Họa sỹ Lương Xuân Đoàn: 2 bức tranh khác nhau!
Phố xá chật chội, bãi gửi xe đông cứng xe đạp - một người bình thường nhất cũng có thể bắt gặp hình ảnh ấy ở bất cứ đâu. Dũng vẽ Mảnh hồng, Lấp ló ở cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, còn Khởi vẽ Dưới mưa ở thời điểm hiện tại, khi xe đạp bị xe máy “chiếm chỗ” trong đô thị khá nhiều. Việc đặt ra câu hỏi các bức tranh của Dũng và Khởi giống nhau tới đâu, tôi nghĩ giới mỹ thuật có thể cùng đánh giá. Muốn vậy, phải xem kỹ và phân tích những cái gọi là cảm hứng sáng tạo, kỹ thuật tạo ra phong cách, ngôn ngữ... của 2 bức tranh tùy thuộc vào con mắt của mỗi người.
Theo cảm nhận riêng của tôi, chưa kể tới sự khác biệt về thể loại thì đó vẫn là 2 bức tranh với những ý tưởng nghệ thuật khác nhau, có ngôn ngữ và rung động khác nhau, cho dù có thể gần nhau vì được khơi gợi từ một thực tế. Mảnh hồng của Trần Công Dũng là bức tranh sử dụng nền đen và thuộc hình thức sơn khắc, có sự khúc chiết mạch lạc rất cao nhưng lại vừa phải, chừng mực về yếu tố cảm xúc. Đó có thể là một cách Trần Công Dũng chia sẻ những vấn đề của xã hội đương đại và cộng vào đó một số suy tư, hoài niệm riêng của mình. Ở Dưới mưa, Nguyễn Đức Khởi có bút pháp thể hiện cảm xúc khá mạnh mẽ trên tranh sơn dầu. Phía xa là những đám đông trong cơn bão lũ, gần hơn là những chiếc xe đạp được phủ bởi các tấm ni lông, Dưới mưa phản chiếu đời sống nội tâm và sự đồng cảm, gần gũi với những gánh nặng mà con người đang gánh chịu trong cuộc sống đương đại. Chắc chắn là Khởi phải nghiên cứu thực tế rất kĩ trước khi vẽ bức tranh này.
Bức Dưới mưa của Nguyễn Đức Khởi (trái) và 2 bức Mảnh hồng (trên), Lấp ló (dưới) của Trần Công Dũng
So sánh, cá nhân tôi thích Dưới mưa hơn, thích cảm giác về sự buồn bã, nhiều ẩn ức của Nguyễn Đức Khởi. Đối với hội họa trẻ ngày nay, việc 2 tác phẩm khiến người xem gợi nhớ, liên tưởng tới nhau là bình thường. Nhưng vì thế mà nói Khởi “đạo tranh”, hay thậm chí là “ảnh hưởng nặng” từ Trần Công Dũng là không đúng. Sự gần nhau về ý tưởng ở đây chỉ giống như 2 con đường song song bên nhau của những tác giả cùng nhìn về xã hội đương đại, cùng bận tâm trước những vấn đề của giai đoạn đô thị hóa mà thôi.
Là người có tuổi, tôi nghĩ cả 2 họa sĩ nên thu xếp có buổi gặp nhau để nói chuyện một cách cởi mở hơn. Trong mỹ thuật, một nhóm tác giả có cùng quan niệm nghệ thuật nhưng khác nhau về ngôn ngữ vẫn có thể tạo ra những tác phẩm riêng biệt, từ đó khiến khuynh hướng nghệ thuật chung của mình trở nên phong phú hơn là cống hiến của từng cá nhân riêng lẻ”.
PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội: Chịu ảnh hưởng cả về góc nhìn và ý tưởng
- Tôi đồng ý rằng hai bức tranh có một số điểm khác nhau. Nhưng phải nói rõ rằng sự khác nhau ấy là tất yếu, bởi mỗi bức tranh được vẽ trên một chất liệu riêng. Cụ thể, là tranh sơn dầu, Dưới mưa phải đảm bảo tính hiện thực, còn bức tranh sơn khắc Mảnh hồng phải “xa xôi” và trừu tượng hơn. Để so sánh 2 bức tranh khác nhau về chất liệu, chúng ta chỉ còn cách tính đến ý tưởng và nội dung thể hiện. Đây mới là yếu tố quyết định về sự giống/khác nhau. Theo tôi, có cơ sở để nói bức vẽ sau (của Nguyễn Đức Khởi- TT&VH) chịu ảnh hưởng từ sự “gợi ý” của bức tranh trước.
* Ông có thể phân tích sự “ gợi ý” ấy?
Bức Mảnh hồng của Trần Công Dũng có ý tưởng rất rõ. Cách vẽ của Dũng có tay nghề cao, buộc người xem phải nhìn xe đạp theo cách hồi tưởng về quá khứ. Nôm na, quần thể xe đạp ấy gợi nhớ về một giai đoạn lịch sử đã qua, giai đoạn mà Hà Nội chắc rằng có nhiều xe đạp nhất so với các thủ đô trên thế giới (cười). Nhớ về thời ấy, hẳn cảm giác về sự vất vả, tần tảo, truân chuyên... là âm hưởng chính trong hoài niệm của mỗi người. Bức Dưới mưa cũng dùng quần thể xe đạp để gợi cảm giác tương tự. Anh Khởi đưa thêm những tấm vải mưa trong suốt trùm lên những chiếc xe đạp và xa xa là những con người tụm vào nhau, cách vẽ như vậy tô đậm thêm ý tưởng về những nỗi vất vả của con người.
Nếu có sự khác biệt, thì những mảnh trùm lên chiếc xe đạp trong Mảnh hồng chỉ mang dáng dấp của những mảnh rơi, mảnh vụn không đầy đủ. Ở Dưới mưa, ý tưởng được phát triển cao hơn: cũng là những mảnh rách không đủ che chiếc xe đạp nhưng có chủ ý, mục đích sử dụng để che mưa một cách rõ ràng. Nghĩa là những tấm che của 2 bức tranh có độ chênh nhau. Nhưng nếu thiếu ý tưởng chính, thì sáng tạo về mảnh che của anh Khởi cũng không giữ vai trò quan trọng.
* Nếu đặt vấn đề đây chỉ là chuyện “gặp nhau” về ý tưởng chứ không phải “ảnh hưởng” thì ông nghĩ sao?
- Nếu có chuyện đó thật thì ta đành coi rằng anh Khởi là người đi sau và chịu thiệt thòi. Bởi vô tình, tranh của anh có ý tưởng khá giống với ý tưởng của Trần Công Dũng, thậm chí là giống cả về bố cục khi cũng sử dụng bố cục chiều ngang, cũng nhìn những chiếc xe đạp từ phía sau. Những điểm độc đáo ấy khiến Dưới mưa hấp dẫn hơn, nhưng cũng “làm hại” Khởi vì gợi nhớ tới tranh của Dũng.
* Quan điểm của ông về vụ việc này?
- Dư luận rõ ràng có quyền đặt vấn đề là bức Dưới mưa chịu ảnh hưởng từ Trần Công Dũng cả về phong cách, góc nhìn, ý tưởng... Đặt vấn đề như vậy để thảo luận, chứ không nhất thiết là để ép anh Khởi phải công nhận chuyện đó. Thực ra, chịu ảnh hưởng của người khác cũng là chuyện thường gặp, kể cả việc tay nghề đuối hơn người đi trước nên không thoát ra được sự ảnh hưởng ấy và chưa có nét riêng của mình.
Điều tôi muốn nói ở đây là việc bức Dưới mưa của anh Khởi được trao giải Đồng tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc vừa rồi. So với những gì mà Trần Công Dũng đã làm, thì Dưới mưa không có gì quá mới mẻ và cũng không có nhiều ý tưởng riêng, vậy việc trao giải như vậy có xứng đáng hay không?* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Kỳ cuối: Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Trung: Sự việc này cần được bàn luận công khai, nghiêm túc
Chiêu Minh (thực hiện)