Họa sĩ Võ Xuân Huy & triển lãm sắp đặt trong lòng đất đầu tiên tại Việt Nam
Đối thoại giữa quá khứ và hiện tại, mặt đất và bầu trời, mang một chút thiền, có sự kế thừa yếu tố văn hóa dân gian và tiếp thu nghệ thuật “sử kể chuyện” từ Mỹ... là những giá trị mà họa sỹ Võ Xuân Huy muốn gửi vào.
Gặp Võ Xuân Huy tại Thừa Thiên- Huế khi anh vừa từ Quảng Trị trở vào. Dù công việc tất bật vì giai đoạn cuối cùng của dự án nghệ thuật đặc biệt trên, nhưng vẫn đủ thời gian cho chúng tôi một cuộc trò chuyện:
* “Xuống đất gặp trời” là triển lãm sắp đặt đầu tiên trong lòng đất. Điều đó khiến không ít người tò mò về dự án này?
- Tôi sinh ra ở Vĩnh Linh nên từ trong vô thức và tiềm thức mình đã bị ám ảnh bởi chiến tranh. Giống như nước từ khe ra suối, suối ra sông, sông ra biển, mình đã trưởng thành, từ quê ra phố, từ phố ra nước ngoài để làm các triển lãm. Đã đến khi phải quay lại quê hương để làm gì đó cho quê mình.
Triển lãm được khởi động từ tháng 11/2014 và sẽ khai mạc vào tháng 5 năm nay, gồm hai phần: trình diễn và sắp đặt. Trình diễn: đưa vào lòng đất những quả bóng bay, tượng trưng cho lễ hội, hạnh phúc, sự vui vẻ, như một cuộc đối thoại giữa hiện tại và quá khứ. Rồi có một cửa nào đó, bóng bay sẽ từ trong lòng đất bay lên trời. Nó rất kỳ dị và siêu thực.
Phần sắp đặt sẽ đưa bầu trời vào trong lòng địa đạo. Trong lòng đất tối tăm, người ta gặp trời nhưng không bằng cách thông thường ngửa mặt lên mà chỉ cần cúi xuống. Khoảng 30 bức ảnh về bầu trời do chính tôi chụp sẽ được đặt vào địa đạo. Thậm chí sẽ làm trời cho người ta đi lên trên luôn. Gần nửa năm qua, tôi đã đi nhiều nơi ở Quảng Trị, phỏng vấn người dân về việc đào hầm, cuộc sống thời chiến tranh…và tôi sẽ chiếu phóng sự ấy trong triển lãm. Ngoài ra, còn có sắp đặt ánh sáng trong lòng đất.
* Chỉ nghe cái tên của triển lãm thôi cũng thấy phi logic...
- Ở làng trạng Vĩnh Hoàng (Quảng Trị) có một câu chuyện truyền miệng là khi người dân đào hầm, họ đã đào sâu đến mức gặp trời bên Cuba luôn. Nguồn cảm hứng của tôi được thai ngén từ ấy. Nói cách khác, triển lãm sẽ sử dụng yếu tố dân gian bằng ngôn ngữ mới.
Quá trình tiếp xúc với người dân cho tôi sự hồi cố về quá trình hình thành địa đạo bằng nhiều góc nhìn khác nhau. Tôi áp dụng phương pháp của Mỹ mà bây giờ người ta hay dùng, gọi là “sử kể chuyện”, bắt đầu từ những thân phận nhỏ. Bên cạnh đó, tôi còn mang yếu tố thiền học “cầu trôi mà nước không trôi”, nhìn cái tĩnh trong cái động và ngược lại. Ánh sáng sắp đặt trong lòng tối sâu khoảng 23m, một giá trị đặc biệt trong hoàn cảnh không bình thường để người xem thấy được giá trị từ những điều bình thường.
Qua đó, tôi muốn gửi đến thông điệp: di tích lịch sử không chỉ phô bày quá khứ mà nó còn mang vác những giá trị cho hiện tại, cho nghệ thuật đương đại. Triển lãm không đơn thuần cho người xem cảm giác thuận chiều lịch sử mà tự bản thân họ sẽ luận ra các giá trị khác. Đối thoại trong lòng đất để thấy được bầu trời.
* Được biết, dự án nghệ thuật này của anh có kinh phí hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa. Đó là niềm mơ ước của không ít nghệ sỹ khi thực hiện một dự án nghệ thuật.
- Đề án của tôi được mọi người đọc, thấy hay và giúp đỡ, đặc biệt là quỹ CDEF- Quỹ Phát triển và Trao đổi Văn hóa Đan Mạch - Việt Nam
Tuy nhiên, tôi nghĩ việc tìm tài trợ sẽ không gặp khó khăn lắm nếu đề án triển lãm của chúng ta viết tốt. Một mặt, chúng ta phải có một CV, một quá trình hoạt động nghệ thuật lâu dài để người ta thấy được. Vì thế, các bạn cứ cống hiến cho nghệ thuật hết mình đi, để có CV tốt, được người ta biết đến nhiều, sau đó, với dự án lớn của riêng mình sẽ được nhiều người giúp sức.
* Cảm ơn anh về cuộc trao đổi!
Võ Xuân Huy sinh năm 1970, tại Quảng Trị. Hiện là Giảng viên trường Đại học Nghệ thuật Huế. Anh được biết đến với các triển lãm cá nhân nổi bật: Biến thể, Lúa mạ, Tháp lúa, Cố đô, Tự sự, Vọng…Ngoài ra, anh còn tham gia các hoạt động và triển lãm nhóm khác: Vietnam Art, Không gian của mặt trời, New Spring, Bốn mùa…Năm 2008 giành tặng thưởng Tác giả trẻ, UBTQ các hội LHVHNT Việt Nam. Năm 2011, giải C triển lãm khu vực bắc miền Trung. |
Hồng Thúy (hực hiện)
Thể thao & Văn hóa