HLV Miura nhìn lại quãng thời gian dẫn dắt ĐT Việt Nam, chỉ ra điểm khác biệt với Thái Lan
Tờ Qoly (Nhật Bản) đã thực hiện cuộc phỏng vấn độc quyền với Toshiya Miura, huấn luyện viên dẫn dắt đội tuyển quốc gia Việt Nam từ tháng 5 năm 2014 đến tháng 6 năm 2016. Ông Miura đã nói về đội tuyển Việt Nam khi nhìn lại quãng thời gian làm huấn luyện viên, và so sánh với đội tuyển Thái Lan.
Ông được bổ nhiệm là HLV trưởng đội tuyển Việt Nam như thế nào?
Tôi nhận được cuộc gọi từ ông Kozo Tajima- Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Nhật Bản. Ông Trần Quốc Tuấn, lúc đó là Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam, đã nói chuyện với ông Kozo Tajima về việc tìm kiếm HLV người Nhật Bản. Thời điểm đó, bóng đá Việt Nam đang sa sút. Tôi đã quyết định nhận lời.
Hãy cho chúng tôi biết suy nghĩ của ông khi nhận được lời đề nghị?
Thành thật mà nói, tôi chưa bao giờ đến Việt Nam. Trước đó, tôi chỉ du lịch đến Philippines và Thái Lan. Vì thế, tôi chưa tưởng tượng ra cuộc sống ở Việt Nam như thế nào. Tôi không chắc mình có thành công được không.
Ấn tượng của ông về đội tuyển Việt Nam khi mới đảm nhận cương vị huấn luyện viên?
Trong buổi ra mắt của tôi, có 100 phóng viên đến dự họp báo. Lúc đầu tôi rất ngạc nhiên vì điều đó. Tôi chưa từng tham dự buổi ra mắt nào đông đảo tới vậy. Tôi cảm thấy mọi sự chú ý dồn về phía mình.
Một tuần sau khi tôi tiếp quản vị trí HLV đội tuyển Việt Nam, chúng tôi có trận đấu giao hữu với Myanmar. Ấn tượng của tôi khi ấy là các cầu thủ Việt Nam hơi đuối so với các đồng nghiệp ở Nhật Bản. Tôi không biết nhiều về bóng đá Đông Nam Á nhưng tôi từng biết Lê Công Vinh, người từng khoác áo Consadole Sapporo. Tôi thấy các cầu thủ Việt Nam có kỹ thuật nhưng hơi yếu thể chất. Cường độ hoạt động trong các trận đấu khá thấp.
Mục tiêu ông đặt ra khi trở thành HLV đội tuyển Việt Nam là gì?
Mục tiêu thực tế của tôi là lọt vào vòng loại cuối cùng khu vực châu Á, vòng loại Olympic và vòng loại World Cup. Tuy nhiên, số suất dự World Cup của châu Á lúc đó là 4,5, suất dự Olympic là 3. Vì thế, việc vượt qua Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Iran là rất khó khăn. Vào thời điểm đó, tôi chưa bao giờ vượt qua được vòng loại cuối cùng, vì vậy đó là mục tiêu đầu tiê của tôi.
Nhưng có lẽ vì mục tiêu đó không thực tế nên Liên đoàn, các cầu thủ, giới truyền thông và người hâm mộ đều muốn tập trung giành AFF Cup ở cấp độ đội tuyển quốc gia và SEA Games ở cấp độ U23.
Ông có gặp khó khăn gì trong việc huấn luyện không?
Liên đoàn bóng đá Việt Nam có quyền quyết định lịch thi đấu, lịch tập trung của đội tuyển quốc gia mà không cần tham khảo giải V-League. Vì thế, tôi nghĩ điều kiện sẽ thuận lợi cho tôi mỗi đợt triệu tập cầu thủ. Về khó khăn, dường như điều này là điểm chung của bóng đá ở các quốc gia Đông Nam Á. Ví dụ, ở Nhật Bản, nếu có một giải đấu lớn, trong thời gian sáu tháng, chúng tôi sẽ họp để bàn bạc thời điểm đội tuyển quốc gia tập trung, thời điểm du đấu hay địa điểm tập huấn. Bóng đá Đông Nam Á không như vậy.
Tại sao vậy, thưa ông?
Đó là văn hóa. Các nước Đông Nam Á lại không làm như Nhật Bản. Nếu có một kế hoạch được đặt ra từ trước, họ sẽ họp để lên lịch trình, nhưng nó sẽ lại phải thay đổi sau cuộc họp diễn ra 10 ngày sau đó. Cuối cùng, HLV sẽ không chuẩn bị được nhiều thứ. Trước đây, tôi nghĩ chuyện này chỉ diễn ra ở Việt Nam. Nhưng rồi tôi đến Thái Lan làm việc và gặp phải tình trạng tương tự. Tôi hỏi đồng nghiệp làm việc tại Indonesia, Malaysia, và họ cũng có chung nhận định.
Họ sống trong một nền văn hóa như vậy. Theo quan điểm của người Nhật, đó là một vấn đề, nhưng đối với họ đó là chuyện xảy ra hàng ngày nên nó không thực sự là vấn đề. Dần dần tôi cũng quen.
Hãy kể cho chúng tôi về trải nghiệm đáng nhớ nhất của ông tại Việt Nam?
Nếu bạn là người Hàn Quốc, bạn sẽ nghĩ họ sẽ mang theo kim chi bên mình khi đi du lịch. Còn đối với các cầu thủ Việt Nam, họ thường mang theo mì gói và ăn vào lúc nửa đêm trước khi đi ngủ. Tất nhiên, tôi không nghĩ điều đó tốt cho các vận động viên, đặc biệt trong những chuyến du đấu nước ngoài. Tôi đoán họ nghĩ rằng không có vấn đề gì vì đó là thói quen hàng ngày của họ.
Ngoài ra, họ không lái ô tô mà đi xe máy. Ví dụ như J-League và Bundesliga sẽ cấm cầu thủ đi xe máy. Tôi hơi lo lắng về điều này nhưng cũng nghĩ rằng điều đó không tránh được, khi thu nhập ở Việt Nam chưa cao.
Ông đã cố gắng huấn luyện đội tuyển Việt Nam ra sao?
Lúc đầu, tôi không biết gì về đội nên tôi bắt đầu từ góc độ chung. Điều này bao gồm cả việc cải thiện những điểm tốt và sửa chữa những điểm chưa tốt. Về mặt tích cực, không có nhiều vấn đề kỹ thuật. Về mặt kỹ thuật, khi có bóng, các cầu thủ Việt Nam chơi không tệ. Tuy nhiên, điểm yếu của họ là ngại tranh chấp tay đôi và thi đấu với cường độ rất thấp. Tôi nghĩ đây là vấn đề mà tôi có thể cải thiện rõ ràng sau khoảng một tháng đào tạo.
Khi làm HLV đội tuyển Việt Nam, ông chú ý tới điều gì?
Đó là về sự hiểu biết văn hóa Việt Nam. Không có nó, mọi người sẽ không làm theo. Đó là công việc khá nặng nề ngoài chuyên môn bóng đá. Tôi có không ít lần xung đột với các nhân viên hay VFF nhưng rồi cuối cùng, chúng tôi cũng hiểu nhau, rồi trở thành bạn bè.
Ở Thái Lan, các CLB và cầu thủ có quyền từ chối lên tuyển. Nhưng tại Việt Nam, việc này không bao giờ xảy ra. Các cầu thủ rất trung thành với đội tuyển quốc gia. Với cầu thủ Việt Nam, việc lên tập trung tuyển quốc gia là vinh dự, trách nhiệm với đất nước.
Xin hãy cho chúng tôi biết về thế mạnh của ĐT Việt Nam?
Điểm mạnh của đội tuyển Việt Nam khá giống với Nhật Bản, đó là tinh thần đoàn kết, "tập thể là trên hết, mọi người thích làm việc cùng nhau như một nhóm. Đội bóng cũng không có cầu thủ mang một nửa dòng máu nước ngoài trước đây nên có thể tìm được tiếng nói chung.
Ông từng dẫn dắt đội U-20 Thái Lan, có sự khác biệt nào giữa Thái Lan và Việt Nam không?
Ở Thái Lan, tôi chỉ làm việc với các cầu thủ lứa tuổi 18, 19. Hầu hết trong số họ đều chưa kiếm được nhiều tiền. Thu nhập ở lứa trẻ chỉ giúp họ đủ sống. Tôi đã quen với văn hóa Đông Nam Á khi làm việc ở Việt Nam nên cũng không mất thời gian hòa nhập ở Thái Lan.
So với Việt Nam, Thái Lan sở hữu nhiều ô tô và có hạ tầng tốt hơn. Bóng đá Thái Lan cũng có cơ sở vật chất tốt hơn. Tôi cũng ấn tượng về sân cỏ ở Thái Lan.
Xin vui lòng cho chúng tôi biết đánh giá của ông về đội tuyển quốc gia Việt Nam hiện tại?
Khi huấn luyện viên Park Hang Seo đến, ông ấy đã đạt được những kết quả tuyệt vời. Đặc biệt, ĐT Việt Nam đạt thành tích khi về đích ở vị trí á quân VCK U23 châu Á (2018). Đội đã thành công dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên người Hàn Quốc.
Khi tôi đến đó, đội tuyển Việt Nam đang sa sút và nhiều người có ấn tượng tiêu cực về bóng đá. Tôi có cảm tưởng khi chỉ cần có tinh thần tốt, đội bóng sẽ chơi rất tốt. Trận đấu chính thức đầu tiên của tôi là tại Asian Games 2014 ở Incheon, Hàn Quốc, và tôi rất ngạc nhiên về sự hưng phấn của họ sau khi đánh bại Iran 4-1 ở trận đầu tiên. Sau đó, HLV Park Hang Seo đã biết phát huy điểm mạnh tinh thần của các cầu thủ để giúp đội tuyển Việt Nam vươn lên nhóm 2 ở châu Á.