Hiểu biết đầy đủ đối tác là chìa khóa để doanh nghiệp Việt mở rộng xuất khẩu sang EU
(Thethaovganhoa.vn) - Đối với Hiệp định EVFTA, mặc dù hướng tới xóa bỏ thuế nhập khẩu lên đến gần 100% biểu thuế và kim ngạch thương mại của hai bên, nhưng doanh nghiệp Việt Nam chưa có hiểu biết đầy đủ đối vấn đề xuất xứ. Đây là vấn đề được nhấn mạnh trong hội thảo “Thị trường EU: cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong bối cảnh mới”.
Hội thảo “Thị trường EU: cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong bối cảnh mới” do Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 5/12, tại Hà Nội.
Theo Ban tổ chức, mục đích hội thảo nhằm góp phần tăng cường phát triển quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với các nước EU, cũng như cập nhật thông tin về thị trường cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, EU là một thị trường lớn và tiềm năng với 28 quốc gia thành viên và dân số trên 500 triệu người. Trong thời gian qua, quan hệ thương mại Việt Nam - EU đã phát triển nhanh chóng và Việt Nam luôn ở vị trí xuất siêu sang thị trường này.
Từ năm 2000 đến năm 2016, quan hệ thương mại Việt Nam-EU đã có những phát triển tích cực, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gần 11 lần, từc mức 4,1 tỷ USD (năm 2000) lên đến 45 tỷ USD (năm 2016). Điều này đã đưa EU trở thành một trong các đối tác thưng mại hàng đầu của Việt Nam; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 12 lần (từ 2,8 tỷ USD lên trên 34 tỷ USD) và nhập khẩu vào Việt Nam từ EU tăng 8,5 lần ( từ 1,3 tỷ USD lên 11 tỷ USD).
Tuy nhiên, EU là một trong những thị trường có nhiều quy định kỹ thuật khá khắt khe với mục đích là bảo vệ môi trường tốt nhất sức khỏe cho con người, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững… Do vậy, các doanh nghiệp cần đáp ứng tốt các yêu cầu tiếp cận thị trường này, nhất là khi FTA Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực.
Tại hội thảo ông Quyền Anh Ngọc, Phó Trưởng phòng WTO, Vụ Chính sách thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) đã đưa ra một số lưu ý đối với các doanh nghiệp thủy sản khi xuất khẩu sang thị trường EU. Theo đó, khi Ủy ban châu Âu chính thức áp dụng "thẻ vàng" đối với hải sản khai thác của Việt Nam. Nước bị "thẻ vàng" sẽ có 6 tháng để khắc phục thiếu sót, nếu không có cải thiện theo đánh giá của EU sẽ bị chuyển sang "thẻ đỏ".
Đối với mặt hàng gỗ ông Trần Ngọc Quân cũng lưu ý, doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ, chứng từ đầy đủ toàn bộ chuỗi cung ứng. Việc khai thác và chế biến gỗ sẽ phải thực hiện theo quy trình quản lý nguồn gỗ để đảm bảo xuất khẩu gỗ hợp pháp và EU.
Đối với Hiệp định EVFTA, mặc dù hướng tới xóa bỏ thuế nhập khẩu lên đến gần 100% biểu thuế và kim ngạch thương mại của hai bên, nhưng doanh nghiệp Việt Nam chưa có hiểu biết đầy đủ đối vấn đề xuất xứ. Mặt khác, một số quy tắc xuất xứ trong FTA còn chặt mà doanh nghiệp chưa đáp ứng được. Chính vì vậy, ông Quân cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu và xây dựng kế hoạch trong việc điều chỉnh chuỗi cung ứng, các nguyên vật liệu đầu vào để đảm bảo đáp ứng các quy tắc xuất xứ, qua đó mới có thể thực sự tận dụng được thuế suất ưu đãi khi EVFTA có hiệu lực.
Thảo Nhi