Hoa hậu Ngô Phương Lan và câu chuyện hạnh phúc
(Thethaovanhoa.vn) - Ngô Phương Lan cho biết sau một thời gian nghỉ sinh con và thực hiện giãn cách xã hội vì đại dịch, bây giờ Lan đã trở lại công việc của mình với vị trí quản lý và phát triển trong hệ thống giáo dục. Lan nói rằng giáo dục cũng như nhiều ngành nghề phải có sự chuyển biến mạnh mẽ mới thoát khỏi tình trạng đóng băng trong đại dịch…
Hoa hậu Ngô Phương Lan vừa gửi cho tôi tấm ảnh của gia đình cô đang rạng ngời hạnh phúc, chụp trên bãi biển với con gái Lan Vy 15 tháng tuổi cùng chồng là Loz Whitaker - người Anh, một chuyên gia trong ngành giáo dục và hiện là quản lý cấp cao trong một hệ thống đào tạo ngoại ngữ có tiếng ở Việt Nam.
Những ký ức về một cuộc thi
Tôi bỗng nhớ tới cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt khu vực Bắc Âu và Trung Âu được tổ chức tại quảng trường O2 ở Luân Đôn, thủ đô nước Anh. Cuộc thi ấy tôi làm Trưởng Ban giám khảo. Mấy hôm thí sinh đến đăng ký dự thi, tôi đều có mặt từ sớm để quan sát. Ngoài các thi sinh ở UK (Liên hiệp Vương quốc Anh gồm: England, Scotland, Xứ Wales và Northern Ireland), nhiều thí sinh ở Áo, Thụy Sĩ, Pháp…cũng khá đẹp. Có 2 gương mặt nổi trội để lại nhiều ấn tượng cho tôi đó là Têrêsa Sam và Ngô Phương Lan. Lúc đầu tôi chưa biết họ tên chỉ ghi vào mẩu giấy số báo danh. Sau hỏi ra mới biết Têrêsa Sam là thí sinh người Việt ở Anh, còn Ngô Phương Lan đến từ Thụy Sĩ.
- Hoa hậu Ngô Phương Lan: “Chồng tôi sẽ nghỉ làm để chăm con”
- Hoa hậu Ngô Phương Lan nói về... “cuộc chiến trong phòng ngủ”
Hôm đầu tiên đến xứ sở sương mù, con trai tôi - Dương Thái Hà - đang học đại học ở Manchester về Luân Đôn thăm bố mẹ. Trong bữa cơm thân mật của một Việt kiều sinh sống nhiều năm ở Anh mà tôi quen biết đãi vợ chồng tôi và cháu Thái Hà, anh cho biết các cuộc gặp đông người do người Việt của mình tổ chức ở đây thường xảy ra bạo lực, có khi còn bắn nhau và khuyên tôi nên cẩn thận…
Thực ra, trước khi sang Anh để tổ chức cuộc thi, tôi cũng đã tìm hiểu ít nhiều về cộng đồng người Việt tại UK, khá phức tạp, nên tôi cũng hơi lo!
Khi họp Ban giám khảo, tôi đưa ra ý kiến: Nếu có 2 thí sinh tương đương nhau thì nên trao ngôi hoa hậu cho thí sinh khu vực người Việt ở UK, chắc đêm chung kết sẽ diễn ra êm đẹp hơn!
Ý kiến của tôi được các thành viên trong Ban giám khảo đồng tình. Đêm chung kết thí sinh Têrêsa Sam người Việt hiện đang sinh sống ở Luân Đôn được trao vương miện hoa hậu còn Ngô Phương Lan là á hậu.
Thực lòng, tôi vẫn thầm tự nhủ rằng, tôi đã tìm được hoa hậu cho cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt lần thứ nhất năm 2007 (cuộc thi do báo Tiền phong tổ chức có sự phối hợp với Vingroup, Đài Truyền hình Việt Nam và báo Thanh niên, do tôi làm Trưởng Ban tổ chức kiêm Trưởng Ban giám khảo) đó chính là Ngô Phương Lan. Trong đêm chung kết, một cuộc “đổi ngôi” thú vị đã diễn ra, Ngô Phương Lan là Hoa hậu Thế giới người Việt lần thứ nhất và Têrêsa Sam là Á hậu 1…
Cuộc thi đã thành công vang dội, Hoa hậu, Á hậu của cuộc thi đã để lại những ấn tưởng đẹp cho người hâm mộ. Trả lời câu hỏi của báo chí về chiếc vương miện của một cuộc thi hoa hậu lớn như vậy mà Ban tổ chức chỉ mua ở chợ Bến Thành chứ không phải ở Hong Kong (Trung Quốc) hay Thái Lan như những lần trước đây, hoa hậu Ngô Phương Lan trả lời rất hay rằng: Chiếc vương miện chỉ là tượng trưng, người đội vương miện mới thực sự quan trọng, nếu hoa hậu đội chiếc vương miện xứng đáng, được mọi người công nhận thì dù chiếc vương miện mua ở chợ Bến Thành hay ở đâu cũng danh giá như nhau…
Sau khi đăng quang Hoa hậu Thế giới người Việt lần thứ nhất năm 2007, Ngô Phương Lan đi làm từ thiện, trao tiền và quà tình nghĩa cho nhiều gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh miền Trung.
Tôi cũng có mặt trong chuyến đi ấy và bấy giờ tôi mới biết dòng họ Ngô ở Nghệ An có nhà thờ được công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia.
Hoa hậu của dòng họ “tam đại tiến sĩ”
Những người trong dòng tộc đón Hoa hậu Ngô Phương Lan về bái lễ tổ tiên rất trang trọng. Lần giở những trang sử về họ Ngô và theo lời kể của đại sứ Ngô Quang Xuân, thân phụ của Hoa hậu Ngô Phương Lan thì họ Ngô ở Nghệ An là một dòng tộc nhiều đời khoa bảng, từng làm rạng danh lịch sử một vùng quê địa linh nhân kiệt.
Có lẽ trong lịch sử nước ta duy nhất chỉ có một phụ tử đồng khoa tiến sĩ đó là ông Ngô Trí Tri và con là Ngô Trí Hòa đều đậu tiến sĩ trong một khoa thi (khoa thi năm Nhâm Thìn - 1592 đời Lê Trung Hưng, lúc đó ông Ngô Trí Tri 56 tuổi và con trai là Ngô Trí Hòa 28 tuổi). Rồi ông Ngô Trí Hòa làm Thượng thư Bộ Hộ có con trai là Ngô Trí Vinh cũng đậu tiến sĩ, làm nên tam đại tiến sĩ (đời ông, đời bố, đời con đều là tiến sĩ ).
Đại sứ Lê Quang Xuân nói rằng, điều đầu tiên ông dạy các con mình là dạy về truyền thống lịch sử của quê hương, của dòng họ Ngô nhiều đời khoa bảng để các con ông có niềm tự hào mà cố gắng vươn lên.
Ông Ngô Quang Xuân từng là Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc, Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, Phó Chủ tịch Liên minh nghị viện thế giới. Ông nổi tiếng trong sự kiện tham gia đàm phán để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.
2 con gái của ông sinh ra ở Việt Nam nhưng đã theo vợ chồng ông sinh sống ở nhiều nước, được hưởng các nền giáo dục khác nhau.Cô con gái đầu Ngô Thị Hương trên 10 tuổi đã theo bố mẹ sang Nga sống và học tập ở đó nhiều năm. Cô con gái thứ 2 sau này trở thành Hoa hậu Thế giới người Việt lần thứ nhất là Ngô Phương Lan mới hơn 5 tuổi đã theo bố mẹ sang Mỹ.
Tôi cũng được biết rằng Ngô Phương Lan đã được Tổng thống Mỹ Bin Clinton trao giải vàng cho thành tích học giỏi trong những năm Lan học tiểu học tại Mỹ. Đại sứ Ngô Quang Xuân bảo tôi rằng, Lan trở thành hoa hậu là cái duyên của cháu chứ có ai dạy con để có thể trở thành hoa hậu được đâu! Nhưng qua những điều mà tôi biết, chẳng phải vợ chồng ông đã dạy những điềucần dạy để con gái ông trở thành một cô gái Việt Nam phát triển toàn diện…để trở thành một hoa hậu đó sao?!
Bà Lê Thị Hòa, mẹ Hoa hậu Ngô Phương Lan vốn quê ở Lục Ngạn (Bắc Giang) cũng nổi tiếng về nhan sắc một thời. Bà học đại học sư phạm ngoại ngữ ở Nga, cùng khóa, cùng năm nhưng khác lớp với ông Ngô Quang Xuân. Tôi gặp bà lần đầu ở Luân Đôn khi bà đưa con gái đi dự thi Hoa hậu Thế giới người Việt khu vực Bắc và Trung Âu.
Bà kể rằng, dạo ở New York thỉnh thoảng có kẻ gọi điện dọa bắt cóc con gái…Bà phải đưa đón con đi học hàng ngày. Nhiều hôm mưa tuyết quất ràn rạt, gió ở đảo Manhattan thổi như bão, bà bảo con gái đi sau nhưng Ngô Phương Lan phăm phăm chạy lên trước như muốn che chở cho mẹ… Bà nói rằng, 2 cô con gái, nhất là Ngô Phương Lan từ bé đã tỏ ra rất cá tính. Hoa hậu Ngô Phương Lan không đi theo con đườngshowbiz như nhiều cô gái có nhan sắc lựa chọn, dù Lan hát hay, biết chơi đàn…
Sau khi trở thành hoa hậu, Ngô Phương Lan đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp qua những hoạt động của cô. Trong lễ khai mạc Đại hội thể thao Olympic 2012 tổ chức ở Luân Đôn (Anh quốc), Hoa hậu Ngô Phương Lan là 1 trong 2 đại diện của Việt Nam tham gia rước đuốc trong lễ khai mạc; tại Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2017 tổ chức ở Việt Nam, Ngô Phương Lan làm MC trong 4 ngày liền; dẫn chương trình Quốc gia khởi nghiệp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Hoa hậu Ngô Phương Lan đã để lại ấn tượng tốt đẹp với nhiều người…
Cho đến nay, trong làng hoa hậu Việt Nam có 2 hoa hậu lấy chồng nước ngoài là Ngô Phương Lan và Nguyễn Diệu Hoa. Theo như tôi biết, cả 2 đều thành đạt và có một gia đình hạnh phúc.
Ngô Phương Lan tâm sự với tôi rằng, trong hôn nhân, quốc tịch không quan trọng, điều quan trọng nhất là có được người mình yêu, hợp với mình cả lối sống, suy nghĩ cũng như sở thích. “Nhìn Lan Vy bập bẹ tiếng Việt lẫn tiếng Anh, cả nhà vui lắm…” - Hoa hậu Ngô Phương Lan chia sẻ.
Hoa hậu Ngô Phương Lan nói rằng tuy cô là người say mê và hết lòng với công việc, nhưng cũng rất coi trọng hạnh phúc gia đình, chăm sóc con và yêu thương chồng hết mực, như truyền thống lâu đời của những người mẹ, người vợ Việt Nam…
Dương Kỳ Anh
(Nhà vườn Sóc Sơn 2020)