Họ là hiện tại, họ là tương lai
1. Nguyễn Thị Ánh Viên: Của để dành cho tương lai
Đến với thể thao đỉnh cao từ những cuộc đấu phong trào, nhưng với tố chất và tài năng thiên bẩm, cô gái quê Cần Thơ này được xem là “báu vật của trời” cho bơi lội Việt Nam. 17 tuổi, cao 1m72 nặng 64kg cùng chiều dài sải tay, lên tới 1m98, hai năm trước, khi mới được gọi vào đội tuyển quốc gia, Ánh Viên đã bơi chạm trần với 5 HCV tại giải vô địch Đông Nam Á, rồi 1 năm sau là suất tham dự Olympic London 2012 và gần nhất là 3 tấm HCV, 2 kỷ lục SEA Games trên đường đua tại Myanmar, những chức vô địch đầu tiên của bơi nữ Việt Nam ở đấu trường này.
Ánh Viên là VĐV xuất sắc nhất của TTVN tại SEA Games 27
Thành công đến sớm, nhưng câu chuyện của Ánh Viên không là những thành công hiện tại mà nó là bài toán cho tương lai. 2 năm với những chuyến tập huấn dài hạn tại Mỹ theo kiểu “nuôi gà nòi”, Ánh Viên được nhắm cho mục tiêu huy chương, thậm chí là HCV Asian Games lần đầu được tổ chức tại Việt Nam năm 2019.
Còn riêng với cô bé 17 tuổi nhưng đã là quân nhân chuyên nghiệp này, dường như những tấm huy chương là chuyện của người lớn. Ăn mỗi bữa một cân thịt bò và 50 con tôm để nạp đủ năng lượng... khóc; bơi sai, bị mắng... khóc, chỉ giành 3 HCV, giàu thành tích nhất SEA Games... cũng khóc! Bởi đơn giản, cứ xuống nước là muốn vô địch.
2. Vũ Thị Hương: Màn tái xuất tuyệt vời
Quá thừa để nói về tài năng của Hương và cũng là quá thừa khi kể về nỗi gian truân trên đường đời cùng sự nghiệp của cô gái quê chè Thái này. Chạm tới mọi đỉnh cao, hưởng mọi ánh hào quang nhưng đằng sau đó lại là những lời xì xào, dị nghị và đương nhiên, cả sự nghi ngờ khi gục ngã.
Đó là một Vũ Thị Hương của trước SEA Games 27.
Vũ Thị Hương trở lại và lập cú đúp HCV tại SEA Games 27
Chấn thương kéo dài trong chuyến tập huấn tại Đức, kéo theo hệ lụy là thất bại tại SEA Games 26 (Indonesia 2011), đã có ít ý kiến “đóng dấu chấm hết” cho sự nghiệp đỉnh cao của nữ VĐV chạy tốc độ hàng đầu này. Nhưng câu trả lời thực sự của Hương là ở trên đường đua Myanmar. Đòi lại cả 2 tấm HCV ở 2 nội dung sở trường 100m và 200m, “nữ hoàng tốc độ” chính thức trở lại không thể ấn tượng hơn.
27 tuổi và quả thật đã không còn ở đỉnh cao sự nghiệp đối với một nội dung đòi hỏi quá nhiều sức mạnh của cơ bắp. Thực tế là dù đăng quang tại kỳ SEA Games 27, nhưng đó không hề là thành tích cao nhất của Hương, nhưng trên đường chạy tốc độ cô vẫn sẽ là một tượng đài không dễ vượt qua.
3. Phạm Thị Bình: Tấm HCV cho nghị lực
Nếu phải đi tìm tấm HCV ấn tượng nhất cho thể thao Việt Nam trong cả năm 2013 thì chắc chắn đó phải là chức vô địch trên đường chạy marathon nữ tại SEA Games 26 Phạm Thị Bình.
Ý chí, nghị lực vượt khó đã mang lại thành công cho Phạm Thị Bình
42km, quá dài và quá đủ để khẳng định nghị lực cho những ai chinh phục quãng đường huyền thoại gắn với lịch sử Olympic. Nhưng với cô gái nghèo quê Quãng Ngãi này, nghị lực còn lớn hơn thế khi cô còn chiến thắng chính bản thân mình bằng đôi chân trần trên đường đua quốc tế.
Vượt nghèo bằng con đường thể thao chuyên nghiệp, nhưng rồi khi chưa giàu lên bằng thể thao, bằng cái nội dung khắc nghiệt nhất trong môn điền kinh, tai họa lại ập xuống - Bình bị phát hiện bệnh tim mà nếu tiếp tục thi đấu sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Năm 2010, cô gái vùng quê nghèo Quảng Ngãi phải rất khó khăn mới gom đủ số tiền 45 triệu đồng để thực hiện ca phẫu thuật và phải nhờ sự giúp đỡ của một tổ chức từ thiện thì tài năng của thể thao Việt Nam mới có cơ hội trở lại đường đua.
Tấm HCV của Bình chỉ là 1 trong số 73 tấm HCV mà thể thao Việt Nam có được tại SEA Games, nhưng hình ảnh cô gái với đôi chân trần chinh phục ngôi vô địch, rạng ngời với lá cờ Tổ quốc thực sự là tấm HCV cho nghị lực sống, chinh phục.
4. Thạch Kim Tuấn: Kỳ tích của cậu bé mồ côi
Sinh ra trong một gia đình nghèo có 4 anh chị em thuộc huyện Hàm Tân, Bình Thuận. 3 tuổi, mẹ qua đời vì bị tai nạn giao thông, Thạch Kim Tuấn phải cùng chị em vào TP.HCM tìm kế sinh nhai.
Thạch Kim Tuấn phá 2 kỷ lục SEA Games 27
Tình cờ làm quen rồi tài năng sớm phát lộ ở môn cử tạ mà chiến thắng đầu tiên quốc tế đầu tiên của chàng trai người Khmer này là tấm HCV lịch sử Olympic trẻ năm 2010. Tuy nhiên, ở hạng cân 56kg nam, trước cái bóng quá lớn của những người đàn anh như Hoàng Anh Tuấn (HCB Olympic Bắc Kinh 2008); Trần Lê Quốc Toàn... dường như cơ hội cho Kim Tuấn là quá hẹp và vẫn cứ bị xếp vào hàng tiềm năng.
Phải đến năm 2013 này, Kim Tuấn mới thực sự bùng nổ để làm nên kỳ tích ở vị trí của người số 1. Giành 3 HCĐ tại giải VĐTG 2013, Kim Tuấn được chọn đại diện cho cử tạ Việt Nam tranh tài tại hạng 56kg nam ở SEA Games 27 và dĩ nhiên với kỳ vọng là đoạt tấm HCV.
Và kỳ vọng ấy đã thành hiện thực, Thạch Kim Tuấn không chỉ lần đầu tiên giành HCV, anh còn phá 2 kỷ lục SEA Games ở hạng cân 56kg nam. Cái kết có hậu cho 1 cậu bé nghèo, mặc cho vì thể thao, giờ cậu giàu hơn, nhưng vẫn đang phải vật lộn học cho xong cái lớp 8 bổ túc dù đã 19 tuổi.
Thể thao & Văn hóa cuối tuần