Hoạ sĩ Trần Ngọc Sinh: Người đứng bên lề thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà văn thường vẽ khó đẹp, còn họa sĩ khi đã đam mê viết, thì sự sáng tạo ngôn ngữ lại mãnh liệt, mang đến những trang văn vừa lạ, vừa hay. Chúng ta từng có Đỗ Phấn, Nguyễn Ngọc Thuần, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Thúy Hằng… nay xuất hiện cái tên tưởng mới nhưng thực ra rất quen: Trần Ngọc Sinh với truyện Phnom Penh (NXB Trẻ, 2015) vừa phát hành.
Họa sĩ Trần Ngọc Sinh tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM, anh đã có nhiều tác phẩm cá nhân gồm hội họa, điêu khắc và sắp đặt, chủ yếu triển lãm ở nước ngoài, vậy nhưng nghề nghiệp chính của anh lại là biên tập viên của Nhà xuất bản Trẻ.
Họa sĩ Trần Ngọc Sinh
Người sinh ra để đi…
Đọc những ngôn từ hiếm hoi anh viết, đặc biệt giới thiệu trên bìa 4 của mỗi tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Lời giới thiệu của anh súc tích, ngắn gọn, chặt chẽ nghiêm cẩn từng chữ, nhưng vẫn rất cuốn hút bay bổng. Viết dài không khó bằng viết ngắn.
Trong công việc biên tập văn chương, Trần Ngọc Sinh là người rất khó tính. Với mỗi câu chữ còn “non”, anh gọi điện thẳng cho tác giả và trao đổi, rồi yêu cầu tác giả tự sửa lại sao cho liền mạch lẫn “chất” hơn. Nếu đang trong trạng thái vội vàng hay cần thời gian gấp gáp, tốt nhất là nên tránh họa sĩ Trần Ngọc Sinh, vì anh biên tập một cuốn sách thường rất lâu.
Trần Ngọc Sinh là người sinh ra để đi, ham mê dịch chuyển đến lạ, cứ nghĩ tới nơi nào, là anh thu xếp để có thể đến, cứ như ngay lập tức. Hành trình của Trần Ngọc Sinh luôn là một mình. Một ba lô, ít quần áo, vật dụng gọn gàng, anh có thể lang thang cả tuần trên những dãy núi cao hay đồng bằng hoang vắng. Người sạm đi vì mưa, bụi, nắng, nhưng nụ cười của anh thì thật tươi.
Hoạ sĩ Trần Ngọc Sinh khi ngoài công việc, lại rất dễ tính, hài hước, hào hiệp, tốt bụng, nhân hậu, vô cùng yêu đời. Khi bên anh, mọi nhọc mệt dường như tan biến, cuộc sống trở về sự yên bình đơn giản và nhẹ nhõm đúng bản chất tự nhiên nguyên thủy.
Ấy thế nhưng, trong mỗi tác phẩm, hội hoạ hay văn chương, ta lại bắt gặp một Trần Ngọc Sinh hoàn toàn khác nữa, như thể trong anh, có hơn ba bản ngã đồng hành.
Bìa tác phẩm Phnom Penh
Trăn trở của người đứng bên lề thế giới
Tác phẩm Phnom Penh, họa sĩ Trần Ngọc Sinh viết tặng mẹ, dù không có truyện nào viết riêng về mẹ, nếu xuất hiện trong đoản ký ức Cha tôi hay Tờ phim cũ, thì mẹ thoáng qua nhạt nhòa không hơn hai dòng.
Cuốn sách mỏng mảnh gần 150 trang, gồm 23 truyện (hay phân đoạn) mang dáng dấp tự sự, nằm trong tổng thể một truyện kể về ngôn ngữ, trí nhớ, ký ức, thói quen, sự cô đơn của con người, những tâm hồn đi lạc, sự sống hay cái chết… với bối cảnh chủ yếu là ở Phnom Penh, Campuchia - nơi tác giả đang cư ngụ - in xen minh họa chủ yếu bằng tranh anh vẽ, tương ứng với sự kiệm ngôn của anh khi viết.
Đã đọc câu đầu tiên, thì không thể ngừng. Như dòng sông thao thiết chảy mãi, chở theo nặng tâm tư, trở trăn sự đời, của một người mang cảm giác mình đang đứng bên lề thế giới.
“Những ngày không nói, tôi có cảm giác mình đang tách khỏi thế giới bên ngoài. Điều đó thật rõ ràng khi tôi đóng cửa, hoặc trong những ngày mưa dai dẳng.
Bù lại, tiếng người quanh chung cư và dưới đường phố vọng lên khiến tôi có cảm tưởng ít nhiều mình vẫn đang sống” (Những ngày im lìm).
Mỗi truyện, cùng cách sử dụng ngôn ngữ giản dị dễ hiểu phác họa sinh hoạt thường nhật, quen thuộc nhằm tạo nên một lối đi vừa gần gũi, vừa mỏng manh mà mê hoặc mang vẻ thâm u, nhưng lại lấp lánh ánh sáng, dẫn đưa người đọc đến với cõi giới khác. Chốn tận cùng chỉ có thể kết nối cảm giác giữa người với người, mà để mô tả bằng ngôn ngữ là một điều không hề dễ dàng.
Nhân vật chính đi dọc truyện, bằng sự im lặng của mình, chứng kiến vạn vật chuyển động xung quanh, để nhìn thật sâu vào bản chất của chúng, tìm ra các nguyên lý hình thành nên sự sống.
Trần Ngọc Sinh viết về cõi u uẩn của cuộc đời, mang âm hưởng những nỗi đau của từng thân phận, nhưng trong đó, lại có gì đó an bình và nhẹ nhõm. Như chợt nhận ra đó cũng là một mặt của nụ cười lẫn hạnh phúc.
Nỗi buồn trong truyện Trần Ngọc Sinh, ẩn chứa hoài niệm man mác, ngay trong những câu văn chầm chậm trôi như tiếng thở dài, lại thấy được khởi nguồn của niềm vui.
Như đường nét màu sắc để tạo nên những bức tranh, anh thường sử dụng hai gam màu trắng - đen với đủ tông đậm nhạt khác nhau, trong văn chương, Trần Ngọc Sinh sắp xếp ngôn từ để tạo nên giọng văn riêng. Mà đọc văn, sẽ thấy tâm hồn anh đầy sâu sắc, nhạy cảm, tinh tế pha lẫn thơ trẻ hồn nhiên trong đó.
Với Trần Ngọc Sinh, trân trọng ngôn ngữ như sự vô giá, vậy nên: “Lưu giữ ký ức của một con người, một dân tộc cũng chính là lưu giữ ngôn ngữ. Có lẽ đó là cách mà những nhà văn thường làm” (Cha tôi).
Việt Quỳnh
Thể thao & Văn hóa