Họa sĩ Trần Nhật Thăng: Vẽ là tu thân
Mỹ cảm là thứ “hàng xa xỉ” của xã hội
* Hội họa Việt Nam không có nhiều họa sĩ chỉ chuyên vẽ tranh trừu tượng. Hoặc có khi, họ thường vẽ tranh có hình rồi lâu dần mới chuyển hướng nghệ thuật của mình sang vô hình - trừu tượng. Anh vẽ trừu tượng ngay khi vừa tốt nghiệp đại học và bắt đầu công bố các sáng tác đầu tiên của mình, năm 1996. Những lý do gì khiến anh “chung thủy” với dòng tranh này?
Bức tranh tôi yêu số 2, acrylic trên toile, kích thước: 3x3mx0,7m |
* Xét ở một khía cạnh xã hội, anh có đồng ý rằng mỹ thuật Việt Nam vốn còn ít nhiều xa cách với công chúng số đông, trong đó tranh trừu tượng càng có tính chất “đánh đố” cảm nhận, sức hiểu của họ không?
- Tôi đồng ý là tranh trừu tượng nói chung rất khó xem, lại càng khó bán. Song tôi không đồng ý là nó “đánh đố” người xem nói chung. Vấn đề ở đây lại chạm đến quan điểm giáo dục và cơ chế cho giáo dục nghệ thuật của chúng ta. Tôi nghĩ là từ lâu nay, cái cách giáo dục áp đặt hơn là khuyến khích sự thử nghiệm, sáng tạo khiến cho chúng ta quen đặt câu hỏi “đây là cái gì?” trước một bức tranh hơn là một động cơ chủ động cảm nhận và suy luận về nghệ thuật thể hiện trên bức tranh ấy.
* Đó quả là một câu chuyện quá rộng. Nhưng nếu nói về ý nghĩa xã hội đương thời của những bức tranh trừu tượng của anh thì anh sẽ nói thế nào?
- Tôi nghĩ là những bức tranh của tôi là sản phẩm của một nội lực sáng tạo mạnh mẽ, một thế giới tình cảm phong phú của nghệ sĩ và một sự hiểu biết nhân tình thế thái. Tranh của tôi không phải là hàng nhái, không phải hàng chợ nên tôi chắc là chúng sẽ đem lại rung cảm thực sự cho người xem về một vẻ đẹp của tinh thần con người, về một nguồn mỹ cảm.
Tôi không cho rằng phải đề cập đến các vấn đề cụ thể của một lớp người cụ thể nào đó trong xã hội, thì một tác phẩm nghệ thuật mới có ý nghĩa xã hội nhất định. Đó là một cách nghĩ thực dụng, biến mỹ cảm thành một món hàng quá ư xa xỉ và làm tổn thương nó. Đã có thời họa sĩ của mình ào đi vẽ về chiến tranh, khi mở cửa kinh tế thì lại ào đi vẽ “chim, hoa, cá, gái” để kiếm tiền... Tôi không cho đó là việc dở, song tôi vẫn nghĩ rằng hội họa là cái không thể dùng lý trí định đoạt được. Anh ào đi theo thời cuộc là anh đang dùng lý trí để làm nghệ thuật. Nghệ thuật nên là cái tự thân con người anh, bức tranh sẽ nói rõ về con người anh hơn hết; vì vậy, lý trí chỉ có tác dụng giúp anh biến nghệ thuật thành một công cụ để làm việc khác hơn là thành một bức chân dung tinh thần của anh...
* Anh đang ngụ ý rằng trong thời buổi kinh tế thị trường này, mỹ cảm là món hàng xa xỉ với chính nghệ sĩ mỹ thuật, huống chi là chúng dân...
- Tôi không nói “vơ đũa cả nắm” đâu. Tôi nghĩ đến điều này từ lâu và chủ động phòng tránh tình trạng “lý trí dẫn đường nghệ thuật” cho chính mình. Thực ra, một xã hội ra sao thì nghệ thuật cùng tương đồng như vậy, nó là một hệ quả đồng bộ. Tôi hay nghĩ đến các tiểu tiết trong đời sống hiện nay, chẳng hạn như chuyện người ta rải đinh trên đường quốc lộ hay ăn cắp đến cả mấy chữ logo gắn ở đuôi xe ô tô. Những biểu hiện thực dụng đáng sợ đến vậy nói lên điều gì? Và tình trạng mỹ cảm là món hàng xa xỉ của xã hội sẽ luôn đúng trong một thời gian rất dài nữa...
Vẽ là tu thân
* Anh có vẽ tranh hàng ngày không?
- Tôi không làm được việc đó. Có khi hàng năm chỉ chơi, hoặc làm cái gì đó khác cùng bạn bè. Song khi tôi đã vào cuộc vẽ, ví dụ như cả 39 bức tranh lớn nhỏ trong triển lãm này, tôi vẽ xong trong ba đêm. Còn cả khoảng thời gian trước ba đêm ấy, mình luyện cái tư duy của mình nhờ vào chính đời sống, quan sát, suy nghiệm, va chạm,...
* Khoảng cuối tháng 3/ 2008, tôi lên xem tranh mới của anh trên xưởng. Cũng vẫn loạt tranh chỉ hai màu đen và trắng. Tôi đã thực sự phân vân với ý nghĩ đây là tranh hay còn là một cái gì đó khác nữa...
- Tôi hiểu ý chị. Chắc là vì khi đó, tôi đã giải thích về việc vẽ tranh bằng chổi nan cán dài ba, bốn mét, phải không? (cười).
* Anh có thể miêu tả cái tâm trạng của anh khi vẽ tranh?
- Nó lơ mơ thế nào ấy. Có khi tôi bày cả loạt khung toile ra sàn rồi “phang” ào ạt những nhát chổi thấm đẫm acrylic. Có đêm tôi hoàn thành hơn chục bức... Nghe qua thì rất khó tin, nhỉ? Song đường nét trên tranh của tôi chắc chắn sẽ áp đặt người xem hai điều: thứ nhất, tôi không vẽ thuần bằng lý trí, không nắn nót từng chi tiết trên tranh bằng lý trí; thứ hai, tôi không lặp lại tác phẩm của mình, cảm hứng không thể đến hai lần như nhau để có những bức tranh hoặc tương tự nhau, hoặc vô hồn, phải không chị?
* Vậy anh quán xuyến cái không gian tranh của anh bằng cách nào, trong khi anh hầu như luôn nói không vẽ bằng lý trí?
- Hầu hết các bức tranh của tôi sau khi hoàn thành, đều bị úp mặt vào tường. Một thời gian sau, tôi mới đem chúng ra ngắm nghía. Tôi nhận thấy là tôi quán xuyến không gian không đến nỗi nào. Bằng cách nào thì tôi cũng không thể nói cho đến ngọn ngành được, song tôi nghĩ cơ bản là bằng vào những trải nghiệm nghề nghiệp và nhất là sự tích tụ từ rất lâu của những suy nghĩ về việc mình sẽ vẽ gì trước khi bắt tay vào vẽ... Tất cả tích tụ lâu dần nên khi nó được trải ra trên mặt toile là khi nó đã “chín” một cách tự nhiên. Triển lãm lần này có những bức tranh rộng 8,5m2, nếu tôi không tự tin với khối tích tụ suy nghĩ, cảm xúc kia, chắc chắn tôi không dám đặt làm toile lớn đến vậy.
* Anh vẽ bằng chổi nan, cây phất trần. Thông tin này chắc sẽ ít nhiều gây “sốc” cho bạn đọc. Vậy đâu là ranh giới giữa tranh trừu tượng và sự bôi bẩn nhỉ?
- Sự bôi bẩn cố tình của người lớn với nghệ thuật thì quả là gây hại, nhưng sự bôi bẩn vô thức của trẻ em thì có lẽ lại làm nên những bức tranh đẹp. Luận về chuyện này thì vô cùng, tôi nghĩ vậy. Riêng với tranh trừu tượng của tôi và ranh giới của nó với sự bôi bẩn, tôi sẽ nói rằng, ranh giới đó chính là nội lực mạnh mẽ và cảm hứng khi cầm “bút” vẽ của tôi, khiến cho các bức vẽ có độ rung thực của tình và cảm, khiến cho người xem không thể vô cảm được.
* Anh tự tin hoàn toàn?
- Để có được ba đêm vẽ trọn vẹn, tự nhiên, tôi trải qua rất nhiều thời gian không cố gắng vẽ mà chỉ cố gắng sống và chủ động tách mình ra khỏi sự bụi bặm hay vụn vặt trong suy nghĩ. Tôi quan niệm, vẽ là tu thân nên tôi tự tin.
Danh tiếng cũng rất cần
* Có lần anh nói thực tế mình chưa phải một họa sĩ danh tiếng. Nghĩa là anh cũng nghĩ đến “danh tiếng”. Ý nghĩ này liệu có mâu thuẫn với ý niệm vẽ là tu thân trên kia?
- Ý niệm tu thân trong việc vẽ của tôi có hàm nghĩa là tôi không xem nghệ thuật là một công cụ kiếm lợi, mà là một công cụ để tu dưỡng bản thân. Còn việc danh tiếng lại là cái trời cho, nên không có gì mâu thuẫn ở đây cả. Nói cho cùng, danh tiếng đối với một họa sĩ như tôi cũng cần chứ, vì danh tiếng đi liền với tiền bạc. Đồng tiền thật là quan trọng. Nó giúp mình làm được nhiều thứ khác ngoài tranh pháo, như xây dựng một trường học tử tế về phương pháp giáo dục, như có thời gian viết một cuốn sách cho thiếu nhi, hay thậm chí là một chuyến đi Bắc Hà uống rượu với thắng cố thỏa thích...
* Đợt triển lãm này có phải là một sự chủ động từ phía anh để tạo thời cơ cho nguồn lộc trời kia đến nhanh hơn?
- Tôi muốn bày triển lãm này vì tôi tự tin vào vẻ đẹp tinh thần của các bức tranh của tôi, và tôi muốn giới thiệu vẻ đẹp đó đến cộng đồng để có một chút đóng góp xã hội. Đóng góp xã hội của tôi thì không thể “hoành tráng” như một công trình phúc lợi công cộng hay một quỹ từ thiện, song tôi cho rằng một triển lãm tranh đẹp vẫn cần cho đời sống, cho dù đó là một đời sống còn bụi bặm và thực dụng...
* Nhân nói đến chuyện danh tiếng, bố của anh, đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng Trần Văn Thủy, có khi nào nói chuyện với anh liên quan đến chủ đề “danh tiếng”- thứ mà ông ấy có từ rất lâu rồi?
- Thú thực, bố tôi và tôi không có nhiều tương đồng về quan niệm thẩm mỹ và nghệ thuật; có lẽ vì thế mà những câu chuyện kiểu như chị đề cập hầu như chưa từng xảy ra...
* Vậy có khi nào ông ấy đưa ra một nhận xét gì về tranh của anh không?
Thành công ấn tượng gần đây nhất của Trần Nhật Thăng là vào tháng 10/ 2008, anh có tranh lọt vào vòng chung khảo (gồm 30 bức) - Giải thưởng Mỹ thuật châu Á Sovereign (Sovereign Asian Art Prize) của Quỹ Nghệ thuật Sovereign (Sovereign Art Foundation, www.sovereignartfoundation.com), trực thuộc tập đoàn Sovereign toàn cầu. Giải thưởng có một ban giám khảo gồm các nghệ sĩ và curator, nhà sưu tập nghệ thuật châu Á hàng đầu, như Uli Sigg - nhà sưu tập nghệ thuật đương đại Trung Quốc bậc nhất; Peter Aspden - nhà phê bình nghệ thuật của tạp chí Financial Times; Xu Bing - nghệ sĩ đương đại Trung Quốc nổi danh thế giới...
- Cũng không. Nhưng lại có những điều mà bố làm cho tôi rất cảm động và biết ơn ông. Ví dụ, một lần, trong một cuộc chuyện trò gia đình, ông nhắc đến một chuyện của tôi hồi trẻ con. Khi đó, tôi học cấp một, có rủ một cậu bạn hàng xóm đi sinh nhật bạn. Tôi tự chuẩn bị một món quà mang đi, thấy bạn kia lại đi tay không, thế là tôi phê bình cậu ấy không lịch sự, rồi sau đó tính cách chia đôi gói quà của mình, để hai đứa cùng có quà đi tặng bạn... Bố có nói đó là kỷ niệm mà bố rất nhớ về tôi, vì thấy tôi là người từ nhỏ đã tự có ý thức quan tâm và san sẻ cho người khác... Nhận xét của ông khiến tôi ngộ ra là ông vẫn hàng ngày quan sát và suy nghĩ về tôi, ngầm động viên tôi và tin tôi luôn sống lịch thiệp với đời. Như vậy là đủ với tôi - một người con - rồi.
* Về phía anh, nếu nói ngắn gọn về những bộ phim làm nên danh tiếng cho bố, anh có thể nói gì?
- Đối với tôi, đó là những bộ phim tài liệu chính trị, xuất phát từ cái nhìn chính trực, sòng phẳng của ông về xã hội, thời cuộc. Những bộ phim của ông chứng tỏ ông là một người rất quyết liệt trong nghề nghiệp, điểm này, tôi có lẽ được thừa hưởng từ ông và tôi thực sự trân trọng cũng như thêm phần tự tin là rồi mình cũng sẽ có được những kết quả nghề nghiệp tương ứng...
* Anh vừa nói rằng anh có thể viết sách cho thiếu nhi nếu như anh có tiền bạc để không phải bận tâm kiếm sống. Nếu được vậy, anh sẽ viết gì?