Hoa hậu Bảo Ngọc: Kỳ Duyên cần người định hướng hình ảnh
Thể thao & Văn hóa đã phỏng vấn Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam Bảo Ngọc, người từng có kinh nghiệm đi thi, cũng như làm giám khảo các cuộc thi nhan sắc.
* Thử tượng tượng nếu chị ở vị trí của Kỳ Duyên trong đêm đăng quang, chị sẽ cảm thấy thế nào?
- Mấy năm gần đây mỗi khi có người đẹp mới đăng quang hầu như lần nào cũng "dậy sóng". Đây là hệ quả của sự phát triển quá mạnh của mạng xã hội. Thật khó cho một cô gái trẻ khi mọi người đòi hỏi cô phải hoàn hảo. Bản thân tôi thấy đây là thử thách lớn cho một Tân Hoa hậu, chỉ có cách là tự tin vượt qua, khẳng định và hoàn thiện mình hơn nữa.
* Dư luận không hài lòng với kết quả cuộc thi, nhiều người cho rằng Á hậu nổi trội hơn Hoa hậu.
- Nếu là một khán giả chỉ xem đêm chung kết trên truyền hình thì đúng là họ sẽ thấy Huyền My có sự toả sáng, cuốn hút hơn. Tuy nhiên, BGK mới là người có điều kiện quan sát thí sinh trong một thời gian dài, họ mới là người đưa ra đánh giá toàn diện và chính xác. Họ sử dụng các phương pháp nhân trắc học, một môn khoa học đánh giá vẻ đẹp hình thức khá toàn diện và đưa ra điểm số. Vẻ đẹp tâm hồn, trí tuệ, thậm chí cả đạo đức của các thí sinh, cũng đã được BTC, BGK rà soát khá kỹ trong suốt quá trình thi.
* Đánh giá của chị về nhan sắc của Hoa hậu Kỳ Duyên?
- Theo tôi Hoa hậu Kỳ Duyên có hình thể đẹp, gương mặt sáng nhưng tỉ lệ chưa cân đối. Đêm chung kết cô ấy đã lựa chọn trang điểm, trang phục chưa phù hợp. Mọi người chỉ trích một phần vì tên của cô ấy giống tên một người nổi tiếng, trang phục cô ấy chọn cũng giống người nổi tiếng đó. Trong tương lai Kỳ Duyên cần chọn một người có khả năng định hướng hình ảnh cho cô ấy tốt hơn.
* Được biết khi đi thi, các người đẹp phải đầu tư rất nhiều. Và không phải ai cũng có đủ điều kiện thuê được chuyên gia trang điểm đẹp cũng như sắm cho mình bộ trang phục ưng ý nhất?
- Tôi cũng từng là một thí sinh, từng tham gia BTC, rồi làm giám khảo cho các cuộc thi sắc đẹp rồi. Cuộc thi nào cũng vậy thôi, đầu tiên là bản thân thí sinh phải thích, quyết tâm rèn luyện và sẵn sàng đầu tư. Mỗi người phải có "chiến lược" riêng, và quan trọng là tìm được một người thầy có gu thẩm mĩ, có phông văn hóa để hướng dẫn cho mình, khi nghĩ đến sự tài trợ thì cũng phải cân nhắc. Năm 2000 vào TP.HCM thi Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam, tôi đã thực sự "đầu tư", dù không đầu tư nhiều về mặt tài chính, nhưng kết quả đạt được rất hài lòng.
* BTC Hoa hậu Việt Nam cho biết chưa bao giờ thư nặc danh tố cáo thí sinh dự thi gửi về nhiều như năm nay. Là người có kinh nghiệm, chị có thể lý giải vì sao đơn tố cáo trong các cuộc thi nhan sắc ngày càng phổ biến không?
- Đây cũng là "bài" của những thí sinh không có thực lực, tôi không đồng tình với cách làm đó.
* Các thí sinh tham gia các cuộc thi nhan sắc ngày càng chuyên nghiệp vì nhiều người đến từ các công ty đào tạo người đẹp, người mẫu. Nhưng dường như vì thế mà các cuộc thi ngày càng phức tạp và nhiều “tiểu xảo” hơn. Điều này có đúng không thưa chị?
- Chuyên nghiệp là yếu tố cần thiết. Bất cứ thí sinh nào tham gia cuộc thi, dù là người mới hoàn toàn thì cũng cần phải rèn luyện để hoàn thiện bản thân. Không có sân khấu nào, "đấu trường" nhan sắc nào dành cho sự ngơ ngác. Sự chuẩn bị chuyên nghiệp sẽ giúp bạn vượt qua mấy cái gọi là tiểu xảo, cạnh trạnh không lành mạnh.
* BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 cho biết họ chọn nhân tố sở hữu vẻ đẹp "có khả năng phát triển", tức là có xu hướng hoàn thiện theo thời gian. Tiêu chí này có ưu, nhược điểm gì, và có phổ biến trong các cuộc thi nhan sắc hiện tại?
- Tôi không nghĩ là chọn "hoa" hay chọn "nụ". Khi chọn Hoa hậu thì BGK đã phải cân nhắc bằng điểm số, mọi nhận xét, đánh giá đều được đặt lên bàn để bàn bạc. Chỉ trong vài cuộc thi người mẫu, yếu tố định hướng và phát triển hình ảnh mới được áp dụng nhiều.
Thể thao & Văn hóa