HLV Trần Công Minh: 'V-League phải được nâng tầm để tạo nền tảng tốt cho đội tuyển Việt Nam'
HLV Trần Công Minh nhìn nhận rằng mục tiêu giành vé tham dự World Cup trong một ngày gần nhất của bóng đá Việt Nam còn nhiều gian nan bởi lý do rất đơn giản, V-League chưa tạo ra được nền tảng vững chắc cho đội tuyển Việt Nam.
* Thể thao & Văn hóa: Chúng ta sẽ có 2 trận đấu với Indonesia trong tháng 3 tại vòng loại World Cup. Đó là những trận đấu quyết định rất lớn đến tấm vé đi tiếp vào vòng loại thứ 3, đâu là những cảm nhận của anh về đội tuyển Việt Nam với những trận đấu quan trọng như thế?
- HLV Trần Công Minh:Đội tuyển Việt Nam chuẩn bị bước vào 2 trận đấu "then chốt" tại vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á. Chúng ta có vào đến vòng loại thứ 3 như đã từng có hay không, nằm ở 2 trận đối đầu cùng Indonesia trong tháng 3 này. Cho đến lúc này, HLV Trousier dù rất tự tin, kiên định với những chọn lựa của mình nhưng cũng đang đối mặt nhiều khó khăn về con người cũng như phong độ ở đội tuyển Việt Nam.
Sau một kỳ Asian Cup không như ý, áp lực đang dồn lên vai ông Troussier. Trong khi đó, nhiều trụ cột của ĐTQG hoặc chấn thương hoặc đánh rơi phong độ. Chưa kể, V-League dù đã hết lượt đi nhưng có cảm giác vẫn còn rất "ì", chưa thể tạo ra tín hiệu tích cực dành cho đội tuyển Việt Nam.
Trong lúc phong độ của những cựu binh chùng xuống thì các giải đấu trong nước lại chưa thể giới thiệu gương mặt mới hay nhân tố trẻ nào nổi bật để tạo niềm tin cho người hâm mộ. Phần lớn thành bại ở mỗi CLB vẫn dựa quá nhiều vào chất lượng ngoại binh. Đội nào có được ngoại binh tốt sẽ gánh cho cầu thủ nội rất nhiều. Công bằng mà nói, 23 năm lên chuyên, những đóng góp của ngoại binh cho V-League là rất lớn, đáng để ghi nhận.
Tuy vậy, câu chuyện sử dụng ngoại binh ra sao, ảnh hưởng cả 2 mặt của cầu thủ ngoại thế nào đến V-League vẫn luôn để lại nhiều ý kiến trái chiều. Cầu thủ ngoại lấy mất suất hay tạo ra sự cạnh tranh cho các cầu thủ trẻ, bao nhiêu cầu thủ ngoại ở mỗi đội bóng thì phù hợp nằm trong nhiều vấn đề của bóng đá Việt Nam giai đoạn này. Đó là câu chuyện dài và còn sẽ được nói đến nhiều ở tương lai.
*Anh vừa nói đến chuyện thành bại của nhiều đội bóng tại V-League phụ thuộc vào ngoại binh. Nhìn vào trường hợp của Nam Định, đội bóng đang dẫn đầu BXH có phải đã giúp chúng ta nhìn rõ hơn điều này?
- CLB Nam Định đã được đầu tư mạnh mẽ thời gian gần đây, mùa giải 2023/24 không phải ngoại lệ. Đội bóng thành Nam nổi lên như hiện tượng đặc biệt của V-League. Rõ ràng, dấu ấn lớn nhất trong thành công của họ là bộ đôi ngoại binh Hendrio và Rafaelson.
Không chỉ Nam Định, mà hầu hết các CLB khác ở V-League đều đang phụ thuộc vào ngoại binh, cho dù họ đua vô địch hay đua trụ hạng. Đó là những đóng góp của ngoại binh vào thành bại tại mỗi đội bóng, thực tế là vậy, chúng ta cũng không thể nghĩ khác, nói khác được.
Câu chuyện các đội bóng V-League phụ thuộc vào ngoại binh trên hàng công đã trở nên quá đỗi bình thường trong nhiều năm qua nhưng vấn đề đặt ra là, tại sao giải đấu hàng đầu Việt Nam có nhiều ngoại binh nhưng sức hút lại rất yếu? Đến đây sẽ thấy rằng một khi sức hút yếu sẽ rất khó để tạo ra sự lan tỏa, kích hoạt vấn đề tài chính, thương hiệu, bản sắc của các CLB.
* Rõ ràng với thực tế đã có ở V-League từ trước đến nay, chúng ta không thể phủ nhận những đóng góp của ngoại binhđối với quá trình phát triển, nâng tầm giải đấu?
- Trong quá trình phát triển của bóng đá chuyên nghiệp, việc các giải đấu mở cửa cho việc tuyển mộ ngoại binh là 1 trong những động thái góp phần thúc đẩy chất lượng giải đấu. Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích mà bóng đá Việt Nam cũng như các CLB có được khi sở hữu ngoại binh chất lượng, có sức hút, tạo tiếng vang.
Về lý thuyết, mục đích của việc mở cửa với cầu thủ ngoại là nâng cao chất lượng giải đấu, khích lệ sự phát triển đối với cầu thủ nội. Tuy nhiên, theo thời gian, từ lý thuyết đến thực tế đã và đang là sự khác biệt lớn. Tất nhiên, vẫn có một phần cầu thủ nội được thúc đẩy nhưng rõ ràng là không tương xứng. Đến lúc này, hầu hết các CLB tại V-League đang sống trong sự phụ thuộc cầu thủ ngoại, đặc biệt là trên hàng công.
Những ngoại binh xuất sắc có thể góp phần thúc đẩy đội bóng cũng như các nội binh phát triển theo hướng tích cực. Thế nhưng, việc ngoại binh thường xuyên tập trung vào các vị trí chủ lực như trung vệ hay tiền đạo lại khiến sự phát triển này mất cân bằng. Dưới góc độ nào đó, ĐTQG cũng chịu tác động từ điều này.
* Vẫn luôn có những tranh luận rằng ngoại binh lấy suất hay tạo ra sự cạnh tranh cho các cầu thủ trẻ, bao nhiêu cầu thủ ngoại ở mỗi đội bóng thì phù hợp với V-League lúc này, vậy đâu là quan điểm của anh?
- Chúng ta cũng phải thẳng thắn với nhau rằng, khi được thi đấu bên cạnh một ngoại binh chất lượng, mẫu mực, bản thân các cầu thủ nội cũng phải biết cách để kết nối, tương tác và học hỏi, phát triển bản thân từ họ.
Chưa kể, nếu bản thân cầu thủ nội hội đủ năng lực cao, phẩm chất xuất sắc, hẳn nhiên các đội bóng sẽ tin dùng chứ không thể ngó lơ. Nghĩa là, cơ hội vẫn có cho cầu thủ nội, cho nhân tố trẻ. Vấn đề ở đây họ có biết cách nắm lấy cơ hội để thể hiện, chứng tỏ năng lực của mình hay không.
Những năm gần đây, bóng đá trẻ Việt Nam đã có thành công nhất định trên đấu trường châu lục. Tuy nhiên, cứ mỗi khi trở về từ những giải đấu quốc tế, câu hỏi đặt ra là liệu cầu thủ trẻ có được thi đấu thường xuyên. Chính điều đó dẫn đến tranh cãi chuyện cầu thủ ngoại chiếm suất của nội binh nên đã đặt ra chuyện cắt giảm số lượng ngoại binh hay tổ chức giải đấu dành cho U23 song song V-League.
Việc cầu thủ ngoại và số lượng đăng ký chỉ là một mặt của vấn đề. Nhìn từ góc độ khác, chính các ngoại binh là lý do buộc cầu thủ trẻ phải cố gắng, nỗ lực hơn để cạnh tranh. Mặt khác, ở đây còn nhiều yếu tố khác để quyết định cơ hội ra sân của cầu thủ trẻ từ thành tích của độibóng, quan điểm, triết lý của mỗi HLV.
Một ĐTQG mạnh cần có một giải đấu mạnh. Vấn đề ở đây nền tảng của giải đấu có giúp cầu thủ tiến xa hơn trong sự nghiệp. Ở đây có nhiều vấn đề về chiến thuật, phong cách thi đấu của mỗi đội bóng sẽ ảnh hưởng đến nội binh.
Đã từ lâu, lối đá "khoán" cho Tây hay áp lực thành tích buộc các CLB phải xây dựng lối chơi cầu thủ nội phục vụ đồng đội ngoại binh. Do vậy, cần nhiều hơn động thái thay đổi trên nhiều phương diện chứ không chỉ nằm ở chuyện số lượng ngoại binh được đăng ký và sử dụng là bao nhiêu.
* Xin được cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
HLV Park Hang Seo trước đây và HLV Troussier lúc này đã chỉ ra các điểm yếu cốt tử như các CLB hiện nay có đến 80% cầu thủ người nước ngoài thi đấu ở các vị trí trung vệ và tiền đạo đá cao nhất. Nếu chúng ta tiếp tục tình trạng như thế này thì sắp tới tiền đạo, trung vệ lấy nguồn đâu ra?
Tất nhiên, các CLB có lý do của họ rằng tại sao họ lại sử dụng ngoại binh. Vấn đề này có lẽ là CLB và VFF cần ngồi lại làm sao tìm ra một hướng giải quyết. Về tư duy huấn luyện, đào tạo cầu thủ, chúng ta phải hiểu rằng nếu coi cầu thủ là một gói sản phẩm hoàn thiện thì bóng đá Việt Nam cần phải có chuyên gia về kỹ thuật, chuyên gia về dinh dưỡng từ nhỏ, chuyên gia về thể lực, đội ngũ y tế gọi là phòng tránh chữa trị chấn thương, chuyên gia phân tích trận đấu hỗ trợ, chuyên gia tâm lý. V-League và hạng Nhất phải được vận hành một cách ổn định, chuyên nghiệp, tạo nhiều giá trị gia tăng cho bản thân các CLB. Ở tầm các đội tuyển, ĐTQG và U23 quốc gia phải được tập huấn, thi đấu với các đội bóng đến từ nền bóng đá đỉnh cao của thế giới. Đó mới là hướng đi bài bản để tạo ra được một giải đấu chất lượng nhằm tạo nền tảng tốt cho ĐTQG.