HLV Troussier cần sự hỗ trợ!
"Tôi có một điều hối tiếc, khi số liệu, thông tin sức khỏe của cầu thủ chưa được thu thập đầy đủ. Tôi có yêu cầu Ban y tế sắp xếp lại các nội dung đó nhưng có lẽ họ quá bận nên chưa làm được. Những dữ liệu đó rất quan trọng với HLV kế nhiệm", đây không phải lần đầu cựu HLV trưởng các ĐTQG Việt Nam, ông Park Hang Seo, nói về điều này.
Phải khẳng định luôn rằng, sự tích lũy và tính kế thừa (liên tục) là rất quan trọng cho mọi chiến lược phát triển thể thao nói chung và bóng đá nói riêng. Những thống kê như chỉ số chuyên môn và cả y học (bao gồm thể trạng và tiền sử chấn thương) của cầu thủ giúp các HLV kế nhiệm điều chỉnh giáo án, phác đồ điều trị phù hợp, để từ đó tăng hiệu quả lên mức cao nhất. Đó là một yêu cầu bắt buộc của bóng đá hiện đại.
Chúng ta để ý thành phần Ban huấn luyện các đội bóng luôn có các trợ lý bóc tách băng hình, phân tích, thống kê các chỉ số chuyên môn. Đội ngũ y tế ngoài việc theo dõi, chăm sóc VĐV, cũng phải có những tham vấn trực tiếp cho HLV trưởng về tình trạng của VĐV. Những số liệu này thường được lưu lại.
Trong hơn 5 năm dẫn dắt các ĐTQG Việt Nam, HLV Park Hang Seo chỉ triệu tập số lượng tương đối hạn chế các cầu thủ, so với các đời HLV tiền nhiệm khác. Mô hình "2, thậm chí 3 trong 1" của ông Park được bảo lưu, nhờ một vài thế hệ cầu thủ tài năng và thuần tính đang vào độ chín. Cũng chính vì được tập luyện và thi đấu cùng nhau ở nhiều cấp độ ĐTQG suốt thời gian dài, nên các cầu thủ chơi rất ăn ý là vì thế.
Tất nhiên, mô hình này không ứng với tất cả các giai đoạn. Ví như giai đoạn 2005-2007, cố HLV Alfred Riedl đã từng áp dụng và thành công bước đầu tại SEA Games 23, VCK Asian Cup 2007 và Vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008, nhưng thất bại nặng nề ở SEA Games 24 tại Thái Lan, dẫn đến việc bị sa thải.
Trở lại với những trăn trở của HLV Park Hang Seo, với khối lượng khổng lồ các công việc và sự khó khăn (về quỹ thời gian) của người kế nhiệm Philippe Troussier. Ông Park không chỉ có ý hỗ trợ đồng nghiệp, mà những số liệu thống kê ấy nếu được tổng hợp đầy đủ và được bảo lưu, có lợi cho cả nền bóng đá cũng như các CLB.
Trong kế hoạch trẻ hoá các ĐTQG của HLV Troussier, ông đã trao rất nhiều cơ hội cho những cầu thủ trẻ còn khá vô danh. Không phải ông không tin những người cũ, các cầu thủ đã được định danh dưới thời ông Park, mà là HLV trưởng người Pháp muốn tìm thêm những phương án mới cho giải pháp lâu dài. Nhưng, bóng đá là thành tích, nếu cứ thua mãi thì sẽ không ai cho ông Troussier thời gian.
Chiến thuật bóng đá đề cao kiểm soát và tạo ra những cơ hội mở, lấy tấn công làm chủ đạo, là một đòi hỏi khắt khe với nền bóng đá vẫn bị xem là khiêm tốn về tầm vóc như Việt Nam. Với tổng cộng trên dưới 700 cầu thủ chuyên nghiệp ở V-League 1 và V-League 2, thực sự HLV trưởng ĐTQG không có nhiều lựa chọn như chúng ta nghĩ. Các cầu thủ tốt nhất chính là những người đã khẳng định được giá trị dưới thời ông Park.
Khát vọng thi đấu và tận hiến của một bộ phận các cựu binh cũng là băn khoăn khác của HLV Troussier. Để xoá bỏ băn khoăn ấy, chúng ta cần hỗ trợ ông những dữ kiện và dữ liệu về số cầu thủ này, trước khi đòi hỏi thành tích.
Nếu cứ khoán trắng mọi việc cho HLV hay các chuyên gia nước ngoài thì khó có được thành công! Lịch sử vốn không thiếu các viện dẫn. Hãy ở cạnh, hỗ trợ và giúp đỡ HLV Troussier bằng những cách thiết thực nhất.