HLV là bù nhìn còn GĐKT là chức danh giả mạo
(Thethaovanhoa.vn) - Ông chủ quán cà phê có khách mời là một Giám đốc kỹ thuật của một CLB. Ông nói về cái chức danh của ông và cả HLV của bóng đá Việt Nam.
+ Ông chủ quán: Là Giám đốc kỹ thuật thì ông làm gì?
Giám đốc kỹ thuật: Tôi làm tất cả mọi thứ. Tôi lên giáo án huấn luyện. Tôi chỉ đạo trận đấu. Tôi thay cầu thủ, điều chỉnh chiến thuật, lao ra sát sân đấu và tôi tham gia họp báo sau trận đấu.
+ Nhưng đó toàn là những công việc của một HLV?
Thì các CLB thuê tôi về để làm những việc đó. Tôi không làm điều gì sai nguyên tắc hợp đồng cả. Mà tất cả các Giám đốc kỹ thuật khác ở Việt Nam đều làm như thế.
+ Thế những CLB có Giám đốc kỹ thuật thì không có HLV sao?
Có chứ. Thế giới chưa có đội bóng chuyên nghiệp, thậm chí không có đội bán chuyên nào không có HLV cả.
Ông Rainer Willfeld từng có thời gian làm GĐKT cho Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Ảnh: schwaebische.de
+ Vậy những HLV đó họ làm gì?
Họ làm mọi thứ trừ những công việc tôi đã kể ở trên. Mà cũng có khi, các Giám đốc kỹ thuật cáu, các HLV sẽ là những người đi họp báo, và trả lời cánh phóng viên. Họ còn là những người ký vào danh sách đội hình thi đấu mà các Giám đốc kỹ thuật hay đôi khi là các ông bầu lên sẵn. Và họ là người lên nhận huy chương nếu CLB vô địch, nhưng các cầu thủ bao giờ cũng thế, chỉ công kênh Giám đốc kỹ thuật thôi.
+ So với các HLV, những Giám đốc kỹ thuật như các anh có điểm gì hơn kém?
Họ hơn các Giám đốc kỹ thuật chúng tôi cái bằng HLV – thứ mà chúng tôi không có. Đó là điều mà cả thiên hạ cùng thấy. Còn những điểm khác, tôi không rõ, nhưng nếu có hơn thì chắc tôi đã thất nghiệp.
+ Đó là một hình thức thuê bằng, giống như người ta từng nói về một tình trạng nhiều hiệu thuốc tân dược chỉ có bằng treo ở tủ kính mà không thấy dược sĩ?
Đó là lý do mà tại sao tôi luôn tin rằng công luận đừng mỉa mai bóng đá chúng tôi. Vì thực ra có rất nhiều lĩnh vực khác cũng thế.
+ Thấy và tồn tại là một thực trạng đã phổ biến chăng? Tôi cho rằng nó không giúp cho BĐVN hay các lĩnh vực cụ thể khác phát triển.
Các Giám đốc kỹ thuật chúng tôi không có ai dưới 50 tuổi cả. Hầu hết là trên 60. Thậm chí là trên 70. Đi học lấy bằng huấn luyện là cả một vấn đề. Vì HLV giờ đây đỏi hỏi rất nhiều kỹ năng và được chuẩn hóa. Chỉ như việc phải có trình độ ngoại ngữ nhất định cũng đã là khó khăn rồi.
+ Như vậy là việc học lấy bằng huấn luyện là một việc hữu ích cho các HLV?
Học và trau dồi các kiến thức, phương pháp tân tiến của thế giới bóng đá phát triển đương nhiên là tốt. Vì các phẩm chất khác còn có cả y học thể thao, tâm lý, thể lực...
+ Vậy Giám đốc kỹ thuật đầu tiên của BĐVN là ai?
Là ông Calisto và ông Nguyễn Văn Vinh ở Đồng Tâm Long An và Hoàng Anh Gia Lai nếu tôi nhớ không nhầm. Và người thứ ba là ông Rainer Wilfeld của Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Ông Calisto thì giống chúng tôi. Ông Nguyễn Văn Vinh thì có vẻ khác vì ở HAGL thời gian đó những HLV thực thụ, để ông Vinh làm việc giống như một trưởng đoàn. Còn ông Wilfeld thì làm Giám đốc kỹ thuật cho Liên đoàn.
+ Nhưng người ta nói rằng ông Wilfeld cách đây hơn chục năm cũng chỉ làm những việc tay trái, trong khi Giám đốc kỹ thuật là người hoạch định kế hoạch, định hướng về lối chơi, kỹ thuật và góp phần làm nên bản sắc của các đội tuyển và phát triển cả một nền bóng đá.
Ông đã nhớ đúng. Ngày trước ông Wilfeld có hẳn một căn phòng ở Liên đoàn, nhưng chẳng ai ngó ngàng đến những công việc ông ấy làm. Ông ấy có những nghiên cứu xuất sắc và sau đó thì mang về nước Đức khi hợp đồng kết thúc vì không được sử dụng. Công việc của ông ấy nhiều khi là được ông HLV ngày đó, Alfred Riedl nhờ đi coi giò, coi cẳng các đối thủ của U23 Việt Nam ở SEA Gammes. Ông ấy từng có một nhận xét thế này, tôi chỉ xem các cầu thủ Thái tập 15 phút là đã thấy họ ở một trình độ hơn các cầu thủ Việt, vì các kỹ năng khống chế bóng của họ chuẩn xác, chỉ một nhịp là đủ để phục vụ ý đồ tiếp theo – chuyền hay sút bóng.
+ Chính vì lịch sử sử dụng Giám đốc kỹ thuật như vậy ở cấp độ Liên đoàn mà ngày nay các CLB ở Việt Nam cũng chỉ coi chức danh này là một lỗ hổng để khai thác, đối phó với quy định của FIFA hay AFC (Liên đoàn Bóng đá châu Á) chăng?
Chúng tôi cảm ơn sự làm ngơ này. Vì như thế chúng tôi không thất nghiệp, mà có những Giám đốc kỹ thuật đang nhận lương cao kỷ lục, gấp nhiều lần những HLV khác. Ở cái thời điểm mà AFC sang Việt Nam dạy về bóng đá chuyên nghiệp ấy, tôi còn nhớ, có những đồng nghiệp trẻ của tôi từng la toáng lên là lần này cho các cụ về hưu hết.
+ Nhưng tôi thấy để bịt cái lỗ hổng ấy chẳng khó gì. Quy định của FIFA chẳng phải là chỉ có các HLV mới là những người duy nhất được đứng ở trong cái hình chữ nhật trước khu kỹ thuật và sát đường biên dọc đó sao. Bất cứ ai không phải là HLV, kể cả Giám đốc kỹ thuật mà vi phạm điều đó cũng sẽ bị mời lên trên khán đài ngồi. Cứ thực thi quy định đó một cách chặt chẽ là xong.
Ông chủ quán đừng nói với ai về điều này nhé. Không là chúng tôi thất nghiệp hết. Nhưng nếu tôi cứ ngồi và cho HLV đứng, chỉ là nhắc lại những điều tôi chỉ đạo từ đằng sau thì sao?
+ Thì khi ấy, các HLV chỉ là cái mồm của Giám đốc kỹ thuật các anh.
Thể thao & Văn hóa cuối tuần