Họa sĩ Phạm Lực: Vẽ để tôn vinh sự sống và khát khao hoà bình
(Thethaovanhoa.vn) - Chiến tranh và phụ nữ là hai mảng đề tài chiếm gần như toàn bộ các sáng tác của hoạ sĩ Phạm Lực. Vẽ về chiến tranh, Phạm Lực luôn chọn điểm nhìn từ nơi hậu phương của cuộc chiến để qua đó, chuyển tải thông điệp về khát vọng bình yên, hoà bình và tình người.
Mới đây, trong khuôn khổ triển lãm Bút Lực của họa sĩ Phạm Lực (từ ngày 20/4 đến 20/5) tại trung tâm nghệ thuật VCCA, cuộc tọa đàm nghệ thuật Chiến tranh và Hòa bình đã được tổ chức với sự tham gia của diễn giả: Họa sĩ Lê Thiết Cương, Nhà sưu tập - TS Nguyễn Sĩ Dũng, họa sĩ Phạm Lực. Cuộc thảo luận xoay quanh những câu chuyện về mảng đề tài chiến tranh trong tranh của Phạm Lực nói riêng và mở rộng ra là của nền hội hoạ mỹ thuật Việt Nam.
Thời chiến vừa vẽ vừa… chạy
Trưởng thành trong thời chiến tranh chống Mỹ với công việc ở Phòng Văn nghệ quân đội, hoạ sĩ Phạm Lực vẽ về chiến tranh rất nhiều. Do hoàn cảnh bấy giờ, ông chủ yếu vẽ ký hoạ với mọi chất liệu có thể: từ tấm lót linh kiện điện tử đến cả bao tải, màu vẽ thì có khi tận dụng từ nhọ nồi, sơn ô tô… Bên cạnh tranh mang mục đích cổ động, hoạ sĩ Phạm Lực còn vẽ bằng đam mê, cảm nhận của người nghệ sĩ.
Ông tự nhận tranh vẽ thời chiến của mình như “lời nói bồng bột”, tức là vẽ để chớp lấy cảm xúc bất chợt, không có điều kiện để nắn nót hay suy nghĩ nhiều. Điển hình như bức Nữ dân quân chở con được hoạ sĩ Phạm Lực vẽ tại Hàm Rồng năm 1966 khi bắt gặp hình ảnh một bà mẹ dân quân chở con bằng xe đạp.
“Bom nổ liên tục. Gần như vừa vẽ vừa chạy. Mà cũng chỉ kịp phác thảo thôi, về sau yên bình rồi mới có điều kiện chau chuốt lại cho hoàn chỉnh hơn”.
Tranh vẽ thời chiến của hoạ sĩ Phạm Lực chủ yếu đi sâu vào khắc hoạ những góc từ phía sau cuộc chiến với hình ảnh người phụ nữ, người lao động nghèo đóng vai trò chủ đạo. Nói như TS Nguyễn Sĩ Dũng nhận xét là: “Phạm Lực thích nhìn cuộc chiến từ phía hậu phương. Một phía mà nếu không khéo, rất dễ bị lãng quên”.
Bởi thế mà khó có thể tìm thấy cái dữ dội bạo liệt của chiến tranh trong sáng tác của Phạm Lực mà ở đó tràn đầy tinh thần hiếu sinh, tôn vinh sự sống và khao khát hoà bình. Ông quan niệm nghệ thuật phục vụ cho số đông, nên phải vẽ những gì mang tính quần chúng. Đặc biệt, trong các sáng tác thời chiến của Phạm Lực còn có một mảng đề tài mang tính “cấm kị” ngày ấy: tranh khoả thân.
Không khí hội họa đầy phóng túng
“Không khí hội họa của họa sĩ Phạm Lực đầy tinh thần phóng túng, phóng khoáng, ngẫu hứng. Người xem cảm nhận rõ xúc cảm ào ạt, cuộn sóng, tuôn trào trong tranh của Phạm Lực. Vẽ với Phạm Lực là chớp lấy những đợt sóng cảm xúc bất chợt ùa về bằng một trạng thái xuất thần. Lối vẽ ấy gần với trực họa, không tỉa tót, tỉ mỉ, cầu kỳ, làm dáng, điệu đàng”, hoạ sĩ Lê Thiết Cương, giám tuyển cho triển lãm Bút Lực nhận định.
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, mảng đề tài chiến tranh đóng vai trò quan trọng trong hội hoạ Việt Nam. Gần như các hoạ sĩ đã đi qua thời chiến đều có vẽ về chiến tranh, từ các tên tuổi lớn như Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Dương Bích Liên… đến các hoạ sĩ thế hệ trước 1975.
Hoạ sĩ Lê Thiết Cương nhận định, 2 thành tựu quan trọng nhất của hội hoạ thời chiến là tranh kí hoạ và tranh cổ động. Kí hoạ chiến trường phản ánh hiện thực, còn tranh cổ động mang tác dụng truyền tải thông điệp tuyên truyền, có sức tác động đến tinh thần chiến sĩ và nhân dân.
“Chiến tranh không cho phép chúng ta có phương tiện và thời gian để làm nên những tác phẩm kì công”, hoạ sĩ Lê Thiết Cương nói.
Hoạ sĩ Phạm Lực Họa sĩ Phạm Lực từng theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (khóa 1960-1965), tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1977. Ông phục vụ trong quân ngũ suốt 35 năm, từng tham gia chiến đấu ở Hàm Rồng (Thanh Hóa), rồi đi khắp các chiến trường Tây Nguyên, Nam Lào, Tây Nam Bộ... Phạm Lực là họa sĩ duy nhất có câu lạc bộ những người sưu tập tranh của mình, với hơn 100 thành viên, tập trung hơn 6.000 tác phẩm. Đến nay ông đã có hơn 30 triển lãm ở trong nước và quốc tế, được đánh giá cao bởi nét vẽ chân thực mô tả cuộc sống và con người bình dị. |
Hà My