Hiểu thêm về tục thờ Thần Tài
Thần Tài là ai mà được nhiều người dâng lễ cúng trong ngày mùng 10 tháng Giêng?
Tục thờ Thần Tài đã xuất hiện trong văn hoá nước ta từ lâu, mặc dù không rõ được từ thời điểm nào và cũng có ảnh hưởng sự pha trộn của văn hoá Trung Hoa, nhưng tín ngưỡng dân gian thờ Thần Tài nước ta cũng có nhiều khác biệt.
Thần Tài là một vị thần quan trọng quen thuộc trong tín ngưỡng người Việt và một số nước phương Đông như Trung Quốc, Ấn Độ, Tây Tạng. Đây là vị thần được cho là đem lại may mắn, tiền tài. Mỗi dịp xuân về, đặc biệt trong tháng đầu tiên của năm mới, nếu người Việt thường chọn ngày mùng 10 là vía Thần Tài, thường dâng cúng những mâm lễ đủ màu sắc để xin lộc làm ăn hoặc đi mua vàng để lấy may thì tục thờ Thần Tài trong Đạo giáo thể hiện một phiên bản khác.
Đối với những người làm ăn, kinh doanh, tục thờ cúng Thần Tài rất quan trọng.
Câu chuyện về tín ngưỡng thờ Thần Tài
Trong Đạo giáo, mùng 5 tháng Giêng âm lịch, người dân có phong tục nghênh đón Thần Tài. Đây là vị thần được nhiều người biết đến với việc phụ trách của cải và sự giàu có. Trong văn hoá Đạo giáo, ngày Rằm tháng 3 âm lịch và ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch, Thần Tài sẽ "tuần tra" hạ giới.
Thần Tài là ai?
Ở Trung Quốc, theo dân gian, ngày mùng 5 Tết là ngày sinh của Thần Tài, tương truyền Ngọc Hoàng Thượng Đế sẽ phái Thần Tài đến xem xét việc làm của mọi người ở nhân gian. Nên ngày này đã trở thành ngày đón Thần Tài, người ta dâng lễ vật để được Thần Tài phù hộ năm mới, kiếm được nhiều tiền hơn.
Trong văn hoá dân gian, Thần Tài được tạo nên từ nhiều phiên bản, trong đó có nhiều vị Thần Tài được thờ cúng, gọi là Thần Tài ngũ phương, mỗi vị đều mang tính cách tiêng, mang đến cho người thờ cúng sự chiêm nghiệm sâu sắc và giác ngộ khác nhau khi mưu cầu sự giàu có.
Đúng như tên gọi, bất cứ ai muốn cầu may mắn, làm ăn phát đạt, công việc hanh thông, người ta đều chọn thờ Thần Tài. Có thể nói, Thần Tài là vị thần trực tiếp cai quản của cải, được chia thành Thần Tài văn và Thần Tài võ.
Thần Tài ngũ phương
Thần Tài tượng trưng cho phía Đông là Tỷ Can, phía Nam là Phạm Lãi, phía Tây là Quan Vũ, phía Bắc Triệu Công Minh và trung tâm là Vương Hải.
Triệu Công Minh - vị thần của sự giàu có, tay trái cầm thỏi vàng để thể hiện rằng của cải được chia cho mọi người khắp chốn nhân gian. Tay phải cầm một cây roi thép, ngụ ý rằng những người "mắc bệnh gian dối về giàu có" sẽ bị trừng phạt.
Triệu Công Minh, hay còn gọi Triệu Công Nguyên Soái, không được ghi trong chính sử. Theo huyền thoại, ông có khuôn mặt đen và bộ râu rậm, mặc áo giáp, cưỡi hổ đen và tay trái cầm thỏi , tay phải cầm roi bạc.
Các ghi chép sớm nhất về Triệu Công Minh xuất hiện từ thời Nguỵ, Tấn, Nam Bắc triều, theo truyền thuyết ông sinh ra ở phía phía Bắc nên được phong là Thần Tài phụ trách nguồn tài chính hướng Bắc.
Quan Vũ, thường được gọi là Quan Công, là một danh tướng của nước Thục trong thời kỳ Tam Quốc.
Bởi tính cách trung thành và tin cậy, hợp với nguyên tắc "lấy chính nghĩa làm lợi" của các thương nhân Trung Quốc nên ông cũng được tôn là Thần Tài.
Vào ngày mùng 5 tháng Giêng, người dân thường đến miếu Quan Công cúng bái để cầu may mắn trong năm mới.
Quan Vũ là danh nhân ở Sơn Tây nên người làm ăn buôn bán Sơn Tây đã xây dựng miếu Quan Đế ở nhiều nơi khác nhau để thờ cúng.
Các thương nhân thường dâng hương ước nguyện, theo thời gian, Quan Vũ được người dân coi là Thần Tài, ông cũng là tướng của Tây Thục phụ trách sự giàu có hướng Tây.
Tỷ Can là một trung thần, vì can ngăn vua Trụ nhiều lần nghe lời Đát Kỷ mà bị vua giết chết bằng cách moi tim. Ông là người thông tuệ, giữ chức Tể tướng nhà Thương, có sự công bằng nên được người dân tôn làm Văn Thần Tài.
Phạm Lãi có khởi đầu vất vả, đi lập nghiệp tha hương và thành công trong các lĩnh vực kinh doanh sứ, chè, ô dù. Từ thời nhà Tống và Nguyên, Phạm Lãi được người dân coi là Thần Tài, chịu trách nhiệm về nguồn của cải phía Nam.
Hình ảnh thần Tài Phạm Lãi (trái) và Tỷ Can (phải)
Vương Hợi, tương truyền là vị thủ lĩnh thứ bảy của nước Thương trong triều đại nhà Hạ. Ông từng giúp vua cha chống lũ lụt, phát minh ra xe bò, khuyến khích người dân dùng xe bò kéo hàng hoá đi buôn bán. Thần Tài Vương Hợi được mệnh danh là vị thần phụ trách tài lộc ở trung tâm.
Trong Phật giáo Tây Tạng còn có năm vị đại diện cho sự giàu tượng trưng cho 5 màu trắng, đỏ, đen, vàng và xanh lá cây. Như vậy, Thần Tài ngũ phương trong dân gian được chia theo hướng, còn Thần Tài ngũ hành trong Phật giáo Tây Tạng chia theo màu sắc.
Tục thờ cúng Thần Tài của người Việt
Tục thờ Thần Tài ở nước ta có sự khác biệt, đó là việc Thần Tài thường được thờ chung cùng Ông Địa. Thần Tài trong tín ngưỡng tâm linh người Việt là Thổ Địa - vị thần hộ mệnh cai quản đất đai, bảo trợ bình an cho con người.
Thuở xưa, dân ta đi khai hoang lập ấp, đầy khó khăn, khổ ải và ý niệm về các vị thần hình thành từ đó để làm chỗ dựa tinh thần cho họ trên con đường mưu sinh. Thổ Địa (Thần Đất) là vị thần bảo vệ cho cây trái, hoa màu gắn liền với nền văn minh nông nghiệp của người Việt từ cổ xưa. Đây cũng là vị thần trông coi, nắm giữ tiền tài.
Trong cuốn Thần Đất: Thổ Địa & Thần Tài của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng có viết ngày vía Thần Tài vẫn theo lịch lễ, song chuyện cúng kiếng thì tự do mỗi miền mỗi khác. Đại Nam quốc âm tự vị (1895), tác giả Huỳnh Tịnh Của cũng đã cắt nghĩa Thổ Thần và Tài Thần đều là: "Thần đất, thần giữ tiền bạc".
Khi không khí Tết Nguyên đán chưa kịp vơi bớt trong những ngày đầu xuân, người dân thường nô nức dâng mâm lễ cúng và đi mua vàng lấy may ngày vía Thần Tài vào mùng 10 tháng Giêng. Người ta tin rằng, mua vàng đầu năm tượng trưng cho tài lộc dư dả và làm ăn sẽ thuận lợi.
Bên cạnh đó, những mâm lễ "Tam sên" (Tam sinh, Tam sanh) được đặt lên bàn thờ Thần Tài ở góc nhà cũng được người dân chuẩn bị chu đáo, đầy đủ lễ vật tượng trưng cho Thiên, Địa, Nhân như heo quay (heo luộc), tôm luộc, trứng luộc, bánh bao hình thỏi vàng,...
Thần Tài bảo trợ cho điều gì?
Trong tín ngưỡng của người phương Đông, Thần Tài là vị thần cai quản tiền bạc và của cải. Tuỳ theo địa phương và nghề nghiệp khác nhau mà người ta chọn các vị Thần Tài khác nhau. Theo phong tục cổ truyền của Đài Loan, ngày mùng 5 Tết là ngày đón Thần tài, không chỉ cầu sức khoẻ cho gia đình mà còn cầu tài lộc cho cả nhà.
Trong niềm tin của Đạo giáo, dân gian xin Thần Tài ban cho lộc làm ăn, vàng bạc của cải nhưng bên cạnh đó cũng có cách hiểu khác.
Ngoài tiền bạc, tấm lòng thành của con người chính là của cải. Nói một cách đơn giản, dâng lễ cúng Thần Tài không chỉ mong lợi ích của bản thân mà còn cầu phúc khí cho nhân gian. Khi cúng Thần Tài mong chiêu tài hút lộc, người ta cũng nên biết ơn nguồn gốc đức tính của Thần Tài, lấy đó để điều chỉnh hành vi của bản thân, tạo phúc khí, loại bỏ sự xấu xa mới mong vạn phúc tụ về và phú quý giáng xuống.
Trong Đạo Đức Kinh có câu thế này: "Bậc thánh nhân không tích luỹ, càng nghĩ cho người khác thì càng có nhiều, càng cho người thì càng có nhiều". Nói dễ hiểu hơn là ai giúp đỡ người khác thì sẽ luôn được giúp đỡ, ai bố thí sẽ được đền đáp gấp đôi. Bởi vậy, mục đích sâu xa khi thờ cúng Thần Tài không hẳn là để có sự giàu có, mà quan trọng hơn là học hỏi được phẩm chất, kiếm tiền một cách chính đáng.
Một số điều kiêng kỵ vào ngày vía Thần Tài
Trong dân gian có phong tục nghênh tài thần để chiêu tài phú quý, chính vì thế mà ngày này cũng có nhiều điều cần lưu tâm.
Dân gian quan niệm rằng nên hoan hỷ, hào phóng vào ngày vía Thần Tài, cụ thể là đặt thêm bánh kẹo ngọt trên ban thờ và phòng khách vào ngày đón Thần Tài. Vị chuyên gia văn hoá Dương Đăng Huy, người Trung Quốc cho rằng ngày đón Thần Tài không nên keo kiệt mà nên chia sẻ nhiều hơn. Chẳng hạn như việc đặt bánh kẹo trong nhà, nếu có khách và người thân đến thăm thì sẽ giúp làm ăn phát đạt trong năm mới.
Trong ngày vía Thần Tài, người dân thường dâng cúng đồ ngọt và đi mua vàng lấy may.
Tục dân gian tin không nên quét nhà, hót rác ba ngày Tết. Nhưng đến mùng 5 thì nên dọn dẹp nhà cửa. Người ta tin rằng trong mấy ngày Tết, dùng chổi quét nhà coi như quét đi những điều may mắn, nhưng đến ngày ngênh đón Thần Tài thì nên quét dọn nhà cửa sạch sẽ.
Ăn các loại bánh có hình thỏi vàng, túi tiền. Trong văn hoá cổ truyền Trung Quốc, người dân thường ăn bánh bao, sủi cảo như một cách mang lại may mắn cho bản thân. Những cấm kỵ vào ngày Tết Nguyên đán cũng được phá bỏ, người làm ăn có thể khai trương buôn bán. Vào ngày này, người dân thường ăn sủi cảo, tượng trưng cho năm mới tài lộc tăng lên, sủi cảo hay bánh bao phải ăn theo số chẵn, tức là của cải tăng gấp đôi, có đôi có cặp.
Người ta tin rằng cúng Thần Tài cần thực hiện vào sáng sớm, khi ấy là ngày mở hàng, khai xuân tốt. Lễ vật cúng ngoài tam sinh, thịt lợn, cá lóc nướng thì dân gian còn quan niệm Thần Tài thích ăn đồ ngọt. Bởi vậy, có thể bày các loại bánh kẹo ngọt, bánh bao hình thỏi vàng, trái đào, hình túi tiền. Hoa quả thì có thể đặt dứa tượng trưng cho sự phát đạt, quýt tượng trưng cho điềm lành, chuối tượng trưng cho may mắn.