Họa sĩ Lý Trực Dũng Chủ tịch Hội đồng giám khảo: Lần đầu tiên Việt Nam có ngày hội biếm họa
(Thethaovanhoa.vn) - “Giải Biếm họa Báo chí - Cúp Rồng tre năm nay đề tài mở, không giới hạn cho nên tranh tham gia rất phong phú đề tài. Khuôn khổ tranh còn cho cả A2, A3, A4…, mọi người càng thoải mái sáng tạo.
Qua các tác phẩm dự thi, có thể thấy rõ tất cả các vấn đề xã hội được mọi người quan tâm trong 2 năm qua, những bức xúc nóng bỏng nhất đều được đưa lên “mâm bát” biếm họa và các họa sĩ đã “chế biến” rất giỏi, nhất là các đề tài “nóng nhất” ở hai lĩnh vực giáo dục và y tế.
Ngoài ra, còn rất nhiều những vấn đề gắn với cuộc sống đời thường như: giao thông, tăng giá...
Đặc biệt, mùa giải năm nay tạo được không khí rất vui vẻ khi có rất nhiều nụ cười đúng với tiêu chí của giải là “Trao nhau nụ cười”. Đó là những nụ cười thật sự, cười thật chặt chém, cười như “giết người ta” nhưng vẫn cứ cười thật tươi, thế mới hay! Có những nụ cười làm ta cười đó nhưng ngẫm lại thấy đau…
Một điều nữa làm tôi rất vui là có rất nhiều họa sĩ biếm họa mới xuất hiện. Đây là điều rất tốt cho việc phát triển nghệ thuật biếm họa.
Về chuyên môn, có rất nhiều tranh sử dụng khá nhuần nhuyễn sự kết hợp giữa tranh và lời. Nhiều tranh sử dụng cách chơi chữ rất hóm hỉnh, thâm thúy của Việt Nam. Ví dụ như người Việt ta rất quen thuộc với bài hát Năm anh em trên một chiếc xe tăng thì nay năm anh em ấy là “thuốc, điện, nước, xăng, ga” trên đường lên dốc với một chữ TĂNG được nhấn mạnh. Một cái nhìn thật hài hước, vui vẻ, không hề nặng nề nhưng tạo được không khí chung về những vấn đề biếm họa quan tâm, thể hiện một thái độ rất rõ ràng về những gì bất cập giữa thực tế và mục đích.
Năm nay, việc tổ chức Ngày hội biếm họa là một nét đổi mới của giải thưởng Biếm họa Báo chí VN. Lần đầu tiên Việt Nam có một ngày hội như thế này. Ngay cả trên thế giới cũng rất khó để tổ chức được một ngày hội dành riêng cho nghệ thuật biếm họa.
Tôi hy vọng sẽ có những lần khác với quy mô lớn hơn nữa để đây trở thành một sự kiện nghiêm túc, một ngày hội thực sự mang lại tiếng cười xây dựng, đấu tranh với những gì cho tốt vì một xã hội văn minh hơn, hiện đại hơn, nhân văn hơn - mục tiêu cao nhất của biếm họa”.
>>> Chuyên trang: Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam
Ngọc Tuyết (ghi)
Thể thao & Văn hóa