Hoàng Mập: "Ngoài miền Bắc không có phim chiếu rạp là đúng"
"Phim chiếu rạp đa số là hãng tư nhân làm. Hãng phim nhà nước mỗi năm chỉ làm 1-2 phim dự thi theo chỉ thị của bộ, của sở nên phim rạp phía Nam mạnh hơn phía Bắc là phải. Cả giới làm phim đều nhìn nhận ra vấn đề đó" - Hoàng Mập nói.
Nhìn vào thị trường phim Việt những năm gần đây, có thể thấy, truyền hình phía Bắc khá "hoành tráng". Không chỉ có nhiều bộ phim hay mà đoàn phim còn được đi quay ở nước ngoài. Trong khi đó, phim truyền hình phía Nam lại rơi vào trạng thái đều đều, bình lặng.
Ngược lại, phim chiếu rạp thì phía Nam làm rần rần, liên tục có phim mới với doanh thu khủng hàng trăm tỷ đồng nhưng miền Bắc thì không được như vậy.
So sánh chất lượng, độ hoành tráng là khập khiễng
Bàn về câu chuyện này, đạo diễn Hoàng Mập nói: "Phim truyền hình ngoài Bắc được đầu tư rất nhiều tiền, 1 tập 400-500 trăm triệu và là tiền ngân sách nhà nước rót xuống. Họ được đầu tư kỹ càng mọi khâu, từ đầu đến cuối.
Trong khi đó, thị trường phim truyền hình phía Nam, đa số là các hãng tư nhân. Phim bán không được thì làm sao tư nhân dám đầu tư nhiều tiền. Chỉ khùng như tôi mới đưa đoàn phim ra nước ngoài quay thôi (cười).
Phim đã có khung giá chung, đầu tư nhiều hay ít cũng bán giá vậy thôi. Trong Nam hiếm lắm mới có TFS là hãng phim nhà nước. Ngay cả phim chiếu trên Vĩnh Long cũng là tư nhân đầu tư. Vậy thì họ phải tính toán: thể loại phim xưa, thể loại phim tình cảm, thể loại phim hình sự… bao tiền một tập. Họ không thể đầu tư quá số tiền đó để bị lỗ được".
Hoàng Mập nói thêm: Tôi nghĩ cũng không nên so sánh, phim này dở, phim kia hay mà hãy hỏi, số tiền họ được đầu tư là bao nhiêu. Nói về chất lượng, độ hoành tráng thì phải coi lại tiền đầu tư. Bởi vì đầu tư 500 triệu 1 tập sẽ khác với đầu tư 150 triệu 1 tập. So sánh sẽ rất khập khiễng. Quan trọng là phim có hợp thời đại, có hợp thị hiếu người xem hay không.
Chừng nào cùng bỏ 150 triệu, 200 triệu để làm 1 tập phim mới so sánh ai hay hơn, hấp dẫn hơn được. Làm trau chuốt sẽ khác, làm chạy cho kịp tiến độ sẽ khác. Quay 1 ngày vài ba phân đoạn sẽ khác quay mấy chục phân đoạn 1 ngày.
Tiền ít mà đòi chất lượng cao, hấp dẫn thì làm sao làm được. Cũng là bộ phim mấy chục tập mà người làm 1-2 tháng, người làm 6-7 tháng thì phải khác nhau chứ".
Hãng phim tư nhân cạnh tranh rất khốc liệt
Về phim chiếu rạp, đạo diễn kiêm ông chủ hãng phim Hoàng Thần Tài nói: "Ngoài Bắc không có phim chiếu rạp là đúng vì hầu hết các diễn viên đều nằm trong biên chế nhà nước.
Họ ra trường là về nhà hát, công tác tại các đoàn nhà nước. Ai cũng rất nhiều huy chương vì mỗi năm đều có hội diễn, hội thi. Đủ huy chương là được phong Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân.
Ngoài Bắc, hiếm có công ty tư nhân nào tồn tại và phát triển như trong Nam. Phim chiếu rạp đa số là hãng tư nhân làm".
"Nói chung, hãng phim tư nhân thì cạnh tranh khốc liệt, muốn tồn tại, phát triển thì bắt buộc phải làm phim cho hay, cho đúng thị hiếu. Nhà sản xuất Dung Bình Dương chẳng hạn, làm 2-3 phim chiếu rạp mà lỗ hết thì làm sao dám làm tiếp. Đồng tiền đi liền khúc ruột. Ai bỏ tiền ra cũng xót.
Nghệ thuật không giống những nghề kinh doanh buôn bán bình thường. Nó khác nhiều so với kinh doanh nhà hàng, đất đai... biết rõ mua bao nhiêu, lời bao nhiêu. Còn làm phim rất hên xui, phụ thuộc thị hiếu khán giả, phải đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về chiến lược PR, quảng cáo, nhà đầu tư… rất nhiều thứ mới có thể tồn tại" - Hoàng Mập nói.