Hoa khôi Áo dài Việt Nam 2014: Có hy vọng chiến thắng ở đấu trường quốc tế?
Bên cạnh đó, Lan Khuê cũng sẽ đại diện Việt Nam dự Hoa hậu Thế giới tổ chức vào cuối năm 2015. Với danh hiệu Á khôi 1 và 2, hai cô gái Phạm Hồng Thúy Vân và Nguyễn Thị Lệ Quyên cũng vinh dự trở thành người đại diện của Việt Nam tại hai cuộc thi nhan sắc tầm cỡ: Hoa hậu Quốc tế 2015 và Hoa hậu Siêu quốc gia 2015.
Những góc cạnh khác biệt
Không khó để nhận ra trong suốt hành trình 75 ngày BTC cuộc thi Hoa khôi Áo dài đã “nhắm” rõ ràng 3 mục tiêu cần phải đạt được: những ứng viên xứng đáng nhất để đi thi Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Quốc tế và Hoa hậu Siêu quốc gia sẽ tổ chức trong năm 2015.
Và chính vì rõ ràng 3 mục tiêu như thế mà đường đến ngôi vương thật sự không mang tính cạnh tranh quyết liệt như những cuộc thi khác mà sẽ ngả theo 3 hướng với 3 tiêu chí khác nhau.
Đó cũng là lần đầu tiên mà mô hình hoa hậu truyền hình thực tế mang lại, vừa mang tính giải trí với khán giả, vừa mang tính thi thố mà cũng đặt nặng vấn đề tìm kiếm. Chính với mong muốn tìm kiếm mà tất cả các thí sinh được “luyện” rất kỹ trước khi được trình làng và có thể thấy trong đêm chung kết, tất cả đều khá hoàn hảo, kể cả trong phần thi vấn đáp vốn trước đây hay bị “vấp”.
Với 3 mục tiêu rõ ràng nên việc tìm kiếm đỡ phần khó khăn hơn. Tiêu chí rất rành mạch: Hoa hậu Thế giới hướng tới vẻ đẹp trí tuệ, trong sáng, thể hình tốt, thông minh, bản lĩnh, độc lập, có thiên hướng hoạt động xã hội, chính trị, kinh doanh, ở độ tuổi không quá trẻ đã có kinh nghiệm trong cuộc sống và các hoạt động xã hội. Hoa hậu Quốc tế hướng tới vẻ đẹp trí tuệ, có tri thức, hiểu biết xã hội, không đặt nặng kỹ năng biểu diễn trên sân khấu. Hoa hậu Siêu quốc gia hướng tới các thí sinh có thể hình, chiều cao tốt, kỹ năng catwalk, biểu diễn tốt.
Cả 3 ngôi vị năm nay đều đã tìm ra những gương mặt tương đối xứng đáng và hầu như ai cũng hài lòng nhưng cũng chẳng ai bất ngờ. Những góc cạnh trong vẻ đẹp của họ được “xét” theo đúng tiêu chí của những cuộc thi thế giới và lúc này, có những hy vọng được mở rộng.
Có còn là cánh cửa hẹp?
Việc chọn ra những gương mặt phù hợp với tính chất từng cuộc thi, điều đó liệu có mở ra thêm những hy vọng mới cho nhan sắc Việt tại đấu trường quốc tế?
Về vấn đề này, bà Ngô Bích Hạnh, đại diện phía BHD không khẳng định nhưng có phân tích rằng: “Còn gần một năm nữa trước khi đến thềm Miss World 2015, nhưng chúng tôi phải có một số kế hoạch để cho các bạn ấy được đào tạo một cách bài bản hơn. Nếu như khẳng định chắc chắn là mình sẽ được thứ hạng cao thì cũng như bóng đá Việt Nam bao nhiêu năm nay vậy, chúng ta đã hy vọng, mơ ước lắm nhưng cũng chưa tới đâu. Tuy vậy, nếu chúng ta không đạt được mục tiêu mà bỏ luôn việc tiến hành từ những cái đầu tiên thì mục tiêu nó sẽ lại càng xa vời”.
Bà Thúy Nga, đại diện Elite nói rằng: “Nếu như đơn vị nào hoặc quốc gia nào đưa đại diện của mình đi thi mà lúc nào cũng muốn thí sinh ấy lọt vào top 10 hay top 5 thì tôi cho rằng là hơi chủ quan. Bởi vì ngoài việc tự đánh giá thí sinh mình thì chúng ta cũng chưa biết mặt bằng thí sinh các nước tham gia sẽ như thế nào. Bây giờ chẳng còn nước nào đưa thí sinh đi thi chỉ để cho vui cả. Hiện nay, nếu nhìn ở góc độ thị trường nhan sắc thế giới thì sẽ thấy Việt Nam vẫn còn rất non nớt”.
Theo bà Nga, sắc đẹp thôi chưa đủ mà còn có cả một bệ phóng, lò luyện chuyên nghiệp và đi theo nó là cả những chiến lược dài hơi, bài bản. Chẳng hạn như Panama mua bản quyền hoa hậu liên tục trong 50 năm nhưng chưa bao giờ họ có thí sinh đoạt giải, nhưng không vì thế mà họ bỏ cuộc thi này, năm nào họ cũng vẫn cử thí sinh đi thi. Trung Quốc sau bao nhiêu năm nỗ lực đào tạo, có những trung tâm đào tạo cực kỳ chuyên nghiệp, đăng cai liên tiếp 4 năm mới có được một Trương Tử Lâm…
Cuộc thi Hoa khôi Áo dài Việt Nam vừa kết thúc, nó được ghi nhận như một nỗ lực “chuyên nghiệp hóa” trong việc đào tạo người đẹp để cải thiện dần thành tích của thí sinh Việt Nam khi dự các cuộc thi sắc đẹp thế giới.
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa