Hoạ sĩ Kim Đức thắp sáng tình yêu đất nước vào tranh
Bằng năng khiếu và trực giác hội hoạ, hoạ sĩ Kim Đức đã dồn hết tâm tư, tình cảm mến yêu quê nhà vào các tác phẩm của mình. Với tình yêu đất nước được nuôi dưỡng từ cái nôi gia đình, hoạ sĩ Kim Đức mong muốn truyền tải nguồn cảm hứng ấy đến thế hệ ngày nay.
Cội nguồn cảm hứng…
Hoạ sĩ Nguyễn Thị Kim Đức sinh ra trong một gia đình có truyền thống làng nghề thợ mộc Chàng Sơn, Thạch Thất - Một làng quê được khắc họa rõ nét trong Tiểu thuyết Xứ Đoài Mây Trắng của cố nhà văn Nguyễn Sơn Đỗng. Có thể nói, nhà văn Nguyễn Sơn Đỗng là người truyền cảm hứng và là tấm gương để hoạ sĩ Kim Đức hun đúc lòng tự hào dân tộc, từ đó thể hiện qua những bức tranh giàu ý nghĩa và giá trị nghệ thuật.
Trong sự nghiệp nhà văn Nguyễn Sơn Đỗng (nguyên là giám đốc Sở Lâm nghiệp Vĩnh Phú cũ), ông đã đi đến nhiều vùng miền trên tổ quốc, yêu thích và ưa tìm hiểu về văn hoá, lịch sử. Những trải nghiệm ấy được ông "sơ chế" thành vốn tư liệu cho tác phẩm văn học đầu tay với tựa đề Xứ Đoài Mây Trắng. Cuốn tiểu thuyết có 34 chương là cái nhìn tổng quan về xã hội nông thôn của người xứ Đoài nói riêng và nông thôn Bắc Bộ nói chung những năm đầu thế kỷ 20, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tác phẩm miêu tả về cuộc sống của người nông dân cực khổ nhưng hiền hậu và giàu lòng nhân ái, bởi ông gắn bó với người nông dân nên đã tái hiện rất sinh động phong tục, tập quán, đời sống làng quê Chàng Sơn hồi đầu thế kỷ XX trong tác phẩm. Qua đó mới thấy được tính nhân văn, tình nồng nàn cảm mến quê hương, đất nước của ông.
Lớn lên trong gia đình và quê hương có nhiều truyền thống tốt đẹp, chắc hẳn những điều ấy đã ảnh hưởng đến tư tưởng, tính cách và con đường mỹ thuật cá nhân. Nếu như nói văn chương của ông Nguyễn Sơn Đỗng có "lối đi riêng" thì phong cách nghệ thuật của họa sĩ Kim Đức lại có "lối đi thân quen". Nói thân quen là bởi tranh chị vẽ tôn vinh những nét đẹp giản dị nhất, Việt Nam nhất, điều mà con người Việt Nam nào cũng thân thuộc. Tuy nhiên cách khai thác của hoạ sỹ không đi theo lối mòn, nó khác biệt, đồng thời ẩn chứa biết bao tâm tư tình cảm. Điển hình là những bức tranh về hoa Sen – được mọi người coi là Quốc hoa của Việt Nam hay bức tranh Vỏ Tương Lai với thông điệp bảo vệ môi trường mạnh mẽ.
Lan toả tình yêu nước qua nét vẽ và sắc màu
Thông qua cảm quan mỹ thuật đầy tinh tế và lòng yêu quê hương sâu đậm, hoạ sĩ Kim Đức đã hoàn thiện cho mình nhiều bức hoạ quý. Là một trong những người sáng lập Mạng xã hội Phật giáo Butta, họa sĩ Nguyễn Thị Kim Đức luôn quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, mong muốn lan toả tình yêu thiên nhiên. Hoạ sĩ Kim Đức đã cùng các cộng sự tái hiện bức tranh Vỏ Tương Lai trên vỏ lon nước tinh khiết Civie và logo Butta.
Hoạ sĩ Kim Đức tin tưởng rằng, với thông điệp bảo vệ môi trường được tái hiện qua bức tranh Vỏ Tương Lai in trên vỏ lon Civie, Mạng xã hội Phật giáo Butta sẽ thực hiện được sứ mệnh lan toả tình yêu thiên nhiên môi trường đến với mọi người. Việc sử dụng nước uống tinh khiết lon nhôm sẽ góp phần "phòng chống rác thải nhựa" tiến tới giảm gánh nặng cho xã hội trong công tác xử lý môi trường. Tác phẩm Vỏ Tương Lai từng gây ấn tượng mạnh được làm quà tặng cho các nguyên thủ và chức sắc tôn giáo trên thế giới trong dịp Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc VESAK 2019 tại Việt Nam.
Hoạ sĩ Kim Đức với định hướng nghệ thuật "Từ trái tim đến trái tim", chị mong muốn truyền tải những thông điệp ý nghĩa về môi trường cho các thế hệ trẻ, coi đó là động lực thúc giục họ hành động, yêu đất nước, con người và có trách nhiệm với môi trường ta đang sống.
Nhằm thúc đẩy tính lan toả rộng rãi của thông điệp, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội tổ chức triển lãm nghệ thuật Sen Việt Vẻ đẹp thuần khiết từ ngày 25/3 đến 31/3/2023 tại Chùa Quán Sứ, TP. Hà Nội. Tại đây, bên cạnh 75 bức tranh sen, Ban tổ chức trưng bày 2 bức tranh quý là Liên Hoa Tịnh Cảnh và Vỏ Tương Lai. Đây sẽ là lần cuối bức hoạ Vỏ Tương Lai xuất hiện bản gốc trong triển lãm.