HLV Park Hang Seo đưa lò PVF lên ngôi
(Thethaovanhoa.vn) - Sau HAGL hay Hà Nội đóng góp công lớn cho sự thành công của bóng đá nước nhà suốt hơn một năm qua, vòng loại U23 châu Á 2020 vừa qua ghi nhận thêm sự lên ngôi của một lò đào tạo khác là PVF, khi HLV Park Hang Seo đã sử dụng hàng loạt quân số của lò đào tạo này để làm nên chuyện.
Điều trùng hợp đúng như mong mỏi của ông Phạm Nhật Vượng, người sáng lập Quỹ Đầu tư và Phát triển Tài năng bóng đá Việt Nam (PVF). Tròn 10 năm kể từ khi thành lập, PVF đã giúp bóng đá Việt Nam hái quả ngọt ngào. Thành tích tối 26/3 mà thầy trò HLV Park Hang Seo giành được trước người Thái là sự lên tiếng mạnh mẽ nhất về hướng đi đúng đắn của PVF với kỳ vọng đào tạo tài năng cho bóng đá nước nhà.
VIDEO: Bàn thắng và highlights U23 Việt Nam 4-0 U23 Thái Lan
Trong quân số 37 cầu thủ chuẩn bị cho vòng loại U23 châu Á 2020, HLV Park Hang Seo đã gọi đến 10 cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo của PVF, hơn cả CLB Hà Nội (7 người). Và đến khi chốt danh sách trước giải chính thức, PVF còn sót lại 7 cái tên, vẫn áp đảo trong danh sách.
Trừ Tùng Quốc, Vũ Tín và Văn Xuân đã rời đội trước giải, những cầu thủ trưởng thành từ PVF đang khoác áo các CLB trong nước ở lại để giúp U23 Việt Nam thăng hoa tại Mỹ Đình vừa qua là Trương Văn Thái Quý (Hà Nội), Hà Đức Chinh, Đỗ Thanh Thịnh, Mạc Đức Việt Anh, Phan Văn Biểu, Bùi Tiến Dụng (Đà Nẵng), Lê Xuân Tú (Hồng Lĩnh Hà Tĩnh).
Tính từ ngày PVF ra đời tại TP.HCM vào tháng 6/2009, công cuộc “trồng người” của Quỹ đầu tư này thực sự trở thành một món quà tinh thần vô giá cho bóng đá Việt Nam. Hàng loạt cựu danh thủ của ĐTQG được gọi về để “gõ đầu trẻ” với quy trình đào tạo bài bản, có “đắc, nhân, tâm” đã giúp các cầu thủ nhí ngày nào trở thành tài năng tương lai của đất nước.
10 năm hoạt động với công sức đổ xuống của hàng ngàn con người, PVF biến thành một thế lực lớn trên bản đồ bóng đá trẻ nước nhà. Ngoại trừ danh hiệu U21 quốc gia, PVF đã sở hữu đầy đủ các danh hiệu vô địch từ lứa U11, U13, U15, U17 của nước nhà.
Với các cầu thủ ở Trung tâm này, việc được cọ xát quốc tế hay những chuyến du đấu xa nhà là điều rất đỗi bình thường. PVF không rình rang làm truyền thông ồ ạt để quảng bá cách thức hoạt động bởi tiêu chí của Trung tâm là tự nguyện giúp ích cho tương lai nền bóng đá, nhưng với người làm chuyên môn, không ai không nể phục tiềm lực của các đội trẻ nơi đây.
Chính PVF chứ không phải HAGL, Viettel mới có thể nói chuyện “sòng phẳng” về thành tích các giải trẻ với Hà Nội, thế lực lớn nhất của bóng đá Việt Nam hiện tại. Thậm chí ở các giải trẻ VĐQG vừa đề cập, PVF là số 1 với hơn chục danh hiệu sưu tầm suốt gần 10 năm thành lập.
Sự ra đời của PVF không chỉ giúp CĐV nước nhà phấn khởi về một tương lai không thiếu lớp kế cận, nó còn là hồi chuông cảnh tỉnh cho những lò đào tạo truyền thống như SLNA phải thay đổi để phù hợp với thời cuộc.
Việc không dậm chân tại chỗ “ngủ quên trên chiến thắng” bằng cách tự mình phải thay đổi để tốt hơn giúp Trung tâm này là điểm tựa đáng tin cậy cho bóng đá nước nhà. Bằng chứng là việc dời trụ sở từ TP.HCM ra Hưng Yên để thế hệ tương lai đất nước được đào tạo theo mô hình chuẩn thế giới.
Sau khi GĐKT người Nhật Bản ra đi do hết hạn hợp đồng, người đứng đầu PVF hiện tại là GĐKT Philippe Troussier. Việc chiêu mộ HLV người Pháp từng dẫn dắt 2 ĐTQG dự World Cup cho thấy chiến lược nghiêm túc của PVF trong việc “trồng người”.
Từ những sự đầu tư miệt mài đó, HLV Park Hang Seo đã có “bột” để gột nên hồ trên sân Mỹ Đình tuần qua. Sự hoài nghi về một thế hệ kém cạnh nhiều so với các đàn anh ở U23 Việt Nam một năm trước đây đã bị dập tắt khi Đức Chinh, Thái Quý, Thanh Thịnh góp công lớn vào chiến thắng đậm nhất bóng đá nước nhà trước người Thái. Và trong tương lai không xa, chính những tài năng trưởng thành từ PVF sẽ lại là những “diễn viên chính” gánh trên vai trọng trách lấy vàng SEA Games 30 hay thậm chí là giấc mơ World Cup cho người Việt.
Việt Hà