HLV Troussier đã thay đổi bóng đá Nhật Bản như thế nào?
Vượt qua vô số chỉ trích và tranh cãi, HLV Philippe Troussier từng giúp Nhật Bản làm nên kỳ tích tại World Cup 2002 đồng thời nâng tầm tư duy nền bóng đá này.
"Người Nhật các bạn quá mềm yếu. Cầu thủ Nhật quá mềm yếu và trọng tài thì quá nhẹ tay. Cứ có va chạm nhỏ trong sân là tính phạm lỗi. Những lỗi kiểu này sẽ không bao giờ được tính ở châu Âu, Tây Ban Nha hay Anh đâu. HLV của các bạn cũng cần thêm kinh nghiệm. Cứ thử để châu Phi đi, họ sẽ hiểu thêm nhiều điều đấy" là một trong số các tuyên bố nổi tiếng của Troussier về bóng đá Nhật Bản trong 5 năm làm việc tại đây.
5 năm ấy, ông đã tạo ra vô số tranh cãi, đặc biệt trong giai đoạn cuối nắm quyền đội tuyển Nhật Bản ở World Cup 2002.
Bản thân việc Troussier tới Nhật đã là một điều đặc biệt. Tới xứ Phù Tang năm 1998, ông mới là HLV ngoại thứ 3 trong lịch sử đội tuyển Nhật và là thầy ngoại đầu tiên sau 2 đời HLV nội liên tiếp. Tình hình khi ấy rất u ám bởi đội tuyển Nhật vừa trải qua một kỳ World Cup với 3 trận toàn thua. Mọi thứ càng tệ hơn cho Troussier khi giải đấu lớn đầu tiên của ông với người Nhật là Copa America (tư cách khách mời) cũng kết thúc với vị trí bét bảng.
Thay vì gọi lên nhiều cựu binh, cố giành ngay kết quả tốt để giữ lấy chiếc ghế, ông Troussier đã tiến hành cuộc trẻ hóa toàn diện ở đội tuyển Nhật Bản, điều khiến ông bị chỉ trích dữ dội y như những gì đang diễn ra tại Việt Nam lúc này.
Bất chấp điều đó, HLV người Pháp vẫn kiên định. Thành quả đến không lâu sau đó khi đội tuyển trẻ Nhật Bản giành á quân Cúp thế giới trẻ năm 1999 còn đội Olympic vượt qua vòng bảng Thế vận hội Sydney một năm sau.
Những thắng lợi ấy là bước đà quan trọng cho phép HLV Troussier kiên định với con đường đã chọn. Nó cũng là cơ sở để ông tiếp tục đối đầu với phe bảo thủ và cả giới truyền thông trên con đường cách tân bóng đá Nhật Bản.
Trước World Cup 2002, một số cầu thủ Nhật Bản đã chuyển sang châu Âu chơi bóng. Nhưng họ chưa tạo thành một làn sóng chuyển nhượng. Nhiều nhà lãnh đạo bóng đá Nhật vẫn tự huyễn hoặc về tầm cỡ J- League 1, đánh giá quá mức giải đấu này và có biểu hiện hài lòng với vị thế số một châu Á.
Quan điểm ấy đã bị HLV Troussier chỉ trích dữ dội. Ông nhiều lần nói rằng Nhật mới "bước qua lằn ranh của châu Á thôi" và còn cách thế giới rất xa. Ông thậm chí mâu thuẫn với LĐBĐ Nhật Bản (JFA) và liên tục đòi hỏi các trận giao hữu với những đối thủ ở đẳng cấp thế giới. Một trong số đó đã trở thành thảm họa khi Nhật thua Pháp 0-5 trên đất khách hồi tháng 3/2001. Chuẩn bị cho World Cup 2002, Nhật cũng có chuỗi 5 trận không thắng trước giải. Đổi lại, họ được gặp những siêu cường thực sự như Pháp, Tây Ban Nha, Brazil, Italy...
Khi bị truyền thông chất vấn, Troussier cáu kỉnh trả lời: "Các anh sẽ học được nhiều hơn khi thua Pháp hoặc Tây Ban Nha, nhiều hơn rất nhiều các chiến thắng trước Trung Quốc hay Thái Lan". Sự kiên định ấy đã mang tới thành tựu.
Đội tuyển Nhật thảm hại hiên ngang qua vòng bảng Cúp thế giới với 3 trận bất bại, đặc biệt có một thắng lợi trước người Bỉ ở lượt trận 2. Họ chỉ thua sát nút Thổ Nhĩ Kỳ ở vòng kế tiếp với tỷ số 0-1. Đó là thành tựu ấn tượng của Troussier và càng ấn tượng hơn bởi Thổ Nhĩ Kỳ ấy sau này sẽ là đội hạng ba World Cup.
Ngay lập tức, báo chí Nhật Bản đổi giọng nói về Troussier. Yomiuri Shimbun viết: "Nhiều người hâm mộ không cảm thấy ánh sáng cuối đường hầm nhưng đội tuyển Nhật Bản đã thực sự cho ta thấy rằng nếu nỗ lực, ta sẽ thành công, không chi trong bóng đá mà cả cuộc sống".
Mainichi Shimbun thì nhận xét: "Ông ấy đã phá vỡ truyền thống của Nhật Bản và tạo nên một bầu không khí mới. Dư luận sẽ còn bị chia rẽ bởi Troussier nhưng nếu một HLV người Nhật khác thì sẽ khó có nổi thành công như ông".
Những gì Troussier đã có với bóng đá Nhật cho thấy ông sẽ không lùi bước dễ dàng một khi đã xác định rõ triết lý. Và bóng đá Việt Nam vẫn có thể tin vào quả ngọt ở phía trước.