Học người Nhật làm truyện tranh lịch sử
(Thethaovanhoa.vn) - Gần 2.000 trang của bộ truyện tranh đồ sộ Lịch sử thế giới mà NXB Giáo dục vừa phát hành không chỉ là câu chuyện về một xuất bản phẩm đơn thuần. Xa hơn, những gì mà người Nhật đã làm trong bộ manga đặc biệt này chính là gợi mở hữu ích cho một cách tiếp cận cũ mà mới: Đưa trẻ em đến với lịch sử bằng “cây cầu” truyện tranh.
1. Thực chất, đây không phải là bộ lịch sử thế giới bằng truyện tranh đầu tiên được biên dịch và xuất bản tại Việt Nam. Nhưng quy mô đồ sộ và một hệ thống dữ liệu vô cùng chi tiết được đưa vào sách đã khiến bộ manga Nhật Bản này tạo nên sự khác biệt.
Ở đó, 12 tập sách được biên soạn tương ứng với 12 giai đoạn khác nhau của lịch sử thế giới, trải dài từ trước Công nguyên cho đến đầu thập niên 2000 và mở rộng tới mọi châu lục. Để rồi, trong từng tập như Thời tiền sử và Ai Cập cổ đại, Sự hình thành châu Âu và thế giới Hồi giáo; Thập tự chinh và đế quốc Mông Cổ; Thời kì Phục hưng và Kỉ nguyên khai sáng; Cách mạng Pháp và cách mạng công nghiệp..., độc giả cũng không chỉ thấy những diễn biến lịch sử từ góc độ quân sự hay chính trị.
Đó còn là một biển mênh mông những thông tin về tôn giáo, kiến trúc, nghệ thuật, kinh tế, khoa học kỹ thuật... trải theo cả 2 biên độ không gian và thời gian, với gần như đầy đủ những gì vốn là một phần của lịch sử văn minh nhân loại. Và, người đọc lần lượt tiếp xúc từ những chiến dịch kinh điển như Waterloo cho tới những công trình kiến trúc vĩ đại như đấu trường Colosseum; từ những phát minh về động cơ hơi nước, xe ô tô... cho tới nguồn gốc của Cơ đốc giáo hay Hồi giáo; từ những bậc thầy vĩ đại của giai đoạn Phục Hưng như Michelangelo cho tới những chính trị gia như Julius Ceasar, Winston Churchill...
Đáng nói hơn, tất cả những kiến thức ấy đều được biên soạn theo ngôn ngữ truyện tranh, với đầy đủ tình tiết, nhân vật và diễn biến rất sống động. Đơn cử, những trang đầu của bộ sách là câu chuyện của những học sinh thời hiện đại với “nhiệm vụ” phải tìm hiểu về lịch sử qua bài luận - để rồi câu chuyện được mở ra từ đó. Và, ở những trang cuối cùng, cuộc gặp gỡ giữa một nhóm học sinh khác với người lính cứu hỏa trong sự kiện 11/9 đã “gói” lại thông điệp trong một lời ngắn ngọn: Lịch sử cho tương lai luôn được xây dựng từ chính mỗi con người.
“Bộ sách mặc dù vận dụng một số thủ pháp tiểu thuyết và comic hóa nhân vật, song các dữ liệu dường như khá chuẩn chỉ. Đọc kỹ sẽ thấy, sách trông có vẻ nhẹ nhõm nhưng công sức bỏ vào chắc chắn không ít tí nào" - nhà văn Nguyễn Trương Quý nhận xét.
2. Lịch sử thế giới được biên soạn tại Nhật Bản bởi một nhóm các họa sĩ và nhà sử học khá nổi tiếng. Trong đó, chủ biên bộ sách là Jiro Kondo, GS tại Đại học Waseda. Tại Việt Nam, như lời công ty Edibooks, đơn vị thực hiện nội dung cuốn sách, quá trình triển khai dịch và biên soạn bộ sách kéo dài trong gần 2 năm trời.
“Nhật có những yêu cầu rất cơ bản về quy chuẩn chữ và tranh trong những trường hợp này. Chẳng hạn, phần chữ không thể quá bé, để các em dễ dàng theo dõi. Do vậy, chúng tôi phải mất công điều chỉnh gần như từng ô chữ và tranh” - anh Quốc Cường, Giám đốc Edibooks, cho biết.
Vất vả vậy, nhưng cũng theo Cường, việc mua bản quyền và chuyển ngữ Lịch sử thế giới là một dự án xứng đáng để theo đuổi- khi mà để ra đời một bộ sách như vậy, bên cạnh đội ngũ họa sĩ và chuyên gia lịch sử, phía Nhật Bản đã phải huy động thêm kiến thức của nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau. “Đây là bộ sách đã dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Và thật lòng, tôi rất mong muốn một ngày nào đó, ta có những bộ sách lịch sử Việt Nam như vậy cho học sinh” - anh nói.
Nguyễn Quốc Vương, một trong các dịch giả chính của bộ sách, chia sẻ thêm: “ Đây là bộ sách rất ổn từ tranh, nội dung, cách thức tiếp cận và trần thuật. Đặc biệt phần giải thích của nhà sử học sau phần manga cùng phần tư liệu, phụ lục rất thú vị. Giáo viên hoàn toàn toàn có thể dùng nó làm tài liệu tham khảo cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở, cũng như thiết kế bài giảng cho mình”.
Thực chất, trong nhiều năm qua, các bộ truyện tranh về lịch sử Việt Nam đã dần xuất hiện với nỗ lực của người làm nghề, trong đó nổi bật là bộ Lịch sử Việt Nam bằng tranh của NXB Trẻ, tái hiện toàn bộ chiều dài lịch sử dân tộc, từ thời đại nguyên thủy đến tận ngày nay. Tuy nhiên, như nhận xét của người trong nghề, những bộ sách này rất tốt về mặt nội dung, nhưng vẫn đơn điệu về mặt thể hiện - khi phần tranh chủ yếu dừng ở mức minh họa nội dung trong sách.
Theo nhận định của giám đốc Edibooks, việc làm một bộ tranh truyện thật sự hấp dẫn và có sức hút là điều phần nào khả thi với đội ngũ tác giả và họa sĩ Việt Nam hiện tại. Tuy nhiên, nhìn vào cách số lượng chuyên gia đồ sộ tham gia vào Lịch sử thế giới nhằm đảm bảo bộ sách hấp dẫn nhưng vẫn có độ chuẩn xác về lịch sử, có thể thấy kinh phí cho một bộ sách như vậy là rất lớn. Có nghĩa, đó phải là câu chuyện về sự quyết tâm, và cả cơ chế phù hợp để khuyến khích đầu tư.
Sơn Tùng