Họa sĩ nhí Xèo Chu: Vẽ tranh là một cách vượt qua nỗi sợ Covid-19
(Thethaovanhoa.vn) - Tết này Xèo Chu (tên thật là Phó Vạn An) bước sang tuổi 14, nhưng đã có 10 năm vẽ tranh, với hơn 300 tác phẩm, thu hút giới yêu nghệ thuật của nhiều nước. Triển lãm Hoa 2020 - Thế giới lớn, đôi mắt nhỏ của Xèo Chu hồi cuối tháng 11/2020 với 20 bức hoa đã được bán ngay trong giờ khai mạc. Xèo Chu chia sẻ rằng khi Covid-19 xảy ra, em đã rất sợ, nhưng nhờ vẽ tranh mà quên đi nỗi sợ hãi.
Suốt hai đợt Covid-19, Xèo Chu đã vẽ hơn 50 bức tranh, riêng chủ đề hoa là khoảng 40 bức, triển lãm Flower 2020 - Big world, Little eyes (Hoa 2020 - Thế giới lớn, đôi mắt nhỏ) chỉ chọn ra một nửa để trưng bày.
Không vẽ chắc buồn lắm
Lý do vẽ hoa rất giản dị, vì từ nhỏ Xèo Chu đã nhìn thấy mẹ cắm hoa khắp nhà, trồng hoa khắp vườn và cả ban công, hàng rào.
Có lần Xèo Chu hỏi vì sao mẹ thích hoa đến vậy, mẹ nói ngoài vẻ đẹp, công việc cắm hoa trồng hoa cũng giúp mẹ dưỡng sinh, tạm quên đi những mệt mỏi, lo toan.
“Khi Covid-19 xảy ra, phải nghỉ học, giãn các xã hội, nhà ai ở nhà nấy, con rất sợ dịch ập đến, nên cứ đi quanh nhà, thấy gì vẽ nấy. Nhưng cuối cùng thì hoa thu hút con nhiều nhất, vì nó nhiều loại, màu sắc đẹp, vẽ hoài không chán, càng vẽ càng thấy hoa đẹp” - Xèo Chu kể.
- 3 họa sĩ chung tay triển lãm tranh 'Bay nhảy'
- Triển lãm 'Phiêu sắc': Nỗi lòng của các họa sĩ trừu tượng
- Các họa sĩ từ Đà Lạt, Hà Nội đến vẽ tại Hội An mừng Noel và năm mới 2021
“Khi vẽ, con thấy mình giống như mẹ, hiểu hoa và yêu hoa nhiều hơn. Vẽ đến bức thứ 5 là con quên mất có Covid-19 trên đời, chỉ nghĩ về hoa này hoa kia, cố gắng tái hiện màu sắc theo cảm nhận. Nhìn thấy mấy cành nhỏ nhắn leo lên bờ rào, nở hoa tươi thơm, con thấy mình cũng nên sống như hoa, vui vẻ, khỏe mạnh” - Xèo Chu kể say sưa.
Trong lúc Covid-19, Xèo Chu cũng được mẹ đưa về sống dưới Hồ Tràm mấy tháng, thiên nhiên bao bọc, cũng đã vẽ một số tranh phong cảnh rất hay, nhưng dường như hoa vẫn thu hút nhiều hơn.
Xèo Chu chia sẻ thêm: “Con từng theo gia đình đi nhiều nơi, nhưng mỗi khi gặp lo lắng, sợ sệt, thì về nhà vẫn thấy an toàn nhất. Con nghĩ thật là đáng lo nếu giữa lúc Covid-19 mà phải xa nhà, không được gần gũi người thân. Nếu không biết vẽ, chắc con sẽ buồn lắm, hoặc sẽ bị béo phì, do chỉ ăn, ngủ, đọc truyện, chơi điện tử suốt ngày”.
Xem tranh Xèo Chu, họa sĩ Đặng Xuân Hòa từng nhận xét: “Nhiều và nhiều bức tranh vẽ về cây, hoa, phong cảnh rực rỡ đất Sài thành của bé Phó Vạn An để người xem đắm chìm vào một miền của nắng gió phương Nam. Hơn mười tuổi, một tuổi thơ đẹp. Sinh ra và lớn lên trong gia đình mà bố mẹ có phòng tranh nghệ thuật vào loại nhất nhì thành phố, Xèo Chu - con heo nhỏ (ba mẹ vẫn gọi con như thế) sớm được đắm mình trong ánh sáng nghệ thuật của những tác phẩm hội họa đương đại. Bộ tranh của Chu vừa ngây thơ, vừa mang cái nhìn cuộc sống cỏ cây ở tuổi mới lớn. Có lẽ vậy mà nó có cả chất hiện thực lẫn nét trừu tượng. Nhát bút khỏe, minh mẫn, tươi sáng, tương phản, hồn nhiên… đặt trong khoảng đậm lớn, đưa người xem đến khoái cảm thị giác gây xúc động và có phần kính nể”.
Với Xèo Chu, dường như vẽ cái gì và vẽ để làm gì không quan trọng bằng việc được vẽ. Khi vẽ, Xèo Chu như chìm vào thế giới riêng của mình, như Alice bay bổng trong thế giới đồng thoại, như được sống trong cõi song hành Avatar…
Không thử sao biết mình thích gì
Xèo Chu may mắn sinh ra trong gia đình có đủ điều kiện để theo đuổi đam mê nghệ thuật, miễn có đam mê. Khi được hỏi, nếu sinh ra trong một gia đình không có phòng tranh và khó khăn, thì có chọn vẽ không? Xèo Chu trả lời: “Con nghĩ vẽ là điều thú vị và đơn giản, chỉ cần một cục phấn, một cây bút chì cũng đã vẽ được, nên thích sẽ vẽ. Có những bộ môn hơi tốn tiền, nhưng có những bộ môn không cần nhiều tiền vẫn làm được, vẽ đâu cần nhiều tiền”.
Xèo Chu mê truyện tranh, thích đá banh, bóng bàn, chơi dương cầm..., đợt dịch Covid-19, cậu còn tự học guitar. Hỏi “Nếu sau này mà không thành họa sĩ, có buồn không”? Rất bất ngờ khi nghe Xèo Chu trả lời: “Con không biết sau này có trở thành họa sĩ hay không, nhưng thích thì cứ vẽ, cũng như thích đàn, thích đá banh vậy. Con nghĩ mình còn nhỏ, thấy thích gì cứ thử, hợp cái nào thì theo cái đó, không hợp hoặc chán mà bỏ cũng không sao. Thầy con kể có người mê vẽ từ nhỏ, học vẽ cho tới sau đại học, có bằng thạc sĩ luôn, nhưng cuối cùng không thích vẽ nữa, đi làm việc khác. Nhưng có người tự dưng thích vẽ ở tuổi đã rất lớn, rồi thành họa sĩ sau một thời gian ngắn”.
Với họa sĩ Đinh Quân thì: “Tôi được biết Xèo Chu đã tham gia triển lãm tranh, bán được rất nhiều, rồi số tiền bán tranh tặng hết cho từ thiện, vì Chu biết nhiều bạn có hoàn cảnh không được may mắn như mình. Chu có một trái tim nhân hậu, một niềm đam mê bất tận với hội họa. Chúng ta có quyền mong chờ, hy vọng về một nghệ sĩ chân chính và tài năng trong tương lai. Cứ tin tôi đi”.
Còn nhớ năm 2018, ở chương trình từ thiện năm thứ 10 của Saigon Summer Ball, trong hơn 5 tỷ đồng quyên góp được, riêng bức Gladiolus của Xèo Chu đã góp 22.000 USD, sau một phiên đấu giá tại chỗ. Người sở hữu bức này là ông Jimmy Chan, đến từ Hong Kong (Trung Quốc), làm việc tại Alpha King.
Với toàn bộ 20 tranh đã bán tại triển lãm Flower 2020 - Big world, Little eyes cũng vậy, Xèo Chu góp hết cho từ thiện, để chia sẻ với các bạn học sinh cùng trang lứa ở khu vực Bắc Trung bộ, đặc biệt tỉnh Quảng Bình, nơi gặp bão lụt nặng nề.
Hỏi khi vẽ thì Xèo Chu sợ điều gì nhất? Xèo Chu cho biết: “Con sợ nhất là phải vẽ chân dung, phải vẽ giống như thật. Nếu sau này lớn lên vẫn giữ ý định thành họa sĩ chuyên nghiệp, con sẽ đi học hình họa và lịch sử nghệ thuật bài bản hơn, để tự tin hơn. Nhiều người thích cách cảm màu, dùng màu của con, con cũng thấy vậy, nên thường chọn những chủ đề hoặc thể loại phù hợp với khả năng để vẽ. Nhiều người khen con vẽ đẹp, mua tranh, con rất vui, nhưng cũng biết để thành họa sĩ thực thụ thì khó lắm, phải học hỏi và luyện tập rất nhiều”.
Hiền Hòa
TT&VH Xuân Tân Sửu 2021