Hoa quả Việt Nam "hâm nóng" thị trường Trung Quốc: Riêng loại quả này tăng trưởng xuất khẩu lên tới hơn 4.000%
Những chiếc xe tải chở trái cây nhập khẩu từ Việt Nam đi vào khu thương mại tự do toàn diện ở Bằng Tường, nơi trái cây tươi trải qua quá trình kiểm tra hải quan trước khi tiến vào thị trường Trung Quốc.
Đây là cảnh thường ngày ở Thành phố Bằng Tường, thuộc Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, phía Nam Trung Quốc, giáp biên giới Việt Nam. Bằng Tường là tuyến đường bộ lớn nhất và thuận tiện nhất từ Trung Quốc đến Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, đồng thời là trung tâm lớn nhất cho thương mại xuất nhập khẩu trái cây giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Nói với Hoàn Cầu, một nhà nhập khẩu trái cây có trụ sở tại Bằng Tường cho biết tính đến năm 2023, công ty này đã khai báo nhập khẩu hơn 80 container với khoảng 1.300 tấn sầu riêng Việt Nam. Sầu riêng Việt Nam rất được thị trường Trung Quốc ưa chuộng do giá cả phải chăng, chất lượng tốt.
Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Việt Nam, các đơn đặt hàng nông sản từ thị trường Trung Quốc đã tăng mạnh kể từ khi Trung Quốc thay đổi chính sách vào ngày 8/1, với một số công ty Việt Nam báo cáo xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc tăng 30-50% so với tháng trước.
Chỉ riêng trái cây nhập khẩu đi qua cửa khẩu Hữu Nghị gần Bằng Tường đã đạt 27.414 tấn và 1.375 xe tải từ ngày 1 đến ngày 18/1. Số lượng xe tải chở trái cây trung bình đến từ Việt Nam là khoảng 76 xe mỗi ngày, nhiều hơn 11 xe so với năm 2022, dữ liệu từ hải quan Trung Quốc cho thấy.
"Qua cửa khẩu Hữu Nghị, trái cây Việt Nam có thể được nhập khẩu qua 'luồng xanh' (được miễn kiểm tra chi tiết từng hồ sơ và miễn kiểm tra thực tế hàng hóa). Quá trình kiểm tra hải quan có thể hoàn thành trong vòng 24 giờ và trái cây Việt Nam có thể được vận chuyển ngay lập tức đến cả nước", một quản lý họ Su làm việc tại công ty dịch vụ thương mại có trụ sở tại Bằng Tường phụ trách tờ khai hải quan, nói với Hoàn Cầu.
Xuất khẩu thuận lợi
Do khác biệt về khí hậu nên nông sản Việt Nam và hầu hết nông sản Trung Quốc có "độ lệch" về thời gian thu hoạch, khiến nguồn cung trái cây Việt Nam rất phù hợp để bán tại Trung Quốc, ông Su nói.
Hiện thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, chanh dây của Việt Nam đã được bán tại thị trường Trung Quốc với số lượng lớn.
Trong những năm gần đây, với sự hợp tác kinh tế và thương mại ngày càng sâu rộng giữa Trung Quốc và Việt Nam, ngày càng nhiều nông sản chất lượng cao của Việt Nam được người dân Trung Quốc ưa chuộng.
Với việc Trung Quốc mở cửa lại hoàn toàn biên giới, các doanh nghiệp hiện có nhiều lợi thế xuất khẩu và có thể cắt giảm chi phí. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc có thể đạt giá trị 1 tỷ USD vào năm 2023.
"Dự báo xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc có thể đạt kim ngạch ít nhất 2,5 tỷ USD, thậm chí có thể cán mốc 3 tỷ USD. Cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả tăng 20-30%, đạt khoảng 4 tỷ USD”, ông Nguyên chia sẻ.
Sầu riêng tươi của Việt Nam được phép vào thị trường Trung Quốc vào tháng 7/2022 và Việt Nam đã xuất khẩu hàng trăm tấn sầu riêng sang Trung Quốc mỗi ngày kể từ khi xe chở sầu riêng đầu tiên đến Trung Quốc vào ngày 19/9/2022.
Chỉ riêng trong tháng 10/2022, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc đã thu về gần 50 triệu USD, tăng 4,120% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2022, riêng xuất khẩu sầu riêng đã mang về cho Việt Nam hơn 420 triệu USD, chủ yếu trong quý IV, sau khi loại trái cây này được bật đèn xanh để vào Trung Quốc.
Để tạo điều kiện thông quan cho trái cây tươi nhập khẩu, hải quan Trung Quốc đã mở luồng xanh cho trái cây tươi. Ví dụ, cửa khẩu Hữu Nghị đã thiết lập cơ chế thông quan 24/7 để đẩy nhanh việc nhập khẩu trái cây tươi.