có trẻ tham gia được cung cấp thông tin về lợi ích và ý nghĩa của Chương trình Sữa học đường.
Kết quả thực hiện đến hết năm học 2018 - 2019, toàn thành phố Hà Nội đã có 1.039.458/1.185.179 trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học tham gia, đạt 87,7%. Trong số đó, 16 quận, huyện có trên 90% số trẻ tham gia là: Mỹ Đức, Đan Phượng, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thạch Thất, Sóc Sơn, Ba Vì, Hoàn Kiếm, Quốc Oai, Mê Linh, Thanh Oai, Gia Lâm, Hoài Đức, Phúc Thọ, Thanh Trì, Chương Mỹ. Đơn vị có tỷ lệ tham gia Đề án cao nhất là huyện Mỹ Đức với 100% cơ sở giáo dục và 99,4% học sinh tham gia.
Tham gia Chương trình Sữa học đường, trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học hàng ngày được uống sữa tươi đúng tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế; được ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ kinh phí, gia đình chỉ đóng góp 47% giá trị hộp sữa, miễn phí đối với học sinh diện nghèo, cận nghèo, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc diện chính sách, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo, công bằng, bình đẳng trong cùng môi trường giáo dục, thực hiện đầy đủ Luật Trẻ em và Công ước quốc tế về Quyền trẻ em.
Theo ghi nhận trong năm học 2018 - 2019, ngoài việc được bổ sung dinh dưỡng, học sinh còn được giáo dục về ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường qua việc gấp hộp và bỏ hộp đúng nơi quy định./.
Nguyễn Cúc